Vé rẻ, tần suất bay liên lục, hành khách nhộn nhịp tại các sân bay - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Để thu hút khách đi du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, hãng bay áp dụng nhiều "chiêu" bán tour, đa dạng vé máy bay trả góp.

Hãng bay "so kè" giá vé rẻ

Ghi nhận tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sáng 10-6 cho thấy hành khách xếp hàng làm thủ tục, hành khách xếp hàng chờ qua khu vực an ninh ở nhà ga quốc nội khá nhộn nhịp. 

Chị Quỳnh Vy (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết giá vé máy bay của các hãng đang cạnh tranh khốc liệt với mức khuyến mãi không còn tính bằng "vài trăm" mà xuống còn "vài nghìn đồng".

Hiện các hãng bay đã khôi phục 100% mạng bay nội địa, mở nhiều đường bay mới, tung hàng triệu vé rẻ để kích cầu.

Chẳng hạn, Vietjet Air đang có chương trình bán vé chỉ từ 8.000 đồng (chưa gồm thuế phí) trên 52 đường bay nội, khi khách mua vé từ ngày 9 đến 11-6; Vietnam Airlines công bố triển khai mức giá vé chỉ từ 49.000 đồng/chặng (chưa gồm thuế, phí) giai đoạn từ nay đến hết ngày 30-6.

"Tôi đặt 4 vé cho cả nhà đi chơi ở Phú Quốc của Vietjet vào cuối tháng 6 này, bình quân mỗi người khoảng 500.000 đồng/vé. Mức giá này là quá rẻ. Nếu như trước đây mức vé này phải canh vì hiếm khi có và chưa chắc đã mua được thì nay lại dễ mua, dễ chọn được giờ bay đẹp" - chị Quỳnh Vy nói.

Anh Thắng - đại lý vé máy bay cấp 1 tại TP.HCM - cho biết cao điểm hè tháng 6, 7, 8 vé máy bay các chặng du lịch đang giảm 20-30% so với năm ngoái.

Trong đó, các chặng TP.HCM/Hà Nội đi Phú Quốc, Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Phú Yên có giá dao động 1-1,8 triệu đồng cho vé khứ hồi...

Việc giảm giá vé máy bay giúp cho các sản phẩm du lịch, tour nghỉ dưỡng có giá cả hợp túi tiền. Bà Đoàn Thị Lộc - phó giám đốc Saigon Tourist - cho biết giá vé máy bay thường chiếm 1/3 chi phí của tour. Các hãng hàng không tung vé giá rẻ như hiện nay, khách hàng sẽ được hưởng lợi rất nhiều.

"Trước đây, hàng không thường thiếu chỗ, các công ty lữ hành thường đưa ra những tour có giờ bay không đẹp như đi sớm, về sớm. 

Các hãng cũng linh động trong điều chỉnh chính sách như trước 10 khách mới được áp dụng vé đoàn, giờ chỉ cần 6 khách. Những điều này tạo điều kiện cho lữ hành nâng cao phục vụ, hạn chế rủi ro" - bà Lộc nói.

Theo các công ty du lịch tại TP.HCM, những chương trình kích cầu, giảm giá lên đến 50-60%. Các tour đều được nâng cao chất lượng dịch vụ nhưng giá tour không cao, chỉ bằng 70-80% giá thành so với thời điểm trước khi có dịch bệnh, nhằm đảm bảo đúng bản chất là kích cầu du lịch.

Hành khách đi máy bay của Vietjet Air tại sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Dồn dập mở đường bay, tiên phong kết nối

Để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao của hành khách, các hãng bay như Vietjet, Vietnam Airlines dồn dập mở nhiều đường bay nội địa trong tháng 6. 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Hồng Hà - phó tổng giám đốc Vietnam Airlines - cho biết hiện nay hàng không sẽ là đơn vị tiên phong đi trước với vai trò mở đường để kết nối việc đi lại, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. 

"Bất kể điểm nào có thể bay được, hãng đều cất cánh, mở tuyến bay mới" - ông Hà khẳng định. Theo kế hoạch tháng 6, Vietnam Airlines mở thêm 6-8 đường bay mới kết nối với các địa phương.

Nói về mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa du lịch và hàng không, ông Chu Việt Cường - thành viên HĐQT Vietjet - cho rằng các chương trình kích cầu nội địa là cơ hội cho khách du lịch Việt Nam khám phá những điểm đến hấp dẫn, những bãi biển hàng đầu thế giới của Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Phú Quốc... 

Không chỉ kích cầu hành khách đi lại đông đúc, ông Cường cho biết hãng còn chú trọng hỗ trợ, bán riêng cho các doanh nghiệp du lịch, lữ hành với 200.000 vé máy bay giá 0 đồng để chung tay cùng du lịch Việt Nam bứt phá trong giai đoạn hồi phục.

Với những chương trình kích cầu mạnh mẽ tới từ các hãng hàng không, lượng khách nội địa thông qua cảng hàng không tăng trưởng, nhộn nhịp trở lại. 

Ông Võ Huy Cường - phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - từng khẳng định hàng không Việt Nam không chết yểu, muốn thấy tương lai của hãng bay như thế nào: hãy đến sân bay!

TS Trần Du Lịch, thành viên tổ tư vấn của Chính phủ, cho rằng: "Hàng không Việt tới thời điểm này trụ được, chòi đạp để không chết là quá giỏi. 

Trong lúc chờ phục hồi hàng không quốc tế thì hàng không nội địa cần ưu tiên. Phối hợp "tay ba": hàng không - điểm du lịch - lữ hành để tạo các gói phát triển, xử lý những khó khăn mà tôi gọi là chòi đạp để trỗi dậy. Phải đột phá trong đột phá".

Trao đổi với Tuổi Trẻ, các hãng bay cho biết đã sẵn sàng từ nguồn lực, nhân lực để bay lại thương mại quốc tế. Thị trường hướng đến đầu tiên, dự kiến sẽ là đường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan... khi được cấp phép.

Bán tour du lịch, vé máy bay trả góp

Đại diện Vietravel cho biết công ty phối hợp với Ngân hàng Sacombank bán tour trả chậm, giúp khách hàng đi chơi với chi phí tour được trả chậm ở lãi suất 0%, không định mức giá tour.

Hãng bay dẫn đầu thị phần nội địa với 300 chuyến bay/ngày, đại diện Vietjet cho biết khách hàng có thể đăng ký mua vé máy bay trả góp trên website của hãng và lựa chọn chuyến bay như thông thường.

Đến phần thanh toán, khách hàng chọn mục "trả góp với HD SAISON" và hoàn thành một số thủ tục để được thẩm định khoản vay. Mỗi khách hàng có thể vay từ 2 tới 15 triệu đồng để mua một hoặc nhiều vé máy bay, thời gian trả góp linh hoạt từ 6 đến 18 tháng...


Đại diện Vietjet cho biết hãng vừa mở thêm 8 đường bay nội địa mới như Hà Nội - Đồng Hới (Quảng Bình), Hải Phòng - Quy Nhơn (Bình Định), Vinh - Phú Quốc và thành phố biển Đà Nẵng - Phú Quốc, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Vinh, Thanh Hóa.

Ngoài ra, hãng tung thêm 2,5 triệu vé giá 8.000 đồng trên toàn mạng nội địa, tiếp thêm sức bật để việc đi lại nhộn nhịp.

Theo dulich.tuoitre