Người dân Afghanistan sơ tán tránh xung đột tại Herat. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tại một khu chợ ở Kabul, Aref, chủ cửa hàng bán khăn choàng Burqa truyền thống của người Hồi giáo, đang nhận thấy cơ hội làm ăn ngày càng rộng mở.
Nhìn từ xa, cửa hàng của anh dường như được che phủ bởi lớp lớp những tấm vải xanh nhưng khi đến gần hơn, người ta nhận ra đó là hàng chục những chiếc khăn Burqa xếp lên nhau đợi người tới mua.
Aref cho biết khi lực lượng Taliban, luôn bảo vệ quan điểm Hồi giáo khắt khe với người phụ nữ, tiến sát thủ đô Kabul cũng là lúc anh đón ngày càng nhiều khách hàng là phụ nữ sinh sống trong chính thành phố được cho là có quan điểm cởi mở nhất với phụ nữ tại Afghanistan này.
Điều này khác hẳn với thời gian trước khi các khách hàng của anh chủ yếu là những phụ nữ từ các tỉnh lẻ. Một trong những khách hàng của Aref cho biết khi nỗi lo sợ của phụ nữ dâng cao cũng là lúc các cửa hàng nâng giá khăn Burqa. Trước đây, mỗi chiếc khăn có giá khoảng 200 AFS ( 2,77 USD) thì giờ có giá gấp 10 lần.
Khăn Burqa vốn là vật dụng không thể thiếu với mọi phụ nữ Afghanistan khi lực lượng Taliban kiểm soát đất nước những năm 1990 về cuối. Khi đó, phụ nữ không choàng khăn ở nơi công cộng sẽ bị phạt nặng và bị lực lượng “cảnh sát đạo đức” đánh đòn.
Sau khi Taliban thất thế vào năm 2001, trong khi nhiều phụ nữ Afghanistan vẫn tiếp tục choàng khăn Burqa để thể hiện tín ngưỡng tôn giáo và truyền thống thì hàng triệu người khác đã đi theo phong trào giải phóng phụ nữ, bắt đầu bằng việc tự quyết định mình sẽ mặc gì, cởi bỏ lớp khăn nặng nề để hướng tới “chân trời mới."
Cũng từ đó, đường phố Kabul trở nên nhiều màu sắc hơn với những người phụ nữ được tự do lực chọn những phong cách ăn mặc riêng, phối hợp các chất liệu truyền thống và hiện đại du nhập từ những nước khác trong vùng.
Fatimah, một nghệ sỹ kiêm nhiếp ảnh gia, khẳng định phụ nữ Afghanistan là một trong những nhóm có phong cách ăn mặc tự nhiên nhất và cho rằng điều đó phản ánh vẻ đẹp của tinh thần sáng tạo, thể hiện sự hy vọng vào tương lai.
Giờ đây, khi Taliban đã trở lại Kabul, nhiều người phụ nữ theo phong trào mới liên tưởng tới hình ảnh những chiếc khăn Burqa vốn đã bám đầy bụi lại được rút khỏi giá treo ở các cửa hàng và tràn ra các khu phố giúp che đi nỗi lo sợ của người phụ nữ khi nghĩ về cuộc sống thời xưa.
Trong khi những phụ nữ có tuổi trong gia đình lục lọi mọi tủ quần áo để lấy ra những chiếc Burqa phân phát cho các con cháu thì nhiều người chồng bắt đầu giục vợ mình đi mua khăn và thay đổi cách ăn mặc để không bị chú ý khi ra khỏi nhà.
Trên thực tế, sau khi giành quyền kiểm soát thành phố Herat, Taliban đã phát đi thông báo trên mạng xã hội về yêu cầu bắt buộc các phụ nữ trong thành phố phải choàng Burqa ở những nơi công cộng.
Một cừa hàng bán khăn Burqa. (Nguồn: pinterest.com)
Tại thủ đô Kabul, nơi có tới 2/3 dân số là những người dưới 30 tuổi, trong đó hầu hết phụ nữ chưa từng trải qua cuộc sống dưới thời Taliban. Habiba, 26 tuổi, là một trong số đó. Ở cô gái này vẫn còn sự phản kháng mãnh liệt khi nhất quyết từ chối lời khuyên của mẹ về việc đeo khăn Burqa.
Dù hiểu rằng lời khuyên của mẹ là cách để bà bảo vệ các con nhưng Habiba khẳng định không có ý định mua một chiếc Burqa, việc choàng khăn với cô gái trẻ chính là sự thừa nhận thất bại trước Taliban, cho họ quyền kiểm soát cuộc đời cô và khiến cô đánh mất mọi thành tựu mà cô đã nỗ lực đấu tranh cho nữ quyền trong suốt thời gian qua.
Nhiều phụ nữ trẻ ở Kabul cũng đang cảm nhận những xung đột nội tại, giữa tinh thần đấu tranh vì tự do cho phụ nữ và sự tuyệt vọng khi cuối cùng Taliban cũng tiến vào Kabul.
Amul, một nữ người mẫu và nhà thiết kế thời trang, đã dành toàn bộ tâm huyết trong nhiều năm qua để vun đắp công việc kinh doanh riêng và nhận ra giờ đây cô có thể mất tất cả. Dành trọn vẹn những năm đã qua để theo đuổi ước mơ quảng bá cho cái đẹp, tinh thần sáng tạo và hình ảnh người phụ nữ Afghanistan dũng cảm lộ diện giờ đây Amul đang trải qua cảm giác định mệnh của chính mình đang bị xóa bỏ.
Không chỉ là sự trở lại của khăn Burqa, nhiều phụ nữ trẻ ở Kabul còn lo ngại cho cả tương lai phía trước. Không ít sinh viên đại học lo sợ họ sẽ phải bỏ dở việc học hành để trở thành một trong những người vợ của một người đàn ông nào đó.
Một nữ sinh viên hoàn thành các khóa đào tạo cử nhân của 2 trường đại học tốt nhất ở Afghanistan và Đại học Mỹ-Afghanistan và Đại học Kabul cho biết cô đã dừng mọi việc chuẩn bị tốt nghiệp vào tháng 11 tới khi nhận ra rằng mọi cơ hội dường như khép lại với người phụ nữ.
Cô lo ngại khi Taliban trở lại, người phụ nữ phải sống khép mình hơn, sẽ phải đốt mọi giấy tờ tùy thân, bằng cấp, không được nghe bài hát họ yêu thích, không được cười to, gặp gỡ bạn bè tại các quán càphê, không được mặc quần áo yêu thích, son môi hay làm đẹp lại càng xa vời hơn.
Dù đang bị xâm chiếm bởi cảm giác sẽ phải đốt bỏ mọi nỗ lực và thành tựu có được trong 24 năm cuộc đời, nhưng cô gái trẻ vẫn nuôi hy vọng mọi thứ sẽ không trở lại như 20 năm trước. Công sức đấu tranh vì nữ quyền và tự do của người phụ nữ Afghanistan sẽ không bị rũ bỏ.
Theo Vietnamplus