Các tiếp viên thực hiện biện pháp phòng dịch cho nhau trên chuyến bay ở phi trường quốc tế Zaventem, gần thủ đô Brussels, Bỉ, ngày 15-6 - Ảnh: REUTERS
Trong thư ngỏ gửi đến toàn thể nhân viên của Airbus, ông Guillaume Faury - tổng giám đốc của Tập đoàn Airbus, dự báo về những khó khăn trước mắt để dọn đường cho thông báo cắt giảm nhân sự.
Theo ông, do mức sản xuất của hãng bị giảm đơn đặt hàng đến 40% cho giai đoạn 2020 - 2021 nên ông sẽ sớm trình bày "kế hoạch thích ứng" trong đó liên quan đến việc cắt giảm nhân sự.
Báo La Tribune của Pháp cho biết kế hoạch này sẽ được trình vào khoảng cuối tháng 6, đầu tháng 7. Trong mảng quốc phòng - không gian của Airbus, hồi tháng 2 vừa qua cũng đã công bố cắt giảm nhân sự và giờ sẽ phải tăng thêm.
Như vậy, dù nhiều quốc gia đã tiến hành mở cửa từ từ, trong đó có các hoạt động hàng không quốc nội và quốc tế, nhưng việc hồi phục như cũ xem ra còn rất khó khăn.
Để đảm bảo lấy lại niềm tin cho hành khách, các hãng bay đã phải tiến hành nhiều biện pháp phòng ngừa theo khuyến cáo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA).
Các hãng sản xuất máy bay trong khi đó cũng gấp rút hỗ trợ bằng cách tiến hành xem xét giải quyết vấn đề bẻ gãy lây nhiễm từ góc độ kỹ thuật.
Hiện Cơ quan Quản lý hàng không liên bang Mỹ (FAA) đã phối hợp với Boeing, Airbus và các chuyên gia của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) nhằm đánh giá mức độ nguy cơ lây nhiễm COVID-19 đối với hành khách cũng như tìm kiếm phương thức giảm thiểu rủi ro. Theo CDC, các chuyên gia của trung tâm đã phối hợp với FAA và Boeing để đưa ra những khuyến cáo liên quan tới COVID-19 và việc di chuyển bằng máy bay.
Airbus cũng đang tiến hành trao đổi thông tin với các trường đại học Mỹ và một số nước khác. Các kỹ sư của Airbus cũng tìm kiếm phương pháp giảm thiểu sự lây nhiễm virus, gồm cả việc sử dụng những chất liệu tự làm sạch, chất khử trùng có tác dụng tới 5 ngày và lắp đặt thiết bị không cần chạm tay trong khoang vệ sinh trên máy bay.
Trang phục phòng dịch của tiếp viên ở phi trường quốc tế Boryspil, ngoại ô thủ đô Kiev, Ukraine, ngày 13-6 - Ảnh: REUTERS
Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) gần đây dự báo cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 sẽ khiến ngành hàng không thiệt hại 84 tỉ USD trong năm nay. Đây là mức cao kỷ lục, và năm 2020 sẽ trở thành "năm tồi tệ nhất trong lịch sử hàng không".
Trong bản dự báo cập nhật, IATA cho biết vận tải hành khách dự kiến tăng 55% vào năm 2021, song vẫn thấp hơn 29% so với năm 2019.
IATA dự báo trong năm 2021, ngành này sẽ tiếp tục thiệt hại 15,8 tỉ USD, nâng tổng thiệt hại vì dịch bệnh lên khoảng 100 tỉ USD, vì sự phục hồi vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước khủng hoảng.
Ngay tại các thị trường mà tỉ lệ lây nhiễm đã giảm mạnh, các hãng hàng không vẫn phải đối mặt với một số hạn chế đi lại và sự thận trọng của người tiêu dùng.
IATA kêu gọi các chính phủ kiềm chế các biện pháp cách ly ảnh hưởng tới hầu hết hoạt động đi lại, thay vào đó áp dụng các biện pháp an toàn trên các chuyến bay như bắt buộc đeo khẩu trang. Theo Tổng Giám đốc IATA Alexandre de Juniac, "các biện pháp này sẽ tạo niềm tin cho các chính phủ mở cửa biên giới mà không cần áp dụng cách ly".
Theo dulich.tuoitre