Bà Phumzile Mlambo-Ngcuka, Giám đốc điều hành UN Women

Cách đây gần 20 năm, các nước trên thế giới đã cùng nhau hội tụ tại Bắc Kinh tham gia Hội nghị Thế giới lần thứ tư về Phụ nữ. Tại đó, Chính phủ 189 quốc gia đã thông qua một lộ trình có tầm nhìn sâu rộng về bình đẳng giới: Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh. Hơn 17.000 đại biểu và 30.000 nhà hoạt động đã hình dung ra một thế giới nơi mà phụ nữ và trẻ em gái có các quyền, tự do và cơ hội bình đẳng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Mặc dù nhiều tiến bộ đã đạt được trong suốt hai thập kỷ qua nhưng không một quốc gia nào có thể tuyên bố đã đạt được bình đẳng giữa nam và nữ. Đã đến lúc các quốc gia trên thế giới một lần nữa cùng nhau sát lại vì phụ nữ và trẻ em gái và kết thúc hành trình này.

UN Women đang phát động một chiến dịch kéo dài một năm nhằm tiếp sức cho tầm nhìn đề ra tại Hội nghị Thế giới về Phụ nữ năm 1995. Mục tiêu của chúng ta rất thực tế: làm mới cam kết, thúc đẩy hành động và tăng cường nguồn lực để thực hiện bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và quyền con người. Chiến dịch đó mang tên: Hãy trao quyền cho phụ nữ. Trao quyền cho nhân loại.Cùng tôn vinh thành tựu về bình đẳng giới trong 20 năm qua!

Tuyên bố Bắc Kinh đã đề ra những hành động để giải quyết 12 lĩnh vực quan tâm chính đối với phụ nữ và trẻ em gái trên toàn cầu. Lời thúc giục đã được gửi tới chính phủ các nước, khu vực tư nhân và các đối tác khác nhằm giảm nghèo cho phụ nữ và trẻ em gái cũng như đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục và đào tạo cho họ, bảo vệ sức khỏe của họ - bao gồm sức khỏe tình dục và sinh sản, bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái khỏi bạo lực và phân biệt đối xử, đảm bảo rằng mọi người đều có thể hưởng lợi từ những tiến bộ công nghệ và thúc đẩy sự tham gia đầy đủ và bình đẳng của họ trong xã hội, chính trị và nền kinh tế.

Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh vẫn là thỏa thuận toàn cầu toàn diện nhất về trao quyền cho phụ nữ và bình đẳng giới. Giá như Tuyên bố và Cương lĩnh hành động này đã được thực hiện! Mặc dù vậy, hôm nay chúng ta vẫn có thể chúc mừng những tiến bộ đã đạt được. Nhiều trẻ em gái hơn được tới trường. Nhiều phụ nữ hơn hiện đang có việc làm, được bình bầu và đang đảm nhiệm những vị trí lãnh đạo. Nhưng tại tất cả các khu vực trên thế giới và tại mọi quốc gia, phụ nữ vẫn tiếp tục phải đối mặt với sự phân biệt đối xử bởi vì họ là phụ nữ. Chúng ta nhận thấy sự phân biệt đối xử này diễn ra hàng ngày: Ở sự bất bình đẳng trong trả lương và bất bình đẳng về cơ hội tại nơi làm việc ... ; ở tỉ lệ lãnh đạo nữ vẫn tiếp tục thấp tại khu vực công và tư...; ở sự hoành hành của tình trạng tảo hôn và ở đại dịch bạo lực mà cứ 1 trong số 3 phụ nữ trên toàn cầu hiện đang phải gánh chịu - một con số lớn còn hơn dân số của châu Âu. Thậm chí đáng giật mình hơn là thực tế rằng nếu mà các cuộc đàm phán năm 1995 diễn ra vào ngày hôm nay thay vì 20 năm trước thì sẽ có khả năng dẫn đến một thỏa thuận yếu ớt hơn. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm phải tiếp tục thúc đẩy công tác thực hiện đầy đủ bởi vì mỗi khi có một phụ nữ hoặc một trẻ em gái bị cản trở bởi sự phân biệt đối xử hoặc bạo lực thì nhân loại lại chứng kiến sự mất mát. Kể từ Hội nghị thế giới về Phụ nữ năm 1995, những bằng chứng không thể chối cãi tích lũy được đã chỉ ra rằng trao quyền cho phụ nữ chính là trao quyền cho nhân loại. Vậy chúng ta hãy cùng hoạch định tầm nhìn để cùng nhau thực hiện!

Các quốc gia mà có mức độ bình đẳng giới cao hơn thường có mức tăng trưởng kinh tế cao hơn. Những công ty sử dụng nhiều nhân viên nữ thường có mức lợi nhuận chia cho cổ đông cao hơn. Quốc hội nước nào có tỉ lệ nữ đại biểu quốc hội cao thường xem xét nhiều vấn đề hơn và thông qua nhiều luật hơn về lĩnh vực y tế, giáo dục, chống phân biệt đối xử, và hỗ trợ trẻ em. Những thỏa thuận hòa bình mà đạt được bởi 2 bên tham gia đàm phán là nam và nữ thì thường tồn tại lâu hơn và ổn định hơn. Các nghiên cứu cho thấy rằng phụ nữ cứ có thêm một năm giáo dục thì tỷ lệ tử vong trẻ em sẽ giảm đi 9,5%. Việc tạo khả năng tiếp cận bình đẳng tới các nguồn lực và dịch vụ cho nữ nông dân sẽ làm tăng sản lượng và xóa đói cho 150 triệu người. Trong thập kỷ tới, sẽ có 1 tỷ phụ nữ bước vào nền kinh tế thế giới. Nếu được tạo cơ hội bình đẳng, tác động của phụ nữ mang lại đối với sự thịnh vượng tương lai của chúng ta sẽ là một yếu tố thay đổi cục diện toàn cầu.

Chúng ta có thể và có lẽ cần phải xoay hình ảnh này cho gần với thực tế. Hiện nay, tất cả các nước đang nỗ lực thực hiện để đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) vào năm 2015, và để xác định một kế hoạch phát triển mới trên quy mô toàn cầu. Chúng ta phải nắm bắt cơ hội chỉ tồn tại một lần trong đời này để đặt bình đẳng giới, quyền phụ nữ và trao quyền cho phụ nữ vững chắc ở vị trí trung tâm trong chương trình nghị sự toàn cầu. Đây là điều chính đáng cần phải làm, và cũng là điều tốt nhất cho nhân loại. Nam giới và trẻ em trai, những người đã im lặng quá lâu, đang bắt đầu đứng lên và lên tiếng ủng hộ cho các quyền con người của phụ nữ và trẻ em gái thông qua các sáng kiến như Chiến dịch “He For She (Nam giới hành động vì Phụ nữ) của UN Women. Chúng tôi kêu gọi tất cả nam giới và trẻ em trai hãy cùng tham gia với chúng tôi!

Sau gần 20 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh, tôi tin tưởng rằng thế giới đã sẵn sàng để thực hiện tầm nhìn của mình về bình đẳng đối với nam giới và phụ nữ. Mỗi quốc gia sẽ thực hiện một báo cáo về tình hình phụ nữ và trẻ em gái sau 20 năm. Chiến dịch này kêu gọi các nhà lãnh đạo cũng như người dân tái cam kết và hành động để biến tầm nhìn của Cương lĩnh Bắc Kinh thành hiện thực.

Từ đất nước Thụy Điển, nơi vào tháng 6 tới mọi người sẽ tề tựu đông đủ nhằm bảo vệ quyền con người của phụ nữ và trẻ em gái, tới Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu vào tháng 9 tại New York, nơi những vị lãnh đạo nhà nước và các nhà hoạt động là phụ nữ sẽ khẳng định vai trò của phụ nữ trong việc bảo vệ môi trường, tới Ấn Độ, nơi nam giới và trẻ em trai sẽ tiến hành cuộc biểu dương lực lượng vì bình đẳng giới vào tháng 11. Không còn thời gian để lãng phí thêm nữa! Hãy trao quyền cho phụ nữ, trao quyền cho nhân loại: Cùng hoạch định tầm nhìn!