Dịch bệnh trở lại, nhiều hành khách có nhu cầu đổi, hoàn tiền vé tăng mạnh, hàng không cập nhật chính sách mới - Ảnh: C.TRUNG

Trong khi đó, dù TP.HCM chưa có yêu cầu các điểm tham quan du lịch phải đóng cửa nhưng một số điểm đến trên địa bàn đã chủ động tạm ngưng đón khách.

4 nhóm khách được miễn phí hoàn vé


Sau Vietnam Airlines, đến lượt Vietjet và Bamboo Airways đã cập nhật lại chính sách đổi, hoàn vé đối với hành khách có chuyến bay bị ảnh hưởng trong mùa dịch COVID-19. Cụ thể, Hãng Vietjet cho biết sẽ hỗ trợ khách hàng hoàn vé trực tuyến đối với các chuyến bay có hành trình khởi hành từ ngày 8-5 đến 31-5.

Theo đó, có 4 đối tượng khách gồm: F0, F1 và F2 có xác nhận của cơ quan chức năng; người có chứng minh hoặc xác nhận có liên quan đến khu vực phong tỏa của cơ quan thẩm quyền; thành viên tổ cơ động phòng chống dịch; người được chính quyền địa phương yêu cầu cách ly tại nhà do có di chuyển từ vùng dịch trở về sẽ được Vietjet miễn phí hoàn bảo lưu định danh với khách có tên trên vé.

Với hành khách lựa chọn hoàn hủy vé, tiền hoàn hủy sẽ được đưa vào tài khoản bảo lưu định danh để khách sử dụng chi trả các chuyến bay, dịch vụ khác của Vietjet trong 365 ngày tiếp theo và thu phí 200.000 đồng/khách/chặng (chưa bao gồm VAT). 

Hành khách phải thực hiện yêu cầu hoàn bảo lưu ít nhất 24 giờ trước giờ khởi hành của chặng bay đầu tiên và cung cấp đầy đủ các loại giấy tờ theo yêu cầu của hãng.

Hãng Bamboo Airways cũng áp dụng quy định hoàn tiền đối với trường hợp đủ điều kiện. Cụ thể, khách đoàn sẽ được hoàn vé về tài khoản bảo lưu, tiền hoàn sẽ được sử dụng để thanh toán cho các đoàn phát sinh kế tiếp có thời gian bay không vượt quá 31-12-2021. Với vé xuất qua kênh bán của các đối tác và đại lý, tiền hoàn được lưu chuyển về tài khoản đại lý trong vòng 90 ngày kể từ ngày đại lý gửi yêu cầu cho hãng bằng email.

Với hành khách thuộc khu vực bị phong tỏa, cách ly, hãng sẽ áp dụng đổi ngày bay, giờ bay và hành trình hoặc miễn phí đổi tên, hoàn vé. Với địa phương không có quy định rõ thời hạn phong tỏa cách ly, hãng này sẽ tính là 21 ngày kể từ ngày cập nhật khu vực bị phong tỏa, cách ly tại phụ lục.

Trước đó, Vietnam Airlines cũng đã công bố chính sách áp dụng phí đổi vé và phí bỏ chỗ theo điều kiện giá vé cho các vé có ngày bay từ 1-5 đến 31-5 (trừ vé có hạng đặt chỗ thuộc nhóm phổ thông tiết kiệm), được phép thay đổi ngày bay một lần miễn phí trong hiệu lực sử dụng của vé.

Khu du lịch dừng đón khách


Ngày 8-5, ông Huỳnh Đồng Tuấn, phó tổng giám đốc Công ty CP du lịch văn hóa Suối Tiên (TP Thủ Đức, TP.HCM), cho biết khu du lịch này sẽ tạm ngưng phục vụ từ nay cho đến khi có thông báo mới để phòng tránh dịch COVID-19. 

Theo ông Tuấn, việc đóng cửa sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp sau khi đang có đà tăng trưởng từ dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, nhưng vấn đề phòng tránh dịch phải được đặt lên hàng đầu.

Trong khi đó, các công ty du lịch, lữ hành vẫn đang tiếp tục xoay xở duy trì các hoạt động trong điều kiện dịch bùng phát tại nhiều tỉnh, thành. 100% khách đoàn dự kiến khởi hành trong tháng 5 đều tạm dừng, kể cả tour đường hàng không và đường bộ. Các tour từ tháng 6 đến tháng 9 cũng đang được đàm phán, tìm hướng xử lý phù hợp.

Đại diện Công ty TST tourist cho biết đây là lần thứ 4 dịch bùng phát nên cả doanh nghiệp lẫn du khách đã chủ động hơn trong việc tìm tiếng nói chung. Trong các đoàn tour dự kiến khởi hành tháng 5-2021 của đơn vị này, chỉ có một đoàn 25 khách hủy tour đi Nghệ An, còn lại đồng ý dời lịch với thời gian khởi hành sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, dự kiến trong dịp hè 2021 và cuối năm 2021.

Ông Nguyễn Ngọc Tấn, tổng giám đốc Saco Travel, cũng cho biết chính sách hỗ trợ của các hãng hàng không khá linh hoạt, như cho lùi ngày khởi hành, bảo lưu tiền vé. Tuy nhiên, một số trường hợp khách phải đóng phí bảo lưu định danh. 

Trong khi đó, theo đại diện Lữ hành Saigontourist, nhà cung cấp dịch vụ cũng linh hoạt hơn để thích nghi với tình hình mới, các cơ sở lưu trú đã nhận tiền cọc cũng chấp thuận chuyển sang thời điểm thích hợp.

Theo các doanh nghiệp, ngay cả với khách lẻ có nhu cầu lên đường, công ty du lịch vẫn chủ động hoãn chuyến đi bởi nhiều điểm đến đóng cửa hoặc tạm dừng nhiều dịch vụ.

Đà Nẵng: cơ sở lưu trú, điểm đến dừng hoạt động

Lực lượng chức năng căng dây thông báo dừng tắm biển tại bãi biển quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng - Ảnh: TẤN LỰC

Ngày 8-5, ông Nguyễn Xuân Bình, phó giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, cho biết đã có văn bản gửi các cơ sở lưu trú và khu, điểm du lịch yêu cầu tạm dừng hoạt động tại các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, chỉ được bán hàng cho khách mang đi.

Các cơ sở lưu trú chỉ được kinh doanh dịch vụ lưu trú và phục vụ ăn uống tại phòng cho khách. Nghiêm cấm tổ chức tập trung ăn uống tại chỗ dưới mọi hình thức trong khu vực nhà hàng, quầy bar hay các khu vực công cộng.

Theo ông Cao Trí Dũng, chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, hầu hết du khách đã hủy hoặc hoãn các tour tuyến đến Đà Nẵng trong tháng 5. Các khu, điểm du lịch tại Đà Nẵng cũng đã dừng đón khách.

Tuy nhiên vẫn còn một số ít người dân tắm biển vào sáng sớm. Do đó, Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch TP sẽ tăng cường lực lượng và đẩy thời gian trực lên sớm để theo dõi, xử lý.

Theo tuoitre