"3 cú đánh" tấn công những người nghèo nhất thế giới
Cập nhật lúc 10:43, Thứ sáu, 20/09/2024 (GMT+7)
Ngày 18/9, Peter Sands, người đứng đầu Quỹ toàn cầu phòng chống AIDS, lao và sốt rét, cho biết biến đổi khí hậu và nguy cơ xung đột đang làm lu mờ những nỗ lực cải thiện sức khỏe của người dân.
|
|
Một đứa trẻ Palestine được tiêm vắc xin phòng bại liệt, trong bối cảnh xung đột Israel-Hamas, tại Dải Gaza - Ảnh: Reuters |
Phát biểu tại London trước thềm công bố báo cáo của Quỹ Toàn cầu về hoạt động của tổ chức vào năm 2023, Peter nhấn mạnh 3 căn bệnh: sức khỏe, khí hậu và xung đột, đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.
Bất chấp những tiến triển, Peter Sands nhấn mạnh việc các chính phủ vẫn chưa muốn cung cấp tiền tài trợ, làm dấy lên lo ngại về vòng tài trợ năm tới để trang trải cho hoạt động của Quỹ trong giai đoạn 2026-2028.
Ông cho biết: "Chắc chắn là sức khỏe toàn cầu phần nào bị lu mờ bởi các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu và xung đột… những người nghèo nhất đang phải gánh chịu cú đánh ba lần này".
Biến đổi khí hậu làm số người gặp phải tình trạng suy dinh dưỡng tăng đột biến, đồng thời còn gây ra nhiều bệnh tật. Trong khi xung đột có thể dẫn đến nhiều ca tử vong do hệ thống chăm sóc sức khỏe sụp đổ, hơn là thiệt mạng do bom đạn.
Quỹ Toàn cầu là tổ chức tài trợ quốc tế lớn nhất cho các nỗ lực chống lại bệnh lao và sốt rét, và lớn thứ hai cho phòng chống HIV, đầu tư hơn 5 tỷ USD mỗi năm cho 3 căn bệnh này.
Báo cáo thường niên công bố cho thấy, vào năm 2023, có khoảng 25 triệu người nhiễm HVI/AIDS được điều trị bằng thuốc kháng vi rút, 7,1 triệu người được điều trị bệnh lao, và 227 triệu màn chống muỗi đã được phân phối tại các quốc gia nơi Quỹ Toàn cầu hoạt động.
Kể từ khi Quỹ được thành lập vào năm 2002, tỷ lệ tử vong do cả 3 căn bệnh này đã giảm 61%, cứu sống được khoảng 65 triệu người.
Theo phụ nữ TPHCM