Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) cho biết tiếp xúc với ô nhiễm không khí, hóa chất gây ung thư, radon, bức xạ tia cực tím và khói thuốc thụ động có thể "đóng góp" hơn 10% gánh nặng ung thư ở châu Âu.

Cụ thể ô nhiễm không khí có liên quan đến khoảng 1% tổng số ca ung thư ở châu Âu và khoảng 2% tổng số ca tử vong. Tiếp xúc với radon (khí hiếm phóng xạ không màu, không mùi, sản phẩm phân rã của radium là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư phổi) có liên quan đến 2% tổng số ca ung thư và 1/10 trường hợp ung thư phổi ở châu Âu.

leftcenterrightdel
 Ô nhiễm không khí có liên quan 2% tổng số ca tử vong do ung thư tại châu Âu

Tại Liên minh châu Âu (EU), 2,7 triệu người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư mỗi năm và 1,3 triệu người chết vì căn bệnh này. Châu lục này chiếm dưới 10% dân số thế giới nhưng ghi nhận gần 1/4 số ca ung thư và 1/5 số ca tử vong.

EEA nói rõ bức xạ tia cực tím (UV) tự nhiên có thể là nguyên nhân gây ra tới 4% tổng số ca ung thư ở châu Âu. Tiếp xúc với khói thuốc thụ động có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh lên đến 16% đối với những người chưa bao giờ hút thuốc.

Cơ quan này cảnh báo một số hóa chất được sử dụng tại các nơi làm việc cũng là nguyên nhân gây ung thư, bao gồm chì, asen, crom, cadmium, acrylamide và thuốc trừ sâu.

Amiăng, một chất gây ung thư ước tính chiếm từ 55-88% ca ung thư phổi, dù đã bị EU cấm lưu hành vào năm 2005 nhưng nó vẫn hiện diện trong một số tòa nhà và công nhân tham gia vào công việc cải tạo hay phá dỡ vẫn thường xuyên tiếp xúc.

Dẫu vậy, chuyên gia Gerardo Sanchez của EEA cho biết tất cả các rủi ro về môi trường và ung thư đều có thể được giảm bớt: “Các bệnh ung thư được xác định trong môi trường do bức xạ hoặc chất gây ung thư hóa học có thể giảm xuống mức gần như không đáng kể bằng cách làm sạch ô nhiễm và thay đổi hành vi”.

Theo phunuonline