Tại hội thảo về thương mại điện tử xuyên biên giới mới đây, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng việc xuất khẩu qua hình thức thương mại điện tử đang là "cửa sáng" trong bối cảnh đại dịch đang phức tạp, nhiều quốc gia vẫn tiếp tục "ngăn sông, cấm chợ".
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng đang gặp khó khăn. "Các đơn hàng rất mỏng", bà nói.
Hiện nhiều đối tác nhập khẩu thông báo huỷ, trì hoãn, hoặc đặt với số lượng chỉ trong 1-2 tháng. Do vậy, bà Lan nhận định, các kênh bán hàng trực tuyến đang đóng vai trò ngày càng quan trọng, không chỉ để mua sắm mà còn để xuất khẩu.
Công nhân làm việc trong một công ty may mặc ở KCN Tân Đô, Long An. Ảnh: Quỳnh Trần.
Đồng quan điểm, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) Nguyễn Thị Minh Huyền nhận xét, qua nền tảng thương mại điện tử, doanh nghiệp có thể nhanh chóng tiếp cận khách hàng ở khối thị trường lớn, khó tính như Bắc Mỹ, Nhật Bản, châu Âu. Tuy nhiên, để đẩy mạnh bán hàng, doanh nghiệp cần hiểu rõ sàn thuơng mại đã lựa chọn.
Ông Trần Xuân Thuỷ, Giám đốc Amazon Global Selling Việt Nam thông tin, tại Mỹ, tần suất mua sắm trực tuyến tăng 14% đối với mọi danh mục hàng hoá, dịch vụ. Một số khảo sát gần đây cũng cho thấy, tại các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... tỷ lệ lớn người tiêu dùng khẳng định sẽ mua hàng trực tuyến ngay cả khi đại dịch kết thúc.
Theo ông Thuỷ, Amazon là tập đoàn công nghệ và là thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới, có hơn 100 triệu người đăng ký trên toàn cầu. Do vậy, qua nền tảng này, doanh nghiệp có thể ngồi tại Việt Nam nhưng kinh doanh tại Mỹ, châu Âu...
Ông Đỗ Quang Vinh, CEO chi nhánh Tập đoàn T&T Group tại Mỹ cho biết, với dân số, thói quen mua sắm của người Mỹ, sử dụng thương mại điện tử, đặc biệt là Amazon, sẽ giúp doanh nghiệp Việt thuận tiện nhất trong tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, để thành công, doanh nghiệp cần chú trọng sản phẩm, chiến lược phù hợp.
"Các doanh nghiệp cần tìm hiểu nhu cầu thực tế của thị trường, các chính sách ưu đãi của nước bạn với nhà xuất khẩu để được hỗ trợ về thuế, lường trước được chi phí", ông Vinh nói. Mặt khác, doanh nghiệp cũng phải quan tâm đến các loại giấy phép, đặc biệt là tính toán kỹ về việc mua bản quyền thương hiệu.
Thương mại điện tử xuyên biên giới theo hình thức B2C (business to customer – doanh nghiệp đến khách hàng) đã đạt 1.300 tỷ USD trong năm 2020, vượt qua kỳ vọng trước đó là 1.000 tỷ USD. Tỷ trọng của hình thức này cũng có thể chiếm 41% trong năm nay, tăng 27 điểm % so với năm 2014. Còn quy mô của thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới được dự báo sẽ vượt qua 3.300 tỷ USD trong 2 năm tới.
Theo vnexpress