Ở gian giữa của triển lãm Đam mê 2024, dưới những ánh đèn vàng, từng đường nét trong tranh của Trần Trọng Đạt hiện lên rực rỡ, ấn tượng. Đó là con rồng, con hổ, hoa sen, tiên nữ, chú tễu… mà trẻ em từng được nhìn qua sách vở hay lời kể của cha mẹ, ông bà.

Tất cả đều được anh lắng lọc từ những tư liệu về kiến trúc đình, chùa trong nhiều năm qua. Các bức phù điêu từ chùa Phật Tích, tháp Chương Sơn, chùa Dâu, đình Lỗ Hạnh đã có sức hút đặc biệt với anh.

leftcenterrightdel
 Họa sĩ Trần Trọng Đạt bên cạnh những tác phẩm của mình tại triển lãm - Ảnh nhân vật cung cấp

Hơn 15 năm trước, khi đang loay hoay chuẩn bị làm bài tốt nghiệp tại Trường đại học Mỹ thuật, tình cờ, người cháu gửi anh một quyển sách nói về hoa văn chạm khắc đình làng của Việt Nam. Trong phút chốc, những lo lắng như tan biến, bởi anh thấy sắp tìm được lối ra.

Những hình ảnh trong quá khứ trở về như thước phim tua chậm. Đình làng với những đứa trẻ ngày xưa không xa lạ. Với họa sĩ Trần Trọng Đạt lại càng không. Từng có thời điểm anh xin đi theo một người chuyên đi tô lại hoa văn, họa tiết của đình, chùa để “học việc”. Năm đó, anh vừa lên lớp Chín, chỉ biết rằng công việc này khiến bản thân thích thú, chứ chưa nghĩ đến chuyện tương lai.

Lớn lên, anh hòa mình vào đời sống mỹ thuật hiện đại, nhưng cái gốc văn hóa đã ăn sâu, khó thể phai nhòa. Anh tìm về những đình làng, cổng làng xưa để thu thập tài liệu bên cạnh sách, báo. Những chuyến đi đầy sự háo hức, bởi anh luôn có cảm giác được chạm vào quá khứ.

Sau khi tốt nghiệp, những chất liệu trong kiến trúc đình làng tiếp tục được anh phát triển trong các tác phẩm hội họa. Nhắc đến đình làng, nhiều người sẽ hình dung ngay đến những gam màu trầm mặc, những đường nét mềm mại, uyển chuyển, gợi cảm giác yên bình. Nhưng với Trần Trọng Đạt, các hoa văn, họa tiết được thể hiện dưới góc nhìn, bút pháp của riêng mình.

Những nét cọ của anh dứt khoát, nhưng tổng thể lại mềm mại. Cách anh “chơi” với màu sắc tạo nên sự đặc biệt cho tranh. Họa sĩ thường bày rất nhiều màu xung quanh trước khi sáng tác. Anh chọn ngẫu hứng màu sắc đầu tiên và phát triển tác phẩm theo tông màu chủ đạo này. Anh thích sự tự do trong sáng tác, thay vì phải đi theo khuôn khổ, lề lối.

Ngần ấy năm, anh đã trải nghiệm nhiều chủ đề, chất liệu. Tuy nhiên, hoa văn, họa tiết đình làng, chùa cổ vẫn mang lại nguồn cảm xúc đặc biệt nhất. “Tôi có cảm giác rằng một ngày nào đó, những chi tiết đẹp đến quyến rũ ở các ngôi chùa cổ, mái đình, cổng làng rồi sẽ mất đi theo thời gian. Tôi chọn đề tài này là vì sự rung cảm của mình, nhưng trước hết cũng là vì muốn níu giữ lại những vốn cổ quý giá cho thế hệ mai sau” - họa sĩ Trần Trọng Đạt nói.

Theo phụ nữ TPHCM