Bà Jacinda Ardern với tuyên bố "Đoàn kết chống lại Covid-19"
"Cái đầu lạnh" và "trái tim nóng"
Bà Jacinda Ardern chính thức trở thành Thủ tướng được tín nhiệm nhất tại New Zealand trong một thế kỷ qua. Bằng "cái đầu lạnh" và "trái tim nóng", Thủ tướng Jacinda Ardern gây ấn tượng mạnh với người dân xứ sở kiwi và cộng đồng quốc tế từ việc đưa đất nước vượt qua thảm kịch xả súng hồi năm ngoái đến cách ứng phó với đại dịch Covid-19.
Là Thủ tướng trẻ tuổi nhất của New Zealand trong vòng hơn 150 năm qua, với sự trẻ trung, tự tin và những tố chất cần thiết của một người lãnh đạo, bà Ardern được người dân kỳ vọng sẽ mang lại "làn gió mới" trên chính trường New Zealand. Sau hơn 2 năm kể từ khi nhậm chức, bà Jacinda Ardern ngày càng khẳng định được khả năng lãnh đạo đất nước của mình. Lòng nhiệt huyết, trái tim nhân hậu cũng như cách xử lý khủng hoảng quyết liệt là những yếu tố giúp bà Jacinda Ardern ghi điểm trong mắt người dân New Zealand.
Kết quả cuộc thăm dò do hãng nghiên cứu Newshub-Reid cho thấy, tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Jacinda Ardern tăng vọt từ 20,8% lên 59,5%. Đây là mức tín nhiệm cao nhất đối với bất kỳ nhà lãnh đạo nào trong lịch sử các cuộc thăm dò dư luận của Newshub-Reid. Thành công của bà trong việc kiểm soát và khống chế dịch Covid-19 đã giúp nhà lãnh đạo 39 tuổi này nâng cao uy tín, hứa hẹn một chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 9 tới.
Cuối tháng 4 vừa qua, New Zealand đã trở thành quốc gia đầu tiên tuyên bố "chiến thắng" dịch Covid-19. New Zealand là một đảo quốc có gần 5 triệu dân, nền kinh tế chủ yếu dựa vào du lịch. Tuy nhiên, bà Ardern đã có một bước đi chưa từng có tiền lệ là đóng cửa biên giới với du khách nước ngoài từ ngày 19/3, sau đó tuyên bố phong tỏa toàn quốc trong 4 tuần kể từ ngày 23/3, yêu cầu người dân phải ở nhà trừ khi đi mua sắm nhu yếu phẩm hoặc tập thể dục quanh nhà. Dữ liệu di động của Google cho thấy mức tuân thủ cao độ của người dân nước này đối với các quy định trên. Việc Chính phủ quyết định áp dụng lệnh phong tỏa sớm và tiến hành xét nghiệm rộng rãi đã làm gián đoạn sự lây lan của dịch.
Ngày 20/5, Chính phủ New Zealand đã ra mắt một ứng dụng trên điện thoại thông minh nhằm truy dấu các trường hợp lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Ứng dụng trên có tên là "NZ COVID Tracer" cho phép người dùng có thể tự báo cáo khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh Covid-19 để được xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Sau khi tải ứng dụng này về điện thoại, người dùng cũng có thể thiết lập một nhật ký số ghi lại các địa điểm họ đã tới bằng cách quét các mã QR dán ở lối vào các địa điểm như tại các cơ quan hay tòa nhà công cộng. Ứng dụng cũng cho phép người dùng có thể đăng ký thông tin liên hệ cá nhân.
Đại diện Bộ Y tế New Zealand Ashley Bloomfield cho biết, một trong những biện pháp ứng phó y tế cộng đồng quan trọng của quốc gia này trước đại dịch Covid-19 là tìm và cách ly các trường hợp mắc bệnh, đồng thời duy trì liên hệ chặt chẽ nhằm ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ông Bloomfeild khẳng định ứng dụng mới sẽ trợ giúp giới chức y tế New Zeland thực hiện nhiệm vụ, đồng thời nhấn mạnh càng nhiều người dân tải về và sử dụng ứng dụng nói trên thì biện pháp càng có hiệu quả trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Trong phiên bản cập nhật tiếp theo, ứng dụng này sẽ có thêm tính năng nhắc người dùng nếu họ vừa tới cùng một địa điểm vào cùng một thời điểm với người mắc Covid-19 và cho phép người dùng gửi trực tiếp nhật ký số của mình tới các cơ quan có chức năng truy dấu Covid-19.
Quyết tâm phục hồi kinh tế hậu Covid-19
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tuyên bố nội các của bà cắt giảm 20% lương trong vòng 6 tháng do đất nước đang gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19. Dẫu việc cắt giảm lương không giúp thay đổi được tình trạng tài chính của Chính phủ nhưng thể hiện trách nhiệm của lãnh đạo và là sự ghi nhận những khó khăn mà nhiều người dân New Zealand đang phải đối mặt. Việc cắt giảm lương 20% cũng sẽ được áp dụng đối với các công chức lãnh đạo. Bên cạnh các chương trình hỗ trợ trị giá 12 tỷ USD để giúp người dân vượt qua khó khăn trong mùa dịch Covid-19, Chính phủ New Zealand công bố một gói hỗ trợ mới trị giá 1,8 tỷ USD dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm ưu đãi thuế, tư vấn kinh doanh và hỗ trợ người cho thuê và thuê nhà.
Bà Jacinda Ardern cùng người dân
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern mới đây đã đề nghị các doanh nghiệp xem xét phương án cho nhân viên làm việc 4 ngày/tuần cùng nhiều giải pháp làm việc tự do khác nhằm tạo thời gian cho mọi người mua sắm, du lịch cũng như cân bằng cuộc sống sau lệnh cách ly. Phương án làm việc linh hoạt có thể tăng năng suất lao động, thúc đẩy ngành du lịch trong nước, cũng như cải thiện cân bằng công việc-cuộc sống của người lao động. Hiện nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đóng cửa khẩu và hạn chế đi lại giữa các nước nhằm chống dịch Covid-19.
Những ý kiến trên của Thủ tướng Ardern đã thu hút được sự quan tâm của người dân, nhất là khi ngày càng nhiều người lo lắng cho tương lai nền kinh tế sau khi lệnh cách ly chấm dứt. Thủ tướng Ardern cho biết, nhiều người dân đã nói rằng họ sẽ đi du lịch thường xuyên hơn nếu có thời gian rảnh ngoài giờ làm việc. Đây là một phương án khả thi nhằm cứu giúp ngành du lịch New Zealand vốn đang khủng hoảng nặng do cửa khẩu bị đóng còn người dân hạn chế chi tiêu sau dịch Covid-19. Hiện hàng chục nghìn lao động tại New Zealand đã bị cho nghỉ sau thời kỳ cách ly vì dịch Covid-19 do thiếu việc làm. Việc doanh nghiệp giảm giờ làm, thuê thêm lao động và tăng năng suất, kích thích tiêu dùng qua đó hưởng lợi nhờ doanh số đi lên có thể là một phương án hiệu quả về mọi mặt cho nền kinh tế New Zealand.
Bà Jacinda Ardern được coi là hình mẫu cho phụ nữ trong xã hội hiện đại. Tháng 9/2018, bà Jacinda Ardern trở thành tâm điểm của truyền thông thế giới khi trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên đưa con gái nhỏ đến một phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Bà muốn gửi đi một thông điệp rằng, phụ nữ hoàn toàn có thể thành công trong sự nghiệp mà vẫn chăm lo được cho gia đình. |
Nhu Thụy (Nguồn: Reuters, New Zealand Herald)