|
Một bàn tưởng niệm tạm thời tưởng nhớ các nạn nhân ở Itaewon được dựng lên trong tháng 10, trước Tòa thị chính ở Seoul - Ảnh: New York Times |
Cuộc chen lấn dẫn đến sự cố đám đông đè bẹp chết chóc nhất từ trước đến nay ở Hàn Quốc diễn ra khi khoảng 100.000 người đổ về khu vực Itaewon để tổ chức lễ Halloween năm 2022.
Các nạn nhân bị đè chết trong một con hẻm hẹp rộng 3,2 mét, nơi đám đông khổng lồ tràn xuống con dốc, chồng chất lên nhau. Vụ tai nạn này là thảm họa tồi tệ nhất mà đất nước từng chứng kiến kể từ vụ chìm phà chở khách Sewol năm 2014 ngoài khơi bờ biển phía Nam khiến 304 người thiệt mạng.
Đối với những người sống sót và gia đình tang quyến, thảm kịch từ 1 năm trước còn lâu mới kết thúc.
Một bàn thờ tang lễ treo chân dung của các nạn nhân đã chết được đặt ở góc quảng trường trước Tòa thị chính Seoul, giữa lúc các gia đình tiếp tục kêu gọi thông qua điều luật đặc biệt giải quyết vụ tai nạn chết người.
Lee Jung-min, đại diện gia đình tang quyến cho biết: “Đã gần 1 năm trôi qua kể từ ký ức kinh hoàng, nhưng không sự thật nào được tiết lộ một cách thỏa đáng, và vẫn chưa có ai bị trừng phạt”. Lee đã mất đi cô con gái 28 tuổi của mình trong thảm kịch.
Ông Lee và khoảng 100 gia đình tang quyến khác muốn thông qua luật đặc biệt, yêu cầu một cuộc điều tra độc lập của luật sư về những gì đã xảy ra và xem xét ai chịu trách nhiệm về vụ việc chết người trước khi khép lại năm 2023.
Hiện tại, các phiên tòa đang được tiến hành đối với nhiều quan chức cảnh sát, cứu hỏa và văn phòng phường về các tội danh liên quan đến thảm họa như thiếu trách nhiệm và phản ứng khẩn cấp kém, bao gồm cả trưởng văn phòng phường Yongsan Park Hee-young và cựu cảnh sát trưởng Lee Im-jae.
Các cuộc điều tra chỉ ra rằng 87 cuộc gọi khẩn cấp tìm kiếm sự giúp đỡ vào đêm xảy ra thảm kịch phần lớn đã bị bỏ qua và không có biện pháp ngăn chặn thảm họa nào trước đó được thực hiện trong lễ Halloween, qua đó cho thấy thảm kịch hoàn toàn "do con người tạo ra".
Thảm kịch khiến người dân Hàn Quốc phải tự vấn lương tâm về những gì đã xảy ra và những gì nên làm. Chính phủ đã đưa ra một số biện pháp an toàn nhằm ngăn chặn một vụ tai nạn chết người khác tương tự.
Theo đó, chính quyền khu vực phải lên kế hoạch quản lý an toàn cho các lễ hội hoặc các sự kiện công cộng lớn khác được tổ chức tại địa bàn của họ.
Khai thác công nghệ thông tin và truyền thông, một hệ thống giám sát quản lý đám đông cũng sẽ được thiết lập để theo dõi mật độ của đám đông thông qua camera giám sát và thông báo cho cảnh sát, lính cứu hỏa trong trường hợp có bất kỳ nguy hiểm nào.
Đến năm 2027, tất cả chính quyền khu vực trên toàn quốc được yêu cầu vận hành phòng ứng phó thảm họa 24/7 và thay thế camera giám sát bình thường bằng camera hỗ trợ AI có khả năng quan sát đám đông.
Vào ngày tưởng niệm 29/10/2023 sắp tới, các gia đình nạn nhân dự định đánh dấu thảm kịch bằng một buổi lễ ở trung tâm Seoul, bao gồm cuộc tuần hành từ Itaewon đến Tòa thị chính Seoul và một cuộc biểu tình vào buổi tối.
Song Hae-jin - mẹ của nạn nhân thứ 159 - cho biết, bà muốn nhiều người tham gia lễ tưởng niệm vào để “an ủi lẫn nhau” và suy nghĩ về những gì họ có thể làm để không ai bị tổn thương lần nữa.
Con trai của bà, một học sinh 16 tuổi, đã tự sát sau cái chết của 2 người bạn đi cùng đến Itaewon vào đêm xảy ra thảm kịch.
Ông Lee nói: “Tôi muốn nhiều người hơn nữa đến thăm hiện trường và tưởng nhớ những người đã chết ở đó”.
|
Một người đàn ông dán những lời thương tiếc cho các nạn nhân của vụ đám đông đè bẹp ở Itaewon, Seoul, trước lễ tưởng niệm 1 năm thảm kịch - Ảnh: Yonhap |
Theo phụ nữ TPHCM