Một ngày sau khi hộ tống linh cữu Nữ hoàng Elizabeth II ở London, Công chúa Anne bay đến Glasgow (Scotland) hôm 15/9 để gặp gỡ quan chức thành phố, đón nhận lời chia buồn từ công chúng và xem xét các vòng hoa được để lại nhằm tôn vinh người trị vì lâu nhất Vương quốc Anh.

Đó là nghĩa vụ mà Công chúa Anne, hiện 72 tuổi, thầm lặng thực hiện trong nhiều thập kỷ.

Là con gái duy nhất của cố Nữ hoàng Elizabeth II và em gái Vua Charles III, bà nổi tiếng là một trong những người làm việc chăm chỉ nhất hoàng gia, thường có mặt tại hơn 400 sự kiện cộng đồng mỗi năm, theo The New York Times.

leftcenterrightdel

Công chúa Anne tại lâu đài Balmoral (Scotland) - nơi Nữ hoàng Elizabeth trút hơi thở cuối cùng. Ảnh:Andrew Milligan 

Sức ảnh hưởng lớn hơn

Do tuân theo luật hoàng tộc, Công chúa Anne đứng thứ 16 trong hàng kế vị ngai vàng. Điều này làm giảm tầm ảnh hưởng của bà trong hoàng gia, nơi bà là cố vấn đáng tin cậy cho Vua Charles III, cũng như tầm vóc của bà với công chúng, nơi tỷ lệ ủng hộ bà cao hơn bất kỳ thành viên hoàng gia cấp cao nào còn sống.

“Khi lớn lên, Công chúa Anne đề cao việc chế độ quân chủ chỉ có thể duy trì nếu có thể chứng minh cho sự tồn tại của mình. Bà luôn nhận thức rằng gia đình mình chỉ có thể tận hưởng những đặc quyền của cuộc sống hoàng gia nếu làm việc chăm chỉ”, Edward Owens, nhà sử học viết nhiều về gia đình hoàng gia, cho biết.

Với việc Vua Charles III lên ngôi, các chuyên gia về hoàng gia nhận định vai trò của Công chúa Anne có khả năng trở nên trung tâm hơn nữa. Vị vua mới sẽ dựa vào em gái để duy trì lịch trình công vụ bận rộn trong gia đình thu hẹp.

Công chúa Anne cũng có khả năng tư vấn cho anh trai về những vấn đề tế nhị trong gia đình, ví như cách đối xử với em trai của họ, Hoàng tử Andrew, người sống lưu vong kể từ khi bị phanh phui mối quan hệ với Jeffrey Epstein - kẻ săn mồi tình dục bị kết án.

leftcenterrightdel
 Công chúa Anne là cố vấn đáng tin cậy của anh trai mình - Vua Charles III. Ảnh: AFP/Getty
 
Sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời, Công chúa Anne có địa vị mới với tư cách là thành viên nữ cấp cao trong Nhà Windsor, ngay cả khi Vương hậu Camilla, vợ Vua Charles III, được đánh giá cao hơn bà về mặt nghi thức, và Công chúa Charlotte, con gái 7 tuổi của Thân vương xứ Wales William, là thành viên nữ của hoàng gia có quyền kế vị cao nhất.

Cuộc đời Công chúa Anne ít kịch tính hơn so với Vua Charles III hay sự thăng trầm của Hoàng tử Andrew. Tuy nhiên, đó là hành trình đáng nhớ của người phụ nữ đi từ tuổi trẻ đầy đặc quyền, trong đó bà có tiếng là kiêu kỳ và sắc sảo, đến sự nghiệp đáng gờm trong công việc từ thiện, đáng chú ý nhất là vai trò chủ tịch của Save the Children từ năm 1970 đến 2017.

Công chúa Anne từng thi đấu tại Thế vận hội Montreal 1976 với tư cách vận động viên cưỡi ngựa; trải qua cuộc hôn nhân đầu tiên không thành với Mark Phillips - cũng là vận động viên cưỡi ngựa tham dự Olympic; ổn định bên người chồng thứ 2 Timothy Laurence; sống sót sau vụ bắt cóc năm 1974 khi đanh thép tuyên bố với tay súng ra lệnh cho bà bước khỏi xe để đòi tiền chuộc rằng “Không có sự đổ máu nào ở đây!”.

Gia tăng khối lượng công việc

Vai trò của Công chúa Anne trong những ngày tang lễ cố Nữ hoàng được cử hành càng củng cố danh tiếng về sự chăm chỉ của bà. Công chúa có mặt trong giờ phút lâm chung của mẹ tại lâu đài Balmoral ở Scotland, sau đó tháp tùng linh cữu bà trong hành trình kéo dài 6 tiếng tới Edinburgh, nơi linh cữu cố Nữ hoàng đang được quàn tại đây.

Công chúa Anne đi ngay sau xe tang với chồng là Phó đô đốc hải quân Timothy Laurence.

Trong lễ rước linh cữu của cố Nữ hoàng từ Điện Buckingham đến Đại sảnh Westminster hôm 15/9, Công chúa Anne đi ở hàng đầu, bên trái nhà vua. Bà mặc lễ phục của Hải quân Hoàng gia với cấp bậc đô đốc, lấp lánh với 10 huy chương, một ngôi sao Garter và chiếc thắt lưng Garter.

Hoàng tử Andrew đứng bên trái Công chúa Anne trong bộ đồ vest, phản ánh việc ông bị trục xuất khỏi các nhiệm vụ chính thức của hoàng gia sau khi dính tới vụ lạm dụng tình dục ở Mỹ. Đi ở hàng phía sau, Hoàng tử Harry cũng diện bộ vest tối màu, thể hiện địa vị là thành viên hoàng gia không còn làm việc, kể từ khi anh cùng vợ chuyển tới Mỹ vào năm 2020.

leftcenterrightdel
Công chúa Anne đi bên cạnh Vua Charles III khi linh cữu của Nữ hoàng Elizabeth II được đưa từ Điện Buckingham đến Đại sản Westminster. Ảnh: Andrew Testa/The New York Times 
 
Việc Hoàng tử Andrew và Harry rời khỏi hoàng gia đặt gánh nặng lên vai những người còn lại, không chỉ có Công chúa Anne. Gánh nặng đó càng trở nên nặng nề hơn sau khi chồng Nữ hoàng, Hoàng thân Philip, qua đời năm 2021. Ông là người bảo trợ cho hàng chục tổ chức từ thiện, những công việc mà nhà vua sẽ phải giao lại cho các thành viên hoàng tộc khác.

Vua Charles III thành lập kiêm giám sát Prince's Trust và là người bảo trợ cho hàng trăm tổ chức từ thiện khác. Ông thừa nhận với tư cách quốc vương, bản thân sẽ không thể tiếp tục các công việc đó và sẽ giao lại cho những người thân cận.

Các chuyên gia về hoàng gia cho biết ngoài khối lượng công việc của mình, sự hiện diện của Công chúa Anne trong gia đình hoàng gia là lẽ thường tình. Bà chọn không trao cho 2 người con của mình, Peter Phillips và Zara Tindall, tước vị hoàng gia.

“Tôi nghĩ điều đó có lẽ dễ dàng hơn đối với chúng và hầu hết sẽ tranh luận rằng có những mặt trái của việc mang tước hiệu hoàng gia. Đó là điều đúng đắn nên làm”, bà nói trong cuộc phỏng vấn với Vanity Fair vào năm 2020.

Giống như cha mẹ của mình, Công chúa Anne có mối quan hệ chặt chẽ với Scotland và rất có thể sẽ phục vụ với tư cách sứ giả không chính thức của gia đình hoàng gia tới Scotland. Hôm 15/9 tại Glasgow, Công chúa Hoàng gia Anh đón nhận nhiệt thành những bó hoa của công chúng. Bà ngồi xuống để nói chuyện với trẻ em và an ủi những người lớn đang rơi nước mắt ở quảng trường George.

leftcenterrightdel
Công chúa Anne ở thành phố Glasgow hôm 15/9. Ảnh: John Linton/AP 
 
Đối với tất cả trách nhiệm của Công chúa Anne, một đạo luật cấp cao về chế độ kế vị ưu tiên nam giới đặt ra những giới hạn đối với vai trò của bà. Ví dụ, bà không có chức danh cố vấn cấp nhà nước, vốn cho phép các thành viên của hoàng gia thay nhà vua thực hiện một số nhiệm vụ nhất định và khiến họ trở thành thành viên của Hội đồng Cơ mật. Đội hình hiện tại là Vương hậu Camilla, Hoàng tử William, Harry, Andrew và Công chúa Beatrice, con gái lớn của Hoàng tử Andrew.

“Đó là điều hoàn toàn đáng tiếc, nhưng bản chất của chính trị giới trong hoàng gia là phụ nữ đã không được coi trọng quá lâu”, ông Owens, nhà sử học, cho biết.

Theo Zingnews