leftcenterrightdel
 Trẻ em chạy sau xe tải phun nước dọc đường phố ở Delhi - Ảnh: AFP

Cảnh báo đợt nắng nóng đã được áp dụng cho phần lớn Ấn Độ kể từ tuần trước, nhưng trong ngày 29/5, IMD cho biết nhiệt độ đáng kinh ngạc 52,9 độ C đã được ghi nhận ở vùng ngoại ô Mungeshpur.

Nhiệt độ trong ngày 29/5 cao hơn nhiều so với kỷ lục nắng nóng trước đó của quốc gia Nam Á, khi vùng sa mạc Phalodi của bang Rajasthan từng đạt mức nhiệt 51 độ C vào năm 2016.

Nhiều người dân cho biết họ bị sốc nhiệt, có người còn cho thấy ngón tay của họ bị cháy sém khi chạm vào vô lăng ô tô và tay đỏ ửng khi chạm vào nước máy bị nung nóng bởi nhiệt độ ngoài trời.

Trước đó, ngày 28/5, nhiệt độ ở Mungeshpur và Narela cũng đã lên mức 49,9 độ C, phá vỡ kỷ lục 49,2 độ C năm 2002.

Các chuyên gia đánh giá cuộc khủng hoảng khí hậu đang khiến các đợt nắng nóng kéo dài hơn, thường xuyên hơn và dữ dội hơn.

Trước tình hình nắng nóng gay gắt, chính quyền Delhi cũng ban hành cảnh báo về nguy cơ thiếu nước. Các nhà chức trách kêu gọi người dân chấm dứt việc sử dụng nước lãng phí.

Để giải quyết vấn đề khan hiếm nước, chính quyền đã thực hiện một loạt biện pháp như giảm nguồn cung cấp nước từ 2 lần/ngày xuống còn 1 lần/ngày ở nhiều khu vực. Lượng nước tiết kiệm được sẽ được phân bổ và cung cấp cho những khu vực thiếu nước, nguồn cung cấp nước chỉ hoạt động kéo dài 15 - 20 phút mỗi ngày.

Tại bệnh viện SMS ở bang Rajasthan, rất nhiều thi thể thiệt mạng vì nắng nóng đã được đưa đến nhà xác. Cảnh sát thành phố cho biết, hầu hết các nạn nhân là người vô gia cư và những người lao động nghèo làm việc ngoài trời.

Theo phụ nữ TPHCM