Các quan chức từ văn phòng nhân đạo LHQ và các tổ chức lương thực - nông nghiệp của LHQ đã vẽ ra một bức tranh thảm khốc về việc toàn bộ 2,3 triệu người dân ở Gaza đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng mất an ninh lương thực.

Trật tự dân sự dường như đã bị phá vỡ, đặc biệt là ở phía bắc, nơi lương thực và các hoạt động nhân đạo khác đang khan hiếm.

Điều phối viên nhân đạo của LHQ Ramesh Ramasingham nói với Hội đồng Bảo an LHQ “có nhiều khả năng tình trạng sẽ chuyển biến xấu hơn nữa”.

Theo ông, ngoài việc 1/4 dân số Gaza sắp phải đối mặt với nạn đói, 1/6 trẻ em dưới 2 tuổi ở phía bắc Gaza đang bị “suy dinh dưỡng cấp tính”.

Carl Skau, phó giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), cho biết đây là “mức độ suy dinh dưỡng trẻ em tồi tệ nhất ở bất kỳ đâu trên thế giới”. Đồng thời ông Skau cảnh báo: “Nếu không có gì thay đổi, nạn đói sắp xảy ra ở phía bắc Gaza”.

leftcenterrightdel
 Người dân Palestine chờ hàng viện trợ nhân đạo trên một bãi biển ở Thành phố Gaza, Dải Gaza, vào ngày 25/2/2024 - Ảnh: AP/Mahmoud Essa

Skau cho biết WFP đã nối lại việc giao hàng tới miền bắc Gaza lần đầu tiên sau 3 tuần vào ngày 18/2 và hy vọng sẽ gửi 10 xe tải mỗi ngày trong vòng 7 ngày để giải quyết nhu cầu lương thực ngay lập tức.

Tuy nhiên, vào cả ngày 18 và 19/2, các đoàn xe của WFP đều phải đối mặt với sự chậm trễ tại các trạm kiểm soát, tiếng súng và các hành vi bạo lực khác cũng như nạn cướp bóc thực phẩm. Ông Skau tiết lộ: “Tại nơi đến, họ bị choáng bởi những người đói khát tột độ”.

Do đó, WFP đã đình chỉ việc cung cấp viện trợ cho miền bắc cho đến khi có đủ điều kiện an ninh cho nhân viên của tổ chức và những người nhận hỗ trợ.

Ông nói thêm, những hạn chế nghiêm ngặt đối với việc vận chuyển nhiên liệu đang làm tê liệt nguồn cung cấp nước và hoạt động của các nhà máy khử muối, với nguồn cung cấp nước chỉ ở mức 7% so với mức trước tháng 10/2023.

Tình trạng thiếu nhiên liệu cũng làm tê liệt việc sản xuất và cung cấp thực phẩm, điện, đồng thời cản trở nghiêm trọng khả năng sản xuất bánh mì của các lò bánh mì.

Maurizio Martina - Phó tổng giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) - cho biết, sự sụp đổ của sản xuất nông nghiệp ở miền bắc Gaza đã xảy ra và có thể hoàn toàn bị xóa sổ vào tháng 5/2024. Tính đến ngày 15/2, hơn 46% tổng diện tích đất trồng trọt ở Gaza được đánh giá là bị hư hại.

Quan chức của FAO cũng đưa ra những con số đáng báo động hơn từ cuộc tấn công của Israel. Một số lượng lớn nơi trú ẩn động vật, trang trại chăn nuôi cừu và bò sữa bị phá hủy, hơn 1/4 giếng nước không thể sử dụng và 339ha nhà kính bị phá tan.

Ngoài ra, chiến tranh cũng ảnh hưởng nặng nề đến việc thu hoạch ô liu và trái cây họ cam quýt, một nguồn thu nhập chính của người Palestine.

Đối với động vật, ông Martina cho biết, nhiều chủ chăn nuôi báo cáo thiệt hại đáng kể, tất cả gia cầm có thể đã bị giết thịt và có tới 65% bê, 70% bò thịt được cho là đã chết.

Phó đại sứ LHQ của Israel Brett Miller phản bác rằng 20 tiệm bánh trên khắp Gaza đang sản xuất hơn 2 triệu bánh mì pita mỗi ngày. Ông cáo buộc LHQ từ chối cung cấp viện trợ cho miền bắc Gaza và một số quan chức đang cố gắng đổ lỗi cho Israel.

Ông Miller cho biết, trong những ngày gần đây, 508 xe tải đã chờ để vào Gaza với sự chấp thuận của Israel. Ông Miller phát biểu: “Vậy LHQ và các cơ quan viện trợ đang ở đâu? Làm sao mà Israel có thể bị buộc tội về một tình huống rõ ràng là lỗi của Liên hợp quốc?”.

Đáp lại, điều phối viên nhân đạo của LHQ Ramasingham, phó giám đốc Skau của WFP và phó tổng giám đốc Martina của FAO đều khẳng định: Bước đầu tiên để loại bỏ mối đe dọa nạn đói đang rình rập là lệnh ngừng bắn để những nhân viên nhân đạo có thể vào Gaza.

Theo phụ nữ TPHCM