"Tính đến 19/6, khoảng 3.500 nhân sự của các doanh nghiệp Hàn Quốc đã được phép nhập cảnh vào Việt Nam. Dự kiến có thêm 600 người vào cuối tháng", Đại sứ Park cho biết trong email ngày 22/6, trả lời VnExpress về hoạt động nối lại đi lại với Việt Nam khi Covid-19 qua đỉnh.
Theo Đại sứ Park, hàng trăm người Hàn Quốc khác, là nhà quản lý doanh nghiệp, chuyên gia, kỹ sư, người lao động, học sinh, sinh viên và gia đình họ đang chờ để được nhập cảnh vào Việt Nam.
"Con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới", ông nói.
Đại sứ Park cho hay các chuyến bay thương mại từ Việt Nam đến Hàn Quốc vẫn được duy trì bình thường, nhưng các chuyến bay ở chiều ngược lại đang tạm dừng, khi Việt Nam duy trì các biện pháp chống dịch.
Việt Nam và Hàn Quốc đều được các nước trên thế giới đánh giá ứng phó thành công với Covid-19. Một số nơi như Singapore, Đài Loan đã dỡ hạn chế nhập cảnh đối với người Hàn Quốc. Vì thế, Đại sứ cho rằng đã đến lúc Việt Nam và Hàn Quốc thảo luận phương án nối lại giao lưu nhân dân, trong đó có các chuyến bay thương mại, để thích nghi với trạng thái "bình thường mới". Chính sách này cần dựa trên cơ sở tin cậy lẫn nhau, trên quan hệ song phương đi kèm điều kiện bảo đảm an toàn cho người dân. Ông lưu ý riêng trong năm 2019, 4,3 triệu lượt người Hàn Quốc đã đến Việt Nam.
"Chúng tôi hy vọng Việt Nam sớm nối lại các chuyến bay thương mại xuất phát từ Hàn Quốc, do nhu cầu giao lưu nhân dân giữa hai bên rất lớn", ông nói.
Với người lao động Việt Nam, Đại sứ Park cho hay những người từng làm việc ở Hàn Quốc có thể quay lại, nhưng việc tiếp nhận lao động mới đang tạm dừng. Hoạt động này sẽ được nối lại từng bước, căn cứ trên diễn biến dịch ở cả hai nước.
Trong nỗ lực nối lại hợp tác song phương sắp tới, Đại sứ quán Hàn Quốc dự kiến phối hợp với Việt Nam tổ chức hội nghị "Gặp gỡ Hàn Quốc" tại Hà Nội vào 30/6 nhằm thảo luận về hợp tác ODA, tăng hợp tác thương mại, đầu tư và hợp tác địa phương. Một hội nghị bàn hợp tác giữa hai nước hậu Covid-19 sẽ diễn ra vào tháng 7. Hàn Quốc cũng thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực có tiềm năng lớn ở Việt Nam như ôtô, đóng tàu, đô thị thông minh, cơ sở hạ tầng giao thông.
"Hàn Quốc muốn duy trì vai trò là nhà đầu tư số một và là đối tác thương mại lớn của Việt Nam", ông Park nói.
Trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN, Hàn Quốc, với vai trò là nước điều phối ASEAN + 3, sẽ tích cực hỗ trợ để Hà Nội tổ chức thành công các hội nghị khác của ASEAN. Ông Park kỳ vọng Việt Nam tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong giữ đà hợp tác để khắc phục thiệt hại do Covid-19 gây ra; cùng Hàn Quốc xây dựng được cơ chế bình thường hóa giao lưu khi dịch qua đỉnh, có thể làm hình mẫu cho hợp tác ASEAN - Hàn Quốc.
Hôm 18/6, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết đang trao đổi với ba nước ở Đông Á là Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, để từng bước nối lại đi lại, căn cứ tình hình và nhu cầu của hai bên. Trước mắt, các chuyên gia, nhà quản lý của ba nước được tạo điều kiện quay lại Việt Nam làm việc. Ngược lại, các thực tập sinh, lao động Việt Nam cũng sẽ được xem xét vấn đề tương tự. Hoạt động này được khôi phục sau khi Việt Nam dừng nhập cảnh với tất cả người nước ngoài từ ngày 22/3 để chặn Covid-19.
Dịch bùng phát từ Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc từ cuối 2019 và nhanh chóng lan ra toàn cầu, khiến gần 9,2 triệu ca nhiễm và hơn 470.000 người chết.
Theo vnexpress