Lizzie cho hay trước đây cô đã từng đi thăm một số thành phố của VN và từng sống tại nhiều quốc gia ở Đông Nam Á, có một số dự án về kiến trúc, quy hoạch đô thị tại các thành phố như: Manila, Jakarta, Bangkok, TP.HCM.
Từ đó, tình cảm với VN bắt đầu nhen nhóm. Với chuyên môn về thích ứng biến đổi khí hậu, cô đã chọn đề tài “Mô hình hóa vùng Mê Kông: Thích ứng với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL” cho luận án tiến sĩ của mình tại MIT. Để phục vụ nghiên cứu của mình, Lizzie đã quyết định theo học tiếng Việt một năm rưỡi trước khi cô sang VN vào tháng 1.2022 dưới sự tài trợ của chương trình Fulbright.
Những cuộc phỏng vấn với người địa phương
Lizzie có chuyên môn về quy hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu và trước đây nghiên cứu của cô tập trung vào giải pháp cho một thành phố. Nhưng cô nhận thấy giới hạn cho một thành phố là chưa toàn diện. Vừa đúng lúc VN bắt đầu triển khai đề án quy hoạch vùng cho vùng ĐBSCL, cô rất hứng thú với nội dung này nên đã quyết định đi vào nghiên cứu chuyên sâu.
|
Lizzie (trái) trao đổi với thạc sĩ, kỹ sư Nguyễn Thị Mai
|
Lizzie thực hiện các cuộc phỏng vấn các cơ quan ban ngành, các chuyên gia quy hoạch đô thị, phát triển bền vững ở Cần Thơ, TP.HCM, Hà Nội. Đặc biệt cô phỏng vấn nhiều chuyên gia ở Cần Thơ, thăm các dự án, cơ sở hạ tầng nông nghiệp của người dân. Phần quan trọng trong những tháng ngày ở ĐBSCL đó là Lizzie thực hiện các cuộc phỏng vấn với người địa phương với mong muốn tìm ra khoảng cách giữa góc nhìn của người dân - những người trực tiếp ảnh hưởng bởi quy hoạch - so với những người làm quy hoạch.
“Người dân hiểu rất rõ về điều kiện và môi trường sống xung quanh mình nhưng lại thiếu tầm nhìn dài hạn. Còn nhà quy hoạch có tầm nhìn dài hạn, tuy nhiên khi làm quy hoạch thường dựa trên các dữ liệu như bản đồ, kinh tế, báo cáo và các dữ liệu vĩ mô khác nên đôi khi chưa đến gần được với những câu chuyện thực tế từ cuộc sống hằng ngày của người dân. Nhiệm vụ quan trọng của người làm nghiên cứu, làm dự án là “kéo gần” khoảng cách giữa hai nhóm, cũng là giữa quy hoạch và thực tế lại với nhau”, Lizzie nói.
Theo quan điểm của Lizzie, giải pháp cục bộ hiện nay chưa giải quyết được vấn đề một cách toàn diện. Xây dựng hạ tầng để giải quyết vấn đề cục bộ sẽ chỉ là chuyển các vấn đề từ nơi này sang nơi khác. Vì vậy, quy hoạch vùng được kỳ vọng sẽ có cách tiếp cận lồng ghép và linh hoạt hơn, nhằm thực sự giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu.
Nhiều nhiệt huyết với Việt Nam
Chồng của Lizzie là một nghệ sĩ thủy tinh. Cả hai đã cùng nhau đi tới nhiều quốc gia nhưng đặc biệt yêu mến VN.
Cả hai vợ chồng Lizzie đã tới Hà Nội, Hạ Long, TP.HCM cùng rất nhiều tỉnh thành khác ở VN. Trong đó, phần lớn thời gian suốt 8 tháng qua, cả hai gắn bó ở miền Tây, tìm hiểu cuộc sống của người dân vùng sông nước, thực hiện các nghiên cứu, khảo sát, trao đổi với các chuyên gia.
Không chỉ sử dụng tiếng Việt thành thạo, Lizzie còn có sự am hiểu rất sâu sắc về tập quán, văn hóa của người VN ở các vùng miền. “Vợ chồng tôi rất thích cà phê VN, cà phê ở cả trong các hàng quán đẹp hay cà phê ở vỉa hè, trong những quán nhỏ góc phố. Cả hai thích nhất món cá kho tộ, canh chua, còn tôi đặc biệt thích thêm món xôi”, Lizzie cười.
“Lizzie như một người VN”, thạc sĩ, kỹ sư ngành xây dựng, quy hoạch Nguyễn Thị Mai, đại diện Ban Quốc tế, Hội Quy hoạch Mỹ kết nối với Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN (VUPDA), nói về người bạn của mình.
Mai cho biết cô và Lizzie biết nhau khi cả 2 đang làm nghiên cứu tại Khoa Nghiên cứu và quy hoạch đô thị, Viện Công nghệ Massachusetts. Và Lizzie cũng là thành viên tham gia hội thảo của Hội Quy hoạch Mỹ kết nối với VUPDA tổ chức vào tháng 7 vừa qua.
Trong ấn tượng của Mai: “Lizzie là một người có rất nhiều nhiệt huyết, đặc biệt là với VN. Nhiệt huyết và sự tận tâm của bạn đã truyền cảm hứng thêm cho tôi trong việc kết nối và thúc đẩy mối liên kết, cơ hội hợp tác giữa Mỹ và VN. Lizzie rất nỗ lực không chỉ trong việc nghiên cứu giải pháp cho ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn rất cố gắng trong việc học tiếng Việt. Trong vòng hơn một năm, bạn đã có thể nói và đọc thành thạo tới mức độ có thể thực hiện nghiên cứu. Việc học tiếng Việt chính là để phục vụ mục đích thực hiện nghiên cứu một cách tốt nhất có thể, cho thấy sự nghiêm túc và đam mê của Lizzie”, Mai chia sẻ.
Nữ kỹ sư cũng bộc bạch: “Câu chuyện của Lizzie là câu chuyện một người ở đất nước xa xôi tới đây cố gắng không ngừng nghỉ, hy vọng đóng góp cải thiện cuộc sống cho những người dễ bị tổn thương nhất ở vùng sông nước của VN là điều rất đáng quý và trân trọng”.
Theo Thanh niên