Nhiều người trẻ Trung Quốc thích dùng thời gian rảnh để lướt Internet thay vì tìm bạn đời. Ảnh: AFP.
Ran có thu nhập ổn định và dành thời gian rảnh với bạn bè hoặc lướt Internet. Tuy nhiên, mẹ của cô rất lo lắng.
"Mẹ tôi rất lo cho tôi. Bà tin rằng kết hôn và sinh con là những việc một người nhất định phải làm trong đời. Tôi thì không nghĩ thế. Kết hôn không quan trọng với tôi", Ran nói. "Nếu tôi may mắn tìm được người đàn ông phù hợp thì tốt, còn nếu không thì tôi cũng đành chấp nhận. Tôi sẽ không bắt ép bản thân mình phải tìm một người đàn ông để kết hôn".
Suy nghĩ của Ran khá phổ biến ở những người trẻ Trung Quốc sinh sau năm 1990. Ran thuộc thế hệ những người trẻ không muốn kết hôn sớm do sự ảnh hưởng của những thay đổi của nền kinh tế và xã hội Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu cho biết xu hướng này đang không chỉ ảnh hưởng tới từng người trẻ mà lên toàn bộ xã hội Trung Quốc.
Hashtag "Những người sinh sau năm 1990 không muốn kết hôn" trên mạng xã hội Weibo thu hút hàng nghìn bình luận tại Trung Quốc trong mùa hè qua. "Kết hôn là một gánh nặng lớn và tôi không muốn phải mang gánh nặng đó. Có lẽ tôi là một người vô trách nhiệm", một người dùng Weibo viết.
"Tôi cãi nhau với mẹ về vấn đề này. Bà chỉ trích tôi chưa trưởng thành và không có cái nhìn sâu sắc về cuộc sống. Tôi nói với mẹ rằng hai chúng tôi có khoảng cách lớn về thế hệ", một người khác bình luận.
Sự thay đổi này dẫn tới việc tỷ lệ kết hôn tại Trung Quốc đang giảm dần. Theo Cục Số liệu Quốc gia của nước này, tỷ lệ kết hôn giảm từ 9,9/1.000 người năm 2013 tới 7,2/1.000 người năm 2018. 13,47 triệu cặp đôi đăng ký kết hôn năm 2013 trong khi năm 2018 là 10,11 triệu cặp.
Wang Jufen, chuyên gia nghiên cứu về sự phát triển của phụ nữ tại trường chính sách công và phát triển xã hội thuộc Đại học Phục Đán (Fudan), Thượng Hải, cho biết tỷ lệ kết hôn giảm chỉ ra rằng phụ nữ Trung Quốc ngày càng được hưởng nền giáo dục tốt hơn và ít lệ thuộc về mặt tài chính hơn.
"Chúng tôi ghi nhận rằng nhiều sinh viên nữ theo học đại học hơn nam giới tại rất nhiều trường. Con số nữ sinh đăng ký học thạc sĩ hoặc tiến sĩ cũng đang gia tăng. Vì vậy, phụ nữ không cần lệ thuộc vào đàn ông về mặt kinh tế như những thế hệ trước", Wang nói.
Bà cũng giải thích nhiều nữ nhân viên văn phòng, công chức tại các thành phố lớn chưa lập gia đình vì mong muốn tìm được người bạn đời được giáo dục tốt hơn và giàu có hơn. Mạng lưới an sinh xã hội được mở rộng cũng khiến nhu cầu kết hôn, lập gia đình ở người trẻ giảm xuống.
Gui Shixun, giám đốc Viện Nghiên cứu Dân số tại Đại học Đông Trung Quốc, cho rằng trong quá khứ, các cặp đôi kết hôn, sinh con để con cái chăm sóc họ khi về già và cũng vì một phần trách nhiệm phải duy trì dòng giống gia đình. "Ngày nay, bảo hiểm y tế và xã hội đã trở nên phổ biến tại các khu đô thị và nông thôn ở Trung Quốc, nên kết hôn trở nên ít quan trọng và cần thiết hơn", Gui cho hay.
"Khi kinh tế và xã hội phát triển nhanh chóng, quan điểm của người trẻ về việc chọn lựa bạn đời và kết hôn cũng thay đổi. Trong quá khứ, người ta tin rằng con cái bất hiếu với cha mẹ nếu không sinh con. Ngày nay, nhiều người cho rằng việc không sinh con là bình thường", Gui nói.
Theo khảo sát thực hiện bởi đoàn thanh niên cộng sản Trung Quốc năm 2018, 70% những người trẻ tại nước này muốn chờ đợi chọn được đối tượng ưng ý. Trong số 3.000 người tham gia khảo sát, 16% cho biết sẽ không kết hôn.
Vincent Fan, một nhân viên tài chính 30 tuổi sống tại tỉnh Hải Nam không hề cảm thấy cần nhanh chóng tìm bạn gái, bất chấp áp lực từ cha mẹ. Anh chia tay bạn gái 6 tháng trước và cho biết việc kết hôn không quá quan trọng với bản thân. "Tôi thà không kết hôn còn hơn phải sống với người mình không vừa ý", Fan nói.
Tại Thượng Hải, Xiao Lei và bạn trai lâu năm chuẩn bị kết hôn vào cuối tháng 10 tới vì cha của Xiao yêu cầu cô phải kết hôn trước khi bước sang tuổi 38 vào tháng 11. "Việc này nhằm giữ thể hiện cho cha tôi. Ông nói rằng ông sẽ mất thể diện nếu tôi kết hôn vào năm 38 tuổi hoặc muộn hơn", Xiao cho biết.
Với Ran, cô cho biết thường đọc sách chuyên ngành, xem TV hoặc đọc tiểu thuyết trên mạng sau giờ làm việc. Cô cũng thường đi du lịch cùng bạn bè nên khá bận rộn và không có thời gian để tìm người yêu. Cô cũng không quá lạc quan về việc có cuộc hôn nhân hạnh phúc vì đã chứng kiến nhiều cuộc hôn nhân tan vỡ.
Số cuộc ly hôn tại Trung Quốc tăng từ 1,33 triệu năm 2003 tới 4,37 triệu năm 2017, theo thống kê của bộ Nội vụ nước này. Khảo sát năm 2016 của Viện khoa học xã hội thuộc Đại học Bắc Kinh cho thấy 13,5% những người sinh sau năm 1980 sẽ ly hôn sau khoảng 15 năm kết hôn, cao gấp ba lần so với tỷ lệ thời cha mẹ của họ.
Theo ông Gui, tỷ lệ kết hôn thấp dẫn đến tỷ lệ sinh thấp, gia tăng áp lực lên lực lượng lao động và gây quan ngại về xã hội già hóa. Trung Quốc từ bỏ chính sách một con vào năm 2016 và đang xem xét hạ độ tuổi kết hôn với nam và nữ để tăng tỷ lệ sinh.
Mu Guangzong, nhà nhân khẩu học thuộc Đại học Bắc Kinh, cho hay: "Trí tuệ nhân tạo, kinh tế phát triển, văn hóa thịnh vượng và các dịch vụ xã hội thuận tiện đều hỗ trợ cho cuộc sống một mình của những người độc thân. Kết hôn giờ đây đã không còn là chuyện cần thiết trong cuộc sống của một con người và báo hiệu một xã hội độc thân đang đến gần".
Mu cho biết việc độc thân có thể mang đến tự do cho một người, nhưng sẽ thiếu sự gắn kết. "Thật khó để tưởng tượng một xã hội dựa trên những cá nhân thay vì các gia đình bền vững và ấm áp".
Theo vnexpress