15% số ca tử vong do COVID-19 có liên quan đến ô nhiễm không khí
Cập nhật lúc 21:20, Thứ tư, 28/10/2020 (GMT+7)
Các nhà nghiên cứu cho biết số ca tử vong liên quan đến COVID-19 và ô nhiễm không khí đại diện cho phần “thiệt hại có thể tránh được”.
Nghiên cứu do nhóm chuyên gia từ Đức và Síp thực hiện - công bố trên tạp chí Cardiovascular Research của Hiệp hội Tim mạch châu Âu hôm 27/10 - đã phân tích dữ liệu sức khỏe và bệnh tật từ Mỹ, Trung Quốc liên quan đến ô nhiễm không khí, COVID-19 và SARS.
Các tác giả kết hợp số dữ liệu này cùng dữ liệu vệ tinh về mức độ phơi nhiễm toàn cầu với vật chất hạt - các hạt cực nhỏ - cũng như mạng lưới giám sát ô nhiễm trên mặt đất, nhằm tính toán mức độ ô nhiễm không khí dẫn đến những cái chết do COVID-19.
Ở Đông Á, nơi có nhiều địa điểm với mức độ ô nhiễm độc hại cao nhất trên hành tinh, các tác giả phát hiện ra rằng 27% số ca tử vong do COVID-19 liên hệ đến chất lượng không khí kém. Tỷ lệ này là 19% ở châu Âu và 17% ở Bắc Mỹ.
Báo cáo cho biết các trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19 và ô nhiễm không khí đại diện cho “tỷ lệ tử vong vượt mức có thể tránh được”, và việc tiếp xúc với các chất dạng hạt trong không khí có thể làm trầm trọng thêm “các bệnh khác dẫn đến kết cục tử vong” do nhiễm COVID-19.
Người dân Bắc Kinh di chuyển trong một ngày ô nhiễm vào tháng Mười
Thomas Munzel, đồng tác giả của bài báo nói rằng ô nhiễm không khí làm cho các yếu tố nguy cơ COVID-19 đã biết như vấn đề về phổi và tim xuất hiện nhiều hơn. Cụ thể, nhóm nghiên cứu lưu ý rằng các chất dạng hạt dường như làm tăng hoạt động trên bề mặt tế bào phổi, ACE-2, mà COVID-19 sử dụng để lây nhiễm cho bệnh nhân.
Munzel - giáo sư tại Trung tâm Y tế thuộc Đại học Johannes Gutenberg (Đức) - cho biết: “Chúng ta đối mặt mối hiểm họa kép: ô nhiễm không khí làm tổn thương phổi và làm tăng hoạt động của ACE-2, từ đó dẫn đến tăng cường sự hấp thu vi rút”.
Jos Lelieveld, từ Viện Hóa học Max Planck (Đức), nói với hãng tin AFP rằng “các hạt ô nhiễm là một đồng yếu tố làm trầm trọng thêm căn bệnh”. Ông cho biết, ước tính có hơn 6.100 ca tử vong do COVID-19 ở Vương quốc Anh có thể bắt nguồn từ ô nhiễm không khí. Ở Mỹ, con số này là khoảng 40.000.
Hơn 1,1 triệu người trên toàn thế giới qua đời vì COVID-19 kể từ khi bắt đầu đại dịch, theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins (Mỹ).
Các tác giả cho rằng nếu không có sự thay đổi cơ bản về cách các thành phố tự cung cấp năng lượng, bao gồm cả việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo, ô nhiễm không khí sẽ tiếp tục giết chết một số lượng lớn người ngay cả sau khi đại dịch đi qua.
Họ viết: "Không có vắc xin nào chống lại chất lượng không khí kém và biến đổi khí hậu. Biện pháp khắc phục duy nhất là giảm thiểu khí thải".
Theo phunuonline.com.vn