Một người phục vụ đứng cạnh những chiếc bàn trống bên ngoài một nhà hàng tại Quảng trường St Mark (Venice, Italy) ngày 9/3/2020. Ảnh: REUTERS
Italy là "rốn dịch" nguy hiểm nhất châu Âu
Ngày 11/3, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho hay, tổng số ca Covid-19 ở Italy đã tăng lên đến 10.149 ca.
Số ca tử vong vì Covid-19 ở nước này đã tăng thêm 168 ca lên 631 ca, mức tăng lớn nhất kể từ khi Italy ghi nhận các ca nhiễm đầu tiên. Quốc gia này hiện có số ca tử vong do dịch cao thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc.
Italy đã trở thành tâm dịch Covid-19 của châu Âu. Từ ngày 10/3, chính phủ nước này đã áp dụng biện pháp phong tỏa cứng rắn trên toàn quốc. Biện pháp được Thủ tướng Giuseppe Conte đưa ra là bước đi mới nhất của Rome trong nỗ lực làm chậm lại sự lây lan của virus SARS-CoV-2 đang gây chao đảo nền kinh tế và đời sống toàn cầu.
Các biện pháp chưa từng có tiền lệ được áp dụng tác động đến hơn 60 triệu người - quy mô tương đương với tâm điểm dịch tỉnh Hồ Bắc bị Trung Quốc phong tỏa.
Các chốt an ninh phong tỏa ở Italy
Hoạt động của các nhà thờ tại Italy đã được đình chỉ từ ngày 9/3 nhằm thực hiện Sắc lệnh tình trạng khẩn cấp của Chính phủ Italy.
Vatican cũng thông báo dừng tất cả các hoạt động nghi lễ tôn giáo được cử hành công khai, bao gồm cả lễ an táng và đóng cửa quảng trường St. Peter cho tới ngày 3/4.
Tập đoàn Armani đã quyết định đóng cửa tạm thời tất cả các cửa hàng, nhà hàng và khách sạn ở Milan từ 18h ngày 10/3. Tập đoàn Armani cũng đã quyên góp số tiền 1,25 triệu euro cho các bệnh viện và Cơ quan Bảo vệ Dân sự nhằm đối phó với dịch bệnh Covid-19.
Cách đây 2 ngày, Chính phủ Italy đã phải chi khẩn cấp 7,5 tỷ euro để cứu các ngành kinh tế và chắc chắn sẽ thâm hụt ngân sách ở mức 2,5% GDP trong năm 2020, cao hơn so với mức 2,2% cam kết với Ủy ban châu Âu.
Các nước áp dụng biện pháp khẩn cấp
Khắp châu Âu, nhiều sự kiện công cộng bị gián đoạn, hàng loạt hoạt động văn hóa, thể thao giải trí bị hủy bỏ hoặc hạn chế sự tham gia của công chúng. Liên minh châu Âu (EU) lập quỹ 25 tỷ euro cứu nền kinh tế khối này đang phải hứng chịu hậu quả nặng nề của dịch bệnh Covid-19.
Trước mắt, Ủy ban châu Âu sẽ trợ giúp ngay lập tức 7,5 tỷ euro, số tiền còn lại sẽ được huy động từ nhiều nguồn trong thời gian tới. Số tiền ban đầu sẽ được đầu tư cho các hệ thống y tế, các công ty vừa và nhỏ và vào thị trường lao động.
Ngoài việc nới lỏng các quy định về chi tiêu công và chính sách tài khoá cho các nước thành viên, Uỷ ban châu Âu cũng cho biết sẽ tìm thêm nguồn tài chính để trợ giúp cho các nghiên cứu điều chế vaccine. Từ khi dịch Covid-19 lan rộng tại châu Âu, EU đã chi 140 triệu euro để tài trợ cho các hãng dược phẩm và các phòng nghiên cứu.
Pháp lo ngại dịch lây lan
Pháp hiện đang là tâm dịch lớn thứ hai tại châu Âu sau Italy. Nước này có 1.784 người đã nhiễm bệnh, tăng 372 người trong vòng 24 giờ qua, trong đó 86 bệnh nhân trong tình trạng nặng.
Trong số 33 trường hợp tử vong (tăng 3 người so với ngày trước đó), 23 người từ 75 tuổi trở lên. Pháp xác định được 11 ổ dịch, trong đó 2 ổ dịch mới được hình thành trong 24 giờ qua. Hàng loạt các biện pháp đã được cơ quan chức năng Pháp triển khai với hy vọng kiềm chế tộc độ lây lan của virus SARS-CoV-2.
Khoảng 450 sự kiện thể thao lớn nhỏ trên toàn nước Pháp sẽ buộc phải hủy bỏ, lùi lịch tổ chức hoặc diễn ra trên sân không khán giả.
Những thay đổi này sẽ tác động đến khoảng 2 triệu khán giả, những người đã đặt mua vé tham gia các sự kiện này. Covid-19 đang khiến cho chính giới Pháp lo lắng. Bộ trưởng Văn hóa Pháp Franck Riester và 5 nghị sỹ khác nằm trong số những người có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Bộ trưởng Tư pháp có các dấu hiệu đáng lo ngại sau khi tiếp xúc với người nhiễm SARS-CoV-2. Chánh văn phòng Phủ Tổng thống cũng đang tự cách ly tại nhà sau khi tiếp xúc với người mắc bệnh. Các biện pháp khẩn cấp được áp dụng để bảo vệ Tổng thống Emmanuel Macron như các cuộc họp trực tuyến được tăng cường thay cho các cuộc gặp gỡ truyền thống.
Thứ trưởng Y tế Anh Nadine Dorries được chẩn đoán dương tính với SARS-CoV-2
Tới nay, Anh đã ghi nhận 382 ca nhiễm virus corona, 6 ca tử vong và 18 ca hồi phục. Anh khuyến cáo những người Italy đến nước này phải tự cách ly trong nỗ lực nhằm xoa dịu sự lo ngại của người dân Anh trước diễn tiến dịch bệnh lây lan nhanh tại Italy.
Thứ trưởng Y tế Anh Nadine Dorries được chẩn đoán dương tính với SARS-CoV-2 sau khi ngã bệnh ngày 6/3. Bà Dorries, đã được cách ly và đang hồi phục, từng tiếp xúc với hàng trăm người tại quốc hội Anh hồi tuần trước và dự tiệc chiêu đãi với Thủ tướng Boris Johnson. Hãng hàng không British Airways của Anh hủy tất cả các chuyến bay đến và đi từ Italy
Tại Tây Ban Nha, nhà chức trách cho biết số người nhiễm Covid-19 đã vượt qua 1.695 ca và 36 người chết. Các trường học tại thủ đô Madrid được thông báo sẽ đóng cửa, sau khi số người mắc bệnh tăng đột biến trong những ngày qua. Điều này đồng nghĩa với việc hơn 1,25 triệu học sinh, sinh viên tại Tây Ban Nha bị gián đoạn việc học.
Điểm kiểm soát biên giới giữa Czech và Đức
Ở Đức, đã ghi nhận 1.524 trường hợp nhiễm bệnh tại 16 bang trên cả nước và 2 ca tử vong. Ông Ralph Brinkhaus- Chủ tịch liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) cho biết, Đức bổ sung 1 tỷ euro ứng phó dịch bệnh. Các cơ quan y tế nhà nước và Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn "sẽ nhận được sự hỗ trợ về các phương tiện" cần thiết để đối phó với dịch Covid-19 hiện nay.
Nhu Thụy (Nguồn: Worldometers, Guardian, Reuters)