Từ cô bé nghèo mồ côi mẹ…

Chu Quần Phi sinh năm 1970 trong một gia đình nghèo khó ở vùng núi hẻo lánh thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Tuổi thơ của bà là những ngày tháng vô cùng khốn khổ.

Mẹ mất sớm khi bà mới 5 tuổi, người cha thì không may bị mù cả hai mắt sau một tai nạn. Trong hồi ức của Chu Quần Phi sau này bà bảo ngày ấy, gia đình luôn trong tình trạng chạy ăn từng bữa, sống hôm nay mà chưa biết ngày mai thế nào.

Từ nhỏ, bà Chu phải làm không ít việc để phụ giúp gia đình và kiếm sống. Sau khi tan học, hàng ngày bà thường xách chiếc giỏ lên núi chặt củi, tre, làm cỏ, sau đó về nhà cho lợn, gà ăn. Những công việc gian khó ngày nhỏ đã hình thành trong bà phẩm chất siêng năng, chăm chỉ từ khi còn là một đứa trẻ.

Năm 15 tuổi, để giảm bớt gánh nặng cho gia đình, Chu Quần Phi quyết định nghỉ học, lên Thâm Quyến tìm việc.

Từ cô bé nghèo, nghỉ học ở tuổi 15 thành tỷ phú giàu bậc nhất Trung Quốc - 1

Các thành phố lớn Trung Quốc thường đem lại nhiều cơ hội việc làm (Ảnh: 163)

Vừa chân ướt chân ráo lên thành phố, bà được nhận vào làm bảo vệ cho nhà kho của một công trường xây dựng. Tuy nhiên, làm việc suốt 4 tháng, bà không nhận được một đồng tiền công nào ngoài những lời hứa suông của ông chủ. Tìm hiểu ra, bà mới biết mình bị lừa.

Dắt túi được ít kinh nghiệm sống ở thành phố, Chu Quần Phi cùng một người bạn xin vào làm công nhân trong một công ty sản xuất mặt kính đồng hồ gần trường Đại học Thâm Quyến. Bà làm việc quần quật suốt 12 tiếng mỗi ngày nhưng chỉ nhận được mức lương bèo bọt. Tuy vậy, người phụ nữ này không nản chí, quyết bám trụ lại thành phố.

Vốn chăm chỉ, chịu khó học hỏi, Chu Quần Phi không mất nhiều thời gian để nắm chắc toàn bộ quy trình sản xuất kính đồng hồ.

Đi làm được vài năm, bà ngày càng ý thức được tầm quan trọng của kiến thức. Vậy nên, mỗi ngày, sau khi trút bỏ bộ quần áo lao động, Chu Quần Phi lại lao ngay đến các lớp học buổi tối tại Đại học Thâm Quyến để nâng cao trình độ văn hóa của mình.

Trong thời gian đó, Quần Phi không chỉ học kế toán, thi lấy chứng chỉ hải quan, thi bằng lái xe mà còn tham gia hoạch định hoạt động và phát triển công ty, thành thạo nhiều kỹ năng làm việc.

Từ cô bé nghèo, nghỉ học ở tuổi 15 thành tỷ phú giàu bậc nhất Trung Quốc - 2

Chu Quần Phi thời trẻ (Ảnh: 163)

Năm 1990, nhà máy sản xuất kính đồng hồ gặp khủng hoảng, có nguy cơ giải thể. Giám đốc vì thế rục rịch rút vốn đầu tư. Lúc này, Chu Quần Phi đã mạnh dạn đề xuất phương án giải quyết với lời hứa: "Nếu nhà máy thua lỗ, tôi sẽ làm việc cho anh cả đời. Nếu anh kiếm được tiền, anh có thể trả cho tôi bất cứ thứ gì anh muốn".

Chu Quần Phi đã áp dụng công nghệ in mình tự học được đưa vào sản phẩm, kết quả là mặt kính đồng hồ sản xuất ra đẹp đến không ngờ, lợi nhuận của nhà máy tăng đáng kể.

Sau khi nếm trái ngọt, Chu Quần Phi quyết định khởi nghiệp ở tuổi 23.

Năm 1993, với khoản tiền tiết kiệm hơn 20.000 đô la Hồng Kông (60 triệu đồng), Chu Quần Phi đã lập một xưởng sản xuất kính đồng hồ đeo tay trong căn hộ đi thuê 3 phòng ngủ. Giúp sức cùng bà khi đó còn có 7 anh chị em trong gia đình.

Những ngày đầu khởi nghiệp, ngày nào Chu Quần Phi cũng rong ruổi khắp nơi tìm đơn hàng. Không ít lần, bà nhận được những cái lắc đầu của đối tác, thậm chí có những nơi, bà vừa đến cửa đã bị bảo vệ đuổi về.

Năm 1994, bà kết hôn và cùng chồng điều hành công việc của xưởng sản xuất. Nhiều đêm họ thức tới 2-3 giờ sáng làm việc. Với sự nỗ lực không biết mệt mỏi, xưởng sản xuất của bà dần được mọi người biết đến.

Khi xưởng sản xuất lớn mạnh thì cuộc hôn nhân của bà lại gặp trục trặc. Vài năm sau, bà và chồng chia tay trong êm đẹp.

Thất bại trong hôn nhân không ảnh hưởng đến sự nghiệp của Chu Quần Phi. Bà hiểu tầm quan trọng của công nghệ và thiết bị sản xuất nên đã mạnh dạn đầu tư, liên tục nâng cấp các loại kính đồng hồ và đồng hồ đeo tay. Cái tên Chu Quần Phi dần nổi lên trong ngành và được nhiều người kính nể.

Từ cô bé nghèo, nghỉ học ở tuổi 15 thành tỷ phú giàu bậc nhất Trung Quốc - 3

Những ngày đầu khởi nghiệp bà gặp không ít khó khăn (Ảnh: 163)

Một lần, khách hàng của bà yêu cầu bà làm kính thủy tinh cho đồng hồ. Từ đây, bà nảy ra một ý tưởng táo bạo - chế tạo thấu kính thủy tinh.

Năm 2003, khi đã làm chủ được công nghệ sản xuất kính, Chu Quần Phi thành lập Công ty Lens Technology, lĩnh vực kinh doanh chính của công ty là mặt kính điện thoại di động. Sự nghiệp của bà chính thức sang trang khi nhận được hợp đồng của hãng điện thoại Motorola. Hãng này yêu cầu công ty bà thiết kế loại ống kính chống xước cho chiếc điện thoại Razr V3 của họ.

Khi sản phẩm của Motorola ra mắt, tên tuổi của bà được rất nhiều ông lớn trong ngành sản xuất điện thoại di động biết đến.

… đến nữ hoàng kính điện thoại di động toàn cầu

Thấy công ty của bà lớn mạnh, một đối thủ ghen ghét đã liên kết với các nhà cung cấp nguyên liệu ở Nhật Bản và Hồng Kông gây khó khăn cho Lens. Chu Quần Phi nhiều lần tiếp cận các doanh nhân Nhật Bản để kêu gọi sự giúp đỡ nhưng đều thất bại. Trong cơn tuyệt vọng, để có tiền xoay xở, bà đã phải bán cả ngôi nhà của mình. 

Bế tắc bủa vây, người phụ nữ này thậm chí đã nghĩ đến việc tự tử ở một nhà ga Hồng Kông. Bà nghĩ "chỉ cần nhảy xuống đường ray là xong".

Nhưng khi đang tuyệt vọng, cuộc điện thoại của con gái đã khiến bà bừng tỉnh. Con gái ríu rít hỏi: "Mẹ ơi, khi nào mẹ có thể về nhà ăn tối?". Chu Quần Phi chợt nhận ra, mình không chỉ là sếp của một công ty mà còn là mẹ của một đứa trẻ. Phía sau mình là cuộc sống hàng nghìn nhân viên và gia đình họ. Cuối cùng với sự nỗ lực không ngừng, công ty của bà đã tìm được một công ty cung cấp nguyên liệu tương tự khác, từ đó họ dần vượt qua cuộc khủng hoảng và lớn mạnh.

Một loạt công ty sản xuất điện thoại di động đình đám khác như Samsung, Nokia, HTC và không lâu sau là Apple đã đặt mua ống kính cho các mẫu điện thoại của họ. Chu Quần Phi chính thức trở thành "nữ hoàng kính điện thoại di động toàn cầu".

Từ cô bé nghèo, nghỉ học ở tuổi 15 thành tỷ phú giàu bậc nhất Trung Quốc - 4

Chu Quần Phi truyền cảm hứng đến nhiều người với triết lý kiên trì là chiến thắng (Ảnh: 163)

Năm 2014, Lens Technology trở thành nhà cung cấp màn hình cảm ứng điện thoại lớn nhất thế giới, chiếm hơn 50% thị phần thế giới. Apple, Huawei, Samsung và các công ty khác đều là khách hàng quan trọng của Lens Technology.

Tháng 3/2015, Lens Technology chính thức chào bán cổ phiếu ra công chúng. Công ty của Chu Quần Phi có 32 nhà máy ở 7 địa điểm khác nhau tại Trung Quốc với hơn 90.000 nhân viên. Năm 2015, bà trở thành người phụ nữ giàu nhất đất nước tỷ dân, nắm trong tay khối tài sản 7,4 tỷ USD.

Năm 2018, Chu Quần Phi có tên trong danh sách tỷ phú của Forbes với danh hiệu "Nữ tỷ phú tự thân giàu nhất thế giới". Bà là người phụ nữ giàu thứ 5 Trung Quốc và thứ 221 thế giới, với giá trị tài sản lên đến hơn 15 tỷ USD, tính đến ngày 1/10/2020.

Từ cô bé nghèo, nghỉ học ở tuổi 15 thành tỷ phú giàu bậc nhất Trung Quốc - 5

Bà Chu Quần Phi (Ảnh: 163)

Chu Quần Phi từ người xuất thân bần hàn, không có ai chống lưng, không học vấn đã khiến cả Trung Quốc kinh ngạc. Từ một cô gái lao động nghèo khó nghỉ học ở tuổi 15, tay trắng đến Thâm Quyến, bà trở thành tỷ phú giàu nhất Trung Quốc ở tuổi 45 và đến nay vẫn thuộc top tỷ phú hàng đầu đất nước này.

Bà chính vì thế được mệnh danh như một huyền thoại, truyền cảm hứng đến những người trẻ lập nghiệp với triết lý kiên trì là chiến thắng. Theo nữ tỷ phú, chỉ có kiên trì, bạn mới có thể đạt được thành công.  

"Đừng bao giờ từ bỏ vì một chút thất bại. Nếu bỏ cuộc giữa chừng, sẽ chẳng đủ can đảm để bắt đầu lại một lần nữa từ điểm xuất phát", bà nói.

Theo vietnamnet