Quyết định này vấp phải sự phản đối của nhiều người dân. Họ cho rằng lệnh cấm là phân biệt đối xử và có thể tước đoạt quyền sinh con của phụ nữ.

Ở Trung Quốc, các công nghệ hỗ trợ thụ thai phần lớn được sử dụng để giúp những phụ nữ kết hôn có vấn đề sinh sản. Những quy định từ năm 2015 cấm phụ nữ độc thân tiếp cận với các phương pháp điều trị thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) và đông lạnh trứng tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên, đàn ông độc thân được quyền đông lạnh tinh trùng hợp pháp để sử dụng về sau.

Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, việc lấy trứng là thao tác xâm lấn có thể gây rủi ro về mặt y tế, ảnh hưởng đến sức khỏe phụ nữ. Họ cũng trích dẫn các vấn đề đạo đức, các hoạt động lợi dụng buôn bán trứng của phụ nữ. Mang thai hộ là hoạt động bất hợp pháp ở Trung Quốc.

Ủy ban cho biết đang xem xét đưa ra quy định cấm phụ nữ độc thân có quyền đông lạnh trứng và điều trị IVF vào luật. Theo cơ quan này, phụ nữ độc thân muốn đông lạnh trứng chỉ đơn giản là để trì hoãn việc sinh con, vấn đề gây tranh luận mạnh mẽ trên thế giới và trong giới học thuật.

"Các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra tỷ lệ thành công của công nghệ sinh sản giảm xuống khi tuổi của phụ nữ tăng lên. Ở Mỹ và châu Âu, các chuyên gia cũng khẳng định công nghệ đông lạnh trứng được thương mại hóa mang lại hy vọng lầm tưởng cho phụ nữ - những người nghĩ rằng có thể trì hoãn việc sinh con ở độ tuổi già hơn", báo cáo của ủy ban cho hay.


                                                                           Ngày càng nhiều phụ nữ độc thân muốn trữ đông lạnh trứng để chờ sinh nở khi gặp người chồng hoàn hảo. Ảnh: Guardian

Tuyên bố củng cố quan điểm cấm đoán của Ủy ban Y tế Quốc gia được đưa ra sau đề xuất cho phép phụ nữ chưa kết hôn tiếp cận công nghệ để "đảm bảo quyền bình đẳng" của nhà cố vấn chính sách, luật sư Peng Jing tại một hội nghị chính trị.

Tuyên bố đã gây tranh luận sôi nổi. Nhiều người dùng mạng xã hội lo ngại các quy định này là nỗ lực thúc đẩy phụ nữ trẻ kết hôn và sinh con sớm. "Rõ ràng là họ chỉ muốn phụ nữ có con sớm", một người bình luận.
Khả năng sinh sản của phụ nữ vốn là chủ đề gây tranh cãi ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ. Tỷ lệ sinh ở nước này giảm xuống thấp nhất vào năm 2019 sau 60 năm kể từ năm 1990.
Những năm gần đây, giới chức khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con nhưng nhiều phụ nữ từ chối điều này vì nhiều lý do. Họ gặp khó khăn trong việc tìm bạn đời phù hợp, chi phí nuôi con cao và độc lập hơn về tài chính. Xu hướng này đã thúc đẩy ngày càng nhiều nữ giới tìm cách đông lạnh trứng của họ.
Một bác sĩ sản phụ khoa ở Vô Tích, phía đông tỉnh Giang Tô, bênh vực quan điểm của Ủy ban Y tế. Ông cho rằng chính sách này được áp dụng phần lớn để ngăn chặn nạn mang thai hộ và bán trứng.

Tuy nhiên, luật sư Dong Xiaoying ở Quảng Châu, nhận định phụ nữ nên được toàn quyền đánh giá rủi ro của việc này, thay vì ủy ban đưa ra quyết định cho họ.

Theo ông Dong, hiện nhiều phụ nữ Trung Quốc giàu có, vẫn có thể đi du lịch nước ngoài để đông lạnh trứng. "Đối với những cô gái độc thân có tiềm lực tài chính, họ có thể làm điều này ở Mỹ hoặc châu Âu. Dù quy định có hạn chế hay không thì nhu cầu vẫn tồn tại", Dong nói.


                                                                                                             Theresa Xu (áo xanh) bên ngoài Tòa án quận Triều Dương ở Bắc Kinh. Ảnh: SCMP

Năm 2019, Theresa Xu, 30 tuổi, là người đầu tiên gửi đơn kiện Bệnh viện Phụ sản Bắc Kinh vì đã từ chối đông lạnh trứng cho cô, để cô có thể sinh con khi tìm được người bạn đời phù hợp.

Xu mong muốn chính phủ thảo luận cởi mở thêm về vấn đề này. "Ngày nay, các công nghệ hỗ trợ sinh sản được áp dụng trên toàn thế giới. Các nước cũng đưa ra luật để quản lý vấn đề này, chứ không cấm đoán hoàn toàn", cô nói.

Xu cho biết thêm, quyết định của chính phủ ngăn phụ nữ độc thân đông lạnh trứng vì lo ngại thương mại hóa là không hợp lý, vì hiện tại, nhiều người vẫn bán trứng và mang thai hộ bất hợp pháp, bất chấp nỗ lực cấm đoán.

Vụ kiện của Theresa Xu vẫn đang được xét xử.