Đây sẽ là án tử hình phụ nữ đầu tiên kể tử khi đất nước này chính thức giành độc lập khỏi Anh vào năm 1947.
Shabnam Ali, 38 tuổi, bị kết án tử hình vì giết 7 thành viên trong chính gia đình cô vào tháng 4/2008. Toà án đã kết tội Shabnam cùng người tình, Saleem, gây án.
Cả hai có quan hệ tình cảm với nhau và muốn kết hôn nhưng bị gia đình Shabnam phản đối.
Cặp đôi đã đánh thuốc mê các thành viên trong gia đình Shabnam, gồm cha, mẹ, hai người anh em trai và vợ của họ trước khi giết tất cả bằng rìu tại nhà riêng ở Amroha, cách thủ phủ Lucknow 380 km, toà án cho biết. Shabnam - từng là giáo viên tiểu học - lúc này đã có thai với Saleem, sau đó còn nhẫn tâm bóp cổ đứa cháu 10 tháng tuổi của mình.
|
Shabnam Ali bị kết án tử hình vì sát hại 7 người trong gia đình vào tháng 4/2008. Ảnh:Twitter. |
Toà án địa phương ở Amroha đã kết án tử hình đối với cặp đôi vào năm 2010. Sau đó, toà án cấp cao tại bang Allahabad giữ nguyên bản án. Sau khi bản kháng cáo lên toà án tối cao bị bác bỏ vào năm 2015, “đơn xin ân xá” của Shabnam cũng bị Tổng thống Ấn Độ lúc bấy giờ là Pranab Mukherjee không chấp nhận vào năm 2016.
Vào tháng 1 vừa qua, Toà án Tối cao Ấn Độ cũng đã bác bỏ nguyện vọng xin ân xá của Shabnam.
Tuần trước, truyền thông địa phương dẫn lời giới chức trách nhà tù quận Mathura, cơ sở duy nhất ở Ấn Độ được giao nhiệm vụ hành quyết các nữ tù, cho biết họ đang chuẩn bị để tử hình Shabnam. Tuy nhiên, ngày tử hình chưa được xác nhận do toà án Amroha chưa đưa ra lệnh chính thức.
“Chúng tôi đã chuẩn bị dây thừng và chỉ còn đợi lệnh tử hình từ toà thì mới có thể tiến hành xử tử Shabnam bằng hình thức treo cổ”, quan chức cấp cao nhà tù Mathura cho biết.
Con trai của Shabnam và Saleem tên là Tạj, 12 tuổi, đang cố gắng để cứu mẹ mình khỏi án treo cổ. Taj chào đời ở trong tù và đang sinh sống cùng với cha mẹ nuôi. Cậu bé đã gửi đơn thỉnh cầu đến Tổng thống Ram Nath Kovind xin xem xét lại đơn ân xá của mẹ mình.
Trong khi đó, chú của Shabnam nói với truyền thông địa phương rằng sẽ không nhận lại thi thể của người cháu gái này sau khi án tử hình được thực thi.
"Hành vi phạm tội này không thể tha thứ được”, ông nói.
Từ khi Ấn Độ giành độc lập vào năm 1947, bang Uttar Pradesh chiếm đa số các vụ tử hình ở nước này. Theo các số liệu thống kê của Đại học Luật Quốc gia ở Delhi, 354 người đã bị tử hình tại bang đông dân nhất của Ấn Độ này, cao thứ hai là ở Haryana với 90 người tử hình, tiếp đó là ở Madhya Pradesh với 73 vụ. Chỉ tính riêng trong năm 2018, các toà án ở Ấn Độ đã tuyên 162 án tử hình - nhiều nhất trong vòng hai thập kỷ gần đây.
Theo Zing