Chết tốt hơn sống
Latifa năm nay 18 tuổi. Từ bé, cô đã thích được đi học và ước mơ trở thành bác sĩ. Thế nhưng, kể từ khi Taliban cấm phụ nữ đi làm và đi học, ước mơ của Latifa đã tan thành mây khói. Sau đó gia đình ép cô phải kết hôn với anh họ - một người nghiện ma túy. Latifa cảm thấy cuộc đời cô không còn ánh sáng.
“Tôi có 2 lựa chọn: kết hôn với một người nghiện và sống một cuộc đời đau khổ hoặc tự kết liễu đời mình. Cuối cùng, tôi chọn cái chết" - Latifa tâm sự.
|
|
Phụ nữ Afghanistan đang điều trị trong khu sức khỏe tâm thần của bệnh viện Herat |
Dữ liệu thu thập từ các bệnh viện công và phòng khám sức khỏe tâm thần tại Afghanistan cho thấy, kể từ khi Taliban nắm quyền vào mùa hè năm 2021, số phụ nữ tự tử hoặc cố gắng tự tử đã gia tăng đáng lo ngại.
Các bác sĩ cho biết, chính quyền Taliban đã cấm công bố dữ liệu về các vụ tự tử và cấm nhân viên y tế chia sẻ. Nhưng theo họ, Afghanistan đã trở thành một trong số rất ít quốc gia trên thế giới có nhiều phụ nữ chết vì tự tử hơn nam giới.
Từ lâu, Liên hiệp quốc và các nhà hoạt động nhân quyền đã cảnh báo về tình trạng số phụ nữ tự tử ngày càng gia tăng, sau khi họ bị cấm đến trường, cấm đi làm, cấm đến công viên, phòng tập thể dục, cơ sở thẩm mỹ...
“Phụ nữ Afghanistan đang ở giữa một cuộc khủng hoảng về sức khỏe tâm thần. Chúng ta đang nhìn thấy ngày càng có nhiều phụ nữ và trẻ em gái tìm đến cái chết để tự giải thoát cho mình" - Alison Davidian thuộc UN Women cho biết.
Những con số ảm đạm
Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên toàn cầu số lượng đàn ông chết vì tự tử cao gấp đôi so với phụ nữ. Nhưng ở Afghanistan, số người chết vì tự tử phần lớn là phụ nữ và trẻ em gái. Nhìn chung, phụ nữ chiếm hơn 3/4 số ca tử vong do tự tử ở Afghanistan, bởi họ không còn lựa chọn khác.
Ở Afghanistan, tự tử được coi là việc làm đáng xấu hổ và thường được che đậy. Một số phụ nữ có ý định tự tử sẽ không được đưa đi điều trị và một số người chết được chôn cất mà không có hồ sơ ghi lại về nguyên nhân cái chết của họ.
Hồi tháng 5/2022, Roya, 31 tuổi, được phát hiện đã chết tại nhà riêng ở thành phố Herat vào sau nhiều năm bị chồng bạo hành. Anh trai của cô, Mohammad, cho biết em gái thường kể với bố mẹ về việc bị chồng đánh đập nhưng thay vì giúp con gái thoát khỏi cảnh bạo hành thì mẹ cô khuyên cô đừng rời xa người chồng bạo lực.
“Lần nào bố mẹ tôi cũng thuyết phục Roya ở lại. Rồi một buổi sáng, chúng tôi được thông báo rằng Roya đã tự kết liễu đời mình" - Mohammad nói.
Điều đáng nói là, sau cái chết của Roya, gia đình nói với mọi người rằng cô chết vì bạo bệnh bởi đối với người đạo Hồi, tự tử là hành động đáng xấu hổ.
Mất hết hy vọng
Lịch sử xung đột và nghèo đói ở Afghanistan đã gây ra cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần từ lâu. Nhưng việc mất đi tự do và chịu đựng các cuộc hôn nhân cưỡng bức, bạo lực gia đình đã khiến phụ nữ càng dễ bị tổn thương hơn trong 2 năm qua.
Một bác sĩ ở phía tây thành phố Herat cho biết, khoảng 90% số ca nhập viện vì sức khỏe tâm thần tại bệnh viện tỉnh là phụ nữ. Theo Liên hiệp quốc, 9/10 phụ nữ ở Afghanistan bị bạo lực gia đình theo một hình thức nào đó. Và họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chịu đựng hoặc tự sát.
Khi Latifa tỉnh dậy, cô được thông báo rằng người anh họ đã biến mất sau khi biết cô tự tử. Nhưng Latifa lo lắng rằng anh ta có thể quay lại. “Nếu anh ta quay lại và gia đình ép tôi kết hôn một lần nữa, tôi sẽ… tiếp tục chọn cái chết” - cô quả quyết.
Julie Billaud - giáo sư nhân chủng học tại Viện sau đại học Geneva - cho biết: “Phụ nữ ở Afghanistan không có chỗ để bày tỏ sự phản đối và bất đồng của mình. Khi nỗi tuyệt vọng ập đến, có lẽ tự tử là nỗ lực cuối cùng của những người không còn được lắng nghe".
Theo phụ nữ TPHCM