Tình hình tại quốc gia này đang được nhiều nước theo dõi chặt chẽ. Vấn đề đặt ra là liệu các nền kinh tế lớn, với tỷ lệ tiêm chủng cao, có thể trở lại cuộc sống bình thường ở thời điểm này? Liệu Covid-19 có trở thành mầm bệnh theo mùa như cúm - dễ kiểm soát và ít ảnh hưởng đến hoạt động xã hội?
Tại Anh, hầu như các lệnh hạn chế phòng dịch đã được dỡ bỏ hôm 19/7. Người dân được tự lựa chọn có nên đeo khẩu trang tại các hộp đêm hoặc buổi tụ tập đông đúc hay không.
Sự thay đổi khiến số ca nhiễm tăng nhanh. Anh ghi nhận khoảng 50.000 trường hợp dương tính mỗi ngày, nhiều hơn Brazil, Ấn Độ, Indonesia hoặc Nam Phi. Tuy nhiên, chính phủ cho biết tỷ lệ nhập viện và tử vong thấp hơn nhiều so với các đợt dịch trước đó.
Chiến lược này đi ngược so với các nước láng giềng châu Âu, hoặc quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao khác như Mỹ hoặc Israel. Tại đây, chính phủ triển khai song song chương trình vaccine và các biện pháp y tế công cộng, chẳng hạn đeo khẩu trang hoặc giãn cách xã hội để ngăn ngừa biến thể Delta.
Nhiều nước theo dõi chặt chẽ xu hướng phát triển của Covid-19 tại Anh nhằm đưa ra các quyết định đúng đắn.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết Delta đã chiếm 83% số mẫu virus được giải trình tự. Ran Balicer, người đứng đầu ban cố vấn về Covid-19 ở Israel, hôm 20/7 khuyến nghị chính phủ hành động thận trọng trong vài tuần tới để nghiên cứu tình hình.
"Chúng tôi có thể thu được nhiều bài học (từ Anh) và liệu đường ứng phó", giáo sư Balicer cho biết.
Các chuyên gia cho rằng nếu số ca nhập viện ở Anh vẫn ổn định ở mức thấp trong nhiều tuần tới, các nước phát triển có thể học hỏi và tiến gần hơn đến cuộc sống bình thường mới. Song trong trường hợp dịch bệnh tái bùng phát, mục tiêu này vẫn còn xa.
Đằng sau quyết định đột phá của Anh là niềm hy vọng rằng vaccine và sự thận trọng của cộng đồng sẽ ngăn kịch bản mùa hè năm ngoái lặp lại, khi số ca nhập viện và tử vong tăng cao.
Châu Âu ưu tiên tăng cường tiêm chủng bao phủ, cố gắng giữ Delta trong tầm kiểm soát bằng biện pháp đeo khẩu trang và giãn cách xã hội. Pháp và Italy đang xem xét yêu cầu người muốn vào bảo tàng, nhà hàng và tham gia các hoạt động cộng đồng xuất trình chứng nhận tiêm chủng, âm tính nCoV hoặc từng khỏi Covid-19 trong vòng 6 tháng.
Tại Nga, chính quyền ít nhất 41 khu vực, bao gồm Moskva, đã bắt buộc tiêm chủng với nhân lực ngành dịch vụ, bao gồm nhà hàng, quán bar, vận tải, cửa hàng, nhà ở,...
Thủ tướng Anh Boris Johnson và các cố vấn khoa học tin rằng việc tiêm chủng sẽ đưa nước này đến gần hơn với miễn dịch cộng đồng, khi virus không còn là mối đe dọa. Hiện hai phần ba dân số trưởng thành đã tiêm chủng đầy đủ, cao hơn so với 60% tại Mỹ. Cơ quan Thống kê Anh ước tính 92% người lớn có miễn dịch một phần, hoặc từng nhiễm nCoV trong quá khứ.
Thực tế, kế hoạch mở cửa trở lại đã vấp phải nhiều chỉ trích từ các chuyên gia y tế công cộng. Hàng chục người ký thư ngỏ gửi đến các tạp chí y khoa, gọi chiến lược của chính phủ là liều lĩnh và phi nhân đạo. Họ cho rằng giới chức để nhiều người nhiễm bệnh một cách không cần thiết, gây nguy cơ xuất hiện biến thể mới, làm giảm hiệu quả vaccine.
Giáo sư Hendrik Streeck, chuyên gia virus của Đại học Bonn, cho biết: "Tôi tin rằng đây là phép thử khá nguy hiểm".
Đáp trả các chỉ trích, chính phủ Anh cho biết chương trình tiêm chủng đủ sức giữ số ca nhập viện và tử vong ở mức thấp hơn nhiều so với các đợt bùng phát trước đây.
Hiện nước này ghi nhận khoảng 600 ca nhập viện và 40 trường hợp tử vong mỗi ngày. Hồi tháng 1, thời kỳ chết chóc nhất, số ca ngày đạt đỉnh khoảng 60.000. Lượng người nhập viện lên tới 4.000 và ca tử vong là 1.200 người.
Bác sĩ cho biết phần lớn người nhập viện giờ đây trẻ tuổi, chưa tiêm chủng hoặc đang chờ tiêm liều thứ hai. Khoảng 14% là người trên 50 tuổi đã tiêm chủng đầy đủ. Đây là dấu hiệu cho thấy ngay cả sau khi đã tiêm vaccine, nhiều người cao tuổi vẫn nhiễm nCoV.
Số ca mắc trung bình trong 7 ngày ở Anh là khoảng 47.700, gấp hai lần so với cuối tháng 6, gấp 14 lần cuối tháng 5. Bộ trưởng Y tế Sajid Javid cảnh báo con số có thể lên tới 100.000 người mỗi ngày trong vài tuần.
David Strain, bác sĩ Đại học Exeter ở Anh, từng điều trị bệnh nhân Covid-19, cho biết ông đã đưa một người ở độ tuổi 30 vào khu hồi sức tích cực tuần này, chưa rõ liệu bệnh nhân có thể sống sót hay không.
"Tôi rất lo lắng về cách tiếp cận của Anh. Chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào vaccine, nhưng chỉ vaccine thôi là không đủ", ông nói.
Theo vnexpress