Để hạn chế sự bùng phát của đại dịch Covid-19, kể từ tháng 2, chính phủ Nhật Bản đã cấm du khách nước ngoài nhập cảnh vào quốc gia này.
Điều này dẫn đến sự lo lắng cho nhiều du học sinh đã về quê tránh dịch sẽ không kịp quay trở lại trước kỳ nhập học, lễ tốt nghiệp và cơ hội tiếp cận học bổng.
Annamaria (27 tuổi, Slovakia), sinh viên ngành kỹ thuật môi trường tại một trong những trường đại học hàng đầu Nhật Bản, e ngại rằng cô không thể nộp luận án trước thời hạn nếu không được trở lại Nhật vào tháng 9.
Khi cô rời xứ sở hoa anh đào vào ngày 3/3 để thăm gia đình trong kỳ nghỉ xuân, Slovakia chưa có ca nhiễm Covid-19 và Nhật Bản cũng chưa ghi nhận sự bùng phát virus.
Annamaria vẫn đang chờ lệnh nới lỏng nhập cảnh để quay trở lại trường học. Ảnh: Japan Times.
Đến nay, Annamaria vẫn chưa được quay lại Tokyo do lệnh cấm nhập cảnh nghiêm ngặt mà Nhật Bản đã áp dụng đối với du khách từ 111 quốc gia và khu vực, kể cả cư dân nước ngoài có thị thực sinh viên hợp lệ.
Nguy cơ mất sinh viên
Sự hạn chế này đã vấp phải làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ cộng đồng người nước ngoài tại Nhật Bản. Lệnh cấm cũng khiến nhiều sinh viên quốc tế bị mắc kẹt tại quê nhà trong tình trạng khập khiễng về tài chính và lo sợ về một tương lai không chắc chắn.
Ngoài ra, điều này cũng đặt ra một thách thức lớn đối với các trường cao đẳng, đại học có tỷ lệ xét tuyển sinh viên quốc tế cao.
Họ có nguy cơ bị mất sinh viên trong năm học tiếp theo khi đại dịch có dấu hiệu suy giảm. Một số trường đại học còn lo ngại rằng lệnh cấm nhập cảnh sẽ ảnh hưởng đến việc tuyển sinh của các sinh viên có dự định đăng ký khóa học vào mùa thu.
Theo thống kê của các trường đại học, số lượng hồ sơ đầu vào trong tháng 5 đã giảm đáng kể so với số liệu từ những năm trước.
Trong trường hợp của Annamaria, ngoài vấn đề nộp luận án, cô còn lo sợ thời hạn học bổng của mình có thể không được gia hạn trong 2 năm tiếp theo và cô phải hoàn trả toàn bộ số tiền cho nhà tài trợ của mình.
“Tôi không thể tưởng tượng được sinh viên bị đối xử như thế này. Các sinh viên và nhà nghiên cứu quốc tế lại được xếp vào cùng hạng với khách du lịch”, Annamaria nói với Japan Times.
Nhiều sinh viên quốc tế cũng phải nghỉ việc làm thêm khi tình trạng này kéo dài. Ảnh: Nikkei Asia Review.
Về lý thuyết, những người nước ngoài rời khỏi đất nước mà họ đến thăm hoặc sinh sống tạm thời có thể được miễn trừ lệnh cấm nếu họ đưa ra được mục đích của chuyến đi với lý do nhân đạo, ví dụ như tham dự đám tang của người thân.
Tuy nhiên, trên thực tế, các cơ sở nhân đạo này đều không phải lý do phù hợp để du học sinh tìm kiếm sự miễn trừ như vậy. Theo Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, mọi lời khẩn cầu của du học sinh đều có thể bị từ chối.
Theo Japan Today, đầu tháng 6/2020, Thủ tướng Shinzo Abe đã công bố kế hoạch của chính phủ cho việc nhập cảnh trở lại với khách từ Việt Nam, Thái Lan, Australia và New Zealand trong những tháng tới. Nhưng ông không tiết lộ thêm bất kỳ kế hoạch nào cho sinh viên quốc tế.
Điều này gây ra mâu thuẫn với niềm hy vọng của Tokyo trong những năm gần đây trong mục tiêu thu hút hơn 300.000 sinh viên nước ngoài vào năm 2020.
Tình hình tài chính khó khăn
Meher Afroz (đến từ Bangladesh), đang theo học chương trình thạc sĩ chính sách công tại Đại học Hitotsubashi (Tokyo), quay về quê nhà vào tháng 2 mà không biết trước chuyến đi này sẽ kéo dài hơn 3 tháng. Việc chậm quay trở lại đã khiến cô mất quyền sử dụng học bổng của mình được tài trợ bởi Bộ Giáo dục Nhật Bản.
Nhiều tổ chức giáo dục công và tư nhân quy định rằng bất kỳ sinh viên nào rời khỏi Nhật Bản hơn một tháng có thể bị từ chối nhận hỗ trợ tài chính bất kể lý do vắng mặt là gì.
Hiện Afroz đang bị mắc kẹt ở Bangladesh mà không có bất cứ nguồn thu nhập nào. Cô đang trả tiền thuê nhà và hóa đơn ở Nhật bằng tiền túi của mình và phải vật lộn với việc theo dõi các lớp học trực tuyến trong điều kiện chênh lệch múi giờ và kết nối Internet kém. Cô hy vọng mình sẽ có thể trở lại vào tháng 9, khi visa du học của cô sắp hết hạn.
Nhiều sinh viên quốc tế lo lắng cho tương lai của mình. Ảnh: Nikkei Asia Review.
Afroz cho biết cô đến Nhật Bản để theo đuổi giấc mơ thành lập doanh nghiệp của riêng mình hoặc cơ hội được làm việc với các tổ chức quốc tế như Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản, nơi điều phối các hoạt động phát triển kinh tế.
Nhiều sinh viên từ các nước đang phát triển phụ thuộc rất nhiều vào nguồn hỗ trợ tài chính. Đây thường là cách duy nhất để họ có thể tiếp cận giáo dục đại học.
Chính phủ đã tuyên bố sẽ trao số tiền mặt lên tới 200.000 USD cho các sinh viên đang gặp khó khăn về tài chính, nhưng cũng đặt ra một tiêu chí bổ sung: Chỉ những người có điểm số nằm trong top 30% mới đủ điều kiện nhận.
Nhiều trường đại học đã tổ chức các chương trình hỗ trợ để giúp sinh viên tiếp tục việc học. Chẳng hạn, Cao đẳng nữ sinh Gakushuin đã trả chi phí sách giáo khoa cho những trường hợp khó khăn và hỗ trợ 60.000 yên mỗi người để giúp sinh viên mua thiết bị tham gia lớp học trực tuyến. Nhưng không phải tất cả trường đại học đều có khả năng cung cấp hỗ trợ như vậy.
Tuy được hỗ trợ nhưng khá nhiều sinh viên nước ngoài vẫn chật vật với các khoản chi phí khác.
Miho Odagiri, một quan chức tại văn phòng Bộ Giáo dục về trao đổi sinh viên, cho biết các cơ quan và tổ chức chính phủ đang nỗ lực hỗ trợ sinh viên xin miễn hoặc giảm phí bảo hiểm y tế. Ngoài ra, chính phủ cũng đã yêu cầu các công ty điện và khí đốt hoãn thanh toán cho sinh viên bị mắc kẹt ở quê nhà.
Sự khác biệt về thời gian và đại dịch đang bùng phát dự kiến ##sẽ đặt ra những thách thức về sức hút đầu vào - điều mà từ lâu các tổ chức giáo dục luôn tự hào.
Đối mặt với khả năng trì hoãn tuyển sinh và khoảng cách địa lý, nhiều sinh viên lo lắng chính sách nghiêm ngặt của Nhật Bản sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự nghiệp tương lai của họ.
“Một số bạn bè của tôi sẽ nhập học ở các nước khác từ tháng 9. Tôi đang cảm thấy căng thẳng và nghĩ rằng quyết định chọn Nhật Bản của mình là sai”, một sinh viên cho biết.
Theo Zing