10.000 tình nguyện viên từ chối tham dự Thế vận hội Tokyo
Cập nhật lúc 09:48, Thứ bảy, 05/06/2021 (GMT+7)
Khoảng 10.000 tình nguyện viên đã rút lui khỏi Thế vận hội Tokyo sắp tới vì lo ngại về làn sóng lây lan COVID-19.
Người dân Nhật Bản rất muốn Olympic Tokyo bị hoãn hoặc huỷ bỏ bởi đất nước đang đối phó với đợt tấn công mới của COVID-19.
Khoảng 10.000 tình nguyện viên đã rút lui khỏi Thế vận hội Tokyo sắp tới vì lo ngại về làn sóng lây lan COVID-19 đang diễn ra theo chiều hướng gia tăng không thể kiểm soát. Tokyo và Osaka được ghi nhận là hai thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch SARS-CoV-2. Tính đến thời điểm này, Nhật Bản ghi nhận gần 750.000 trường hợp mắc COVID-19 với hơn 13.000 trường hợp tử vong
Những con số thống kê này đã khiến sự quan ngại của công chúng bản địa được nâng lên thành ác cảm. Hệ quả là kỳ Thế vận hội mùa hè năm nay đã trở nên hỗn loạn hơn bao giờ hết. Tính đến thời điểm này khi chỉ còn chưa đến 50 ngày nữa, Olympic Tokyo sẽ được khai mạc nhưng đã có 1/8 số người tham gia tổ chức tình nguyện viên từ chối tham gia Thế vận hội.
Trong khi đó, các cuộc thăm dò dư luận ở Nhật Bản tiếp tục ghi nhận mức độ phản đối ngày càng cao đối với việc tổ chức sự kiện này. Có đến 83% số người được hỏi đã kêu gọi Thế vận hội nên hoãn lại hoặc hủy bỏ hoàn toàn.
Một trong những sự kiện thể hiện sự không hài lòng của công chúng với ý tưởng này là việc tờ báo Nhật Bản, Asahi Shimbun, nhà đồng tài trợ cho Thế vận hội đã đăng một bài xã luận yêu cầu thủ tướng Yoshihide Suga hủy bỏ kỳ Olympic năm nay. Thế nhưng do các điều khoản ràng buộc trong hợp đồng, Ủy ban Olympic quốc tế đã bất chấp những ý kiến chống đối từ người dân Nhật, tổ chức này vẫn đang do dự mà chưa đi đến quyết định xem có nên dừng hay tiếp tục sự kiện Thể thao thế giới này.
Olympic Tokyo đã bị hoãn lại một năm trước đó khi các trường hợp và tử vong do SARS-CoV-2 tăng cao ở Nhật vào đợt tấn công lần thứ nhất của virus COVID-19. Bỏ qua những diễn biến phức tạp của đại dịch và sự tức giận của công chúng, các nhà tổ chức đã nhiều lần khẳng định Thế vận hội sẽ được diễn ra một cách an toàn bằng kịch bản cấm khán giả quốc tế.
IOC vẫn chưa quyết định xem người dân Nhật có được đến dự khán các trận đấu ở Olympic hay không.
Trong khi đó, các quan chức Uỷ ban Olympic vẫn chưa quyết định liệu người hâm mộ Nhật Bản có được phép dự khán các trận đấu hay không. Thế nhưng, ngay cả khi điều này thành hiện thực tức chỉ có người Nhật bản địa được trực tiếp dự khán thì vẫn có những ý kiến lo ngại đất nước sẽ hứng chịu một đợt bùng phát đại dịch.
Bộ trưởng Kinh tế, Yasutoshi Nishimura đã cảnh báo những nhà tổ chức về mối quan ngại nguy cơ lây lan rộng lớn các biến chủng COVID-19 mới. Ông Yasutoshi nói rằng “Những người hâm mộ đến cổ vũ cho các cuộc tranh tài sẽ rất phấn khích mà hò hét và ôm hôn nhau khi chiến thắng và điều này có thể gây ra một hiểm hoạ virus”.
Thế nhưng, ở chiều ngược lại, Chủ tịch ủy ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 đã bác bỏ việc hủy bỏ hoặc hoãn lại Thế vận hội. "Chúng tôi không thể trì hoãn việc khai mạc Olympic thêm một lần nữa", người đứng đầu sự kiện Thế vận hội Tokyo 2020, chính trị gia kiêm chủ tịch ủy ban tổ chức Thế vận hội, Seiko Hashimoto cho biết trong một cuộc phỏng vấn được tờ Nikkan Sports công bố hôm thứ Năm.
Chính trị gia kiêm chủ tịch ủy ban tổ chức Olympic, Seiko Hashimoto
Trong một thông điệp gần đây, Thủ tướng Yoshihide Suga đã cho thấy ông rất quyết tâm của để thúc đẩy sự kiện này. Tờ Asahi đưa tin người đứng đầu chính phủ Nhật Bản đang xem xét xây dựng một gói kích thích kinh tế mới ngay sau khi kết thúc Thế vận hội Olympic và Paralympic. Thế nhưng hôm 2/6, Ủy ban Thế vận hội của các quốc gia châu Phi cho biết thành phố Kurume ở quận Fukuoka đã từ chối tiếp nhận đoàn thể thao Kenya đến để chức trại huấn luyện trước thềm khai mạc Olympic.
Trong một diễn biến khác, Hiệp hội bóng đá Nhật Bản (JFA) cho biết một cầu thủ trong đội U.21 Ghana đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona sau khi đến Nhật Bản để tham dự một trận giao hữu. Và tại Đài Loan, Hiệp hội bóng chày cho biết họ sẽ rút khỏi các trận đấu vòng loại Olympic ở Mexico trong bối cảnh lo ngại về nhiễm trùng.
Nhật Bản đang phải chiến đấu với đợt tấn công lần thứ tư của COVID-19 trong khi việc triển khai vắc xin của nước này đã bị chậm trễ một cách tệ hại. Đã có 10 khu vực của Nhật Bản đang trong tình trạng khẩn cấp cho đến ngày 20/6 trong đó bao gồm cả thủ đô Tokyo. Tuy rằng đất nước này đã tránh được những ca lây nhiễm quy mô lớn mà nhiều quốc gia khác phải chịu đựng, nhưng những ca bệnh nặng đang gia tăng trong đợt bùng phát mới nhất.
Theo phunuonline