Ấn tượng Ánh Viên

Ngày 6/6, kình ngư 19 tuổi Nguyễn Thị Ánh Viên đã làm “nổ tung” nhà thi đấu thể thao dưới nước Sports Hub khi bỏ xa tất cả các đối thủ, lần lượt phá sâu kỷ lục SEA Games ở 2 nội dung 800m tự do (8 phút 34,85 giây) và 400m hỗn hợp cá nhân (vòng loại là 4 phút 43,93 giây và chung kết là 4 phút 42,88 giây), xuất sắc đoạt 2 HCV. Hình ảnh kình ngư người Cần Thơ này băng nhanh về đích khiến khán giả không khỏi ấn tượng.


Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên (Đoàn Việt Nam) giành HCV nội dung 200m bơi ngửa  Ảnh: Quốc Khánh

Điều dễ nhận thấy là Ánh Viên đã có sự tiến bộ vượt bậc trong 2 năm qua khi nhận được sự đầu tư mạnh mẽ từ ngành thể dục thể thao (TDTT), với chuyến tập huấn dài ngày tại Mỹ. Trên sân chơi khu vực, dường như Ánh Viên không có đối thủ và nắm chắc trong tay chiến thắng. Do đó, điều mọi người trông đợi là “thử xem” cô đạt thành tích ở mức nào mà thôi.

Một nguồn tin từ ngành TDTT cho biết, gần 4 năm qua, Ánh Viên đã nhận mức đầu tư lên đến gần 7 tỉ đồng. Với những nỗ lực cá nhân, Ánh Viên đã tiến bộ nhanh chóng. Tuy nhiên, cô vẫn không thực sự hài lòng với kết quả được thiết lập tại SEA Games, bởi thành tích này vẫn chưa tốt bằng lúc tập luyện và so với thành tích ở những sân chơi đẳng cấp cao hơn thì vẫn còn một khoảng cách không nhỏ.

Thử so sánh thành tích của Ánh Viên ở 2 cự li nói trên với thành tích đạt huy chương ở Asian Games 2014 hay Olympic 2012: Ở cự ly 800m tự do tại Asian Games 2014 vừa qua, VĐV Bi Yirong của Trung Quốc giành HCV với thành tích 8 phút 27 giây 54, còn thời gian để đoạt HCĐ của Asami Chida (Nhật Bản) cũng chỉ là 8 phút 34 giây 66. Ở tầm thế giới, HCV Olympic 2012 là 8 phút 14 giây 63 thuộc về Katie Ledecky (Hoa Kỳ), còn HCĐ cũng chỉ 8 phút 20 giây 32, thuộc về Rebecca Adlington (Anh).

Ánh Viên hiểu rất rõ ý nghĩa của thành tích tại “ao làng” SEA Games và sau khi đoạt những tấm HCV một cách khá dễ dàng, cô chia sẻ rằng, mình vẫn cần phải tiếp tục nỗ lực nhiều hơn, bởi “khi đã chọn theo nghiệp thể thao thì tôi muốn đạt được những thành tích đặc biệt trong sự nghiệp”.

 Tin vui từ những niềm hy vọng mới

Nếu như chiến thắng của Ánh Viên trên “đường đua xanh” là điều dễ dự đoán thì thành tích của những niềm hy vọng mới trong các môn Judo, bi sắt hay điền kinh lại mang tới những bất ngờ thú vị.

Vận động viên Nguyễn Thị Thanh Thuỷ trong giây phút chiến thắng vận động viên Phonenaly (Lào) để giành HCV

Ở môn Judo hạng dưới 52kg nữ, Nguyễn Thị Thanh Thủy đã vượt qua Phonenaly (Lào) để giành HCV. Đây là tấm HCV đầy bất ngờ, chỉ có được sau những giờ phút đầy căng thẳng. Trước khi bước vào trận đấu này, Judo Việt Nam mới chỉ có được 2 tấm HCĐ, trong khi đối thủ Phonenaly của Lào hiện là đương kim vô địch SEA Games và thường xuyên đi tập huấn tại Nhật Bản. Hơn nữa, Thanh Thủy vốn không được đặt nhiều hy vọng, song vì “niềm hy vọng số 1” Danh Út Kiên ở hạng cân 66-73kg đã để thua trong trận bán kết nên mọi áp lực đã dồn cả lên cô gái quê Trà Vinh mới lần đầu đến với SEA Games. 

Sau trận đấu căng thẳng, Thanh Thủy chia sẻ: “Khi thi đấu, em chỉ biết quyết tâm đánh hết mình vì màu cờ sắc áo. Em xin dành tặng chiếc HCV này cho bố mẹ em, những người đã hết lòng ủng hộ em và sang tận đây để cổ vũ cho em thi đấu”. Ban lãnh đạo thì vui mừng khôn tả, bởi Thủy xứng đáng kế tục “đàn chị” Văn Ngọc Tú.

Nguyễn Thị Thi giành HCV môn bi sắt
Một cái tên gây ấn tượng khác là Nguyễn Thị Thi ở môn Petanque (bi sắt). Trong trận chung kết, cô đã duy trì trạng thái thi đấu ổn định để đánh bại đối thủ Indonesia với tỉ số 29-22. Ít ai biết, Thi “khởi nghiệp” tại quê nhà Đồng Tháp với bộ môn bơi lội vào năm 2003, nhưng sau đó cô chuyển sang Petanque. Trong 5 năm gần đây, từ khi chuyển sang thi đấu sở trường nội dung bắn bi kỹ thuật nữ, cô trở thành một trong những tay bi nữ hàng đầu quốc gia, châu lục, từng đoạt HCB tại giải Vô địch Petanque châu Á các năm 2010, 2012, HCĐ năm 2013 và HCĐ SEA Games 27 tại Myanmar.

Nguyễn Thị Thanh Phúc giành HCV ở môn đi bộ 20km
Trên đường đi bộ 20km, Nguyễn Thị Thanh Phúc trở thành người “mở hàng” HCV cho điền kinh Việt Nam. Đây là lần thứ 3 liên tiếp Phúc chiến thắng ở đấu trường khu vực. Tại SEA Games 27, mặc dù cô cũng về nhất nhưng Ban tổ chức cho rằng cho sử dụng doping nên quyết định tước HCV. Tuy nhiên, trước khi nhận HCV SEA Games 28, VĐV quê Đà Nẵng nhận “tin vui kép” khi được chính Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hoàng Tuấn Anh trao lại tấm HCV của kỳ SEA Games trước đó từ Ủy ban Olympic Đông Nam Á.

          DUY TÙNG