Mặc dù Singapore là một trong những thành phố có tỷ lệ tử vong do Covid-19 thấp nhất thế giới, 5,7 triệu người dân của đất nước vẫn chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch bởi những hạn chế được áp đặt lặp đi lặp lại mỗi lần có đợt bùng phát dịch mới.
Từ 19/7, Singapore ra quy định người chưa tiêm vaccine và không có kết quả xét nghiệm âm tính chỉ có thể ăn uống ở nhà hàng một mình hoặc theo cặp. Những người đã tiêm chủng đầy đủ có thể đi theo nhóm lên đến 5 người. Giới chức khẳng định biện pháp là cần thiết để đối phó ổ dịch mới liên quan đến các quán karaoke chui.
Giới chức trong những tuần gần đây nhấn mạnh Singapore nên bắt đầu suy nghĩ về việc coi Covid-19 là bệnh dịch thông thường sau khi chương trình tiêm chủng đạt đến ngưỡng quan trọng. Dù công bố biện pháp mới, giới chức Singapore khẳng định họ sẽ bám sát kế hoạch sống chung với virus, dù họ mô tả đợt bùng phát là "bước lùi lớn".
Các bộ trưởng khẳng định khi phần lớn dân số được tiêm chủng, Covid-19 sẽ trở thành một căn bệnh ít lây lan và ít gây tử vong hơn. Singapore dự tính 50% dân số sẽ được tiêm chủng đầy đủ vào cuối tháng 7 và 66% vào ngày 9/8.
Singapore đã vạch ra những nét chính của kế hoạch sống chung với Covid-19, trong đó mấu chốt vẫn là tăng cường xét nghiệm, truy vết tiếp xúc và tiêm chủng. Ngoài ra, họ dự kiến không tập trung vào số ca mới hàng ngày mà hướng tới thống kê số lượng bệnh nhân cần đặt nội khí quản hoặc những người cần vào khu điều trị tích cực.
Cách Thủ tướng Lý Hiển Long và đảng Hành động Nhân dân (PAP) của ông thực hiện kế hoạch có thể sẽ được Hong Kong, Australia và các nền kinh tế khác đã theo đuổi chính sách "không ca nhiễm" (cố gắng dập dịch triệt để bằng biện pháp gắt gao) theo dõi sát sao.
Trọng tâm chú ý hiện giờ sẽ là cụm dịch liên quan đến các quán karaoke. Cụm dịch này là đợt bùng phát lớn nhất ở Singapore ngoài đợt lây nhiễm trong các ký túc xá dành cho công nhân nhập cư vào năm ngoái. Giới chức lo lắng rằng khách hàng tại các quán này sẽ truyền bệnh cho những người lớn tuổi chưa được tiêm phòng trong gia đình.
Bilveer Singh, nhà quan sát PAP lâu năm, gợi ý rằng thúc đẩy chính sách "dịch bệnh thông thường" có thể đem về lợi ích chính trị thay vì lại áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt mới. Xét cho cùng, "mọi người đều đã chán ngấy với việc cứ phải chờ đợi mở cửa", Singh, nhà khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cho biết.
Chong Ja Ian, cũng là nhà khoa học chính trị của NUS, cho biết sự thay đổi trong chiến lược sẽ được hoan nghênh bởi nhóm dân số đã chịu ảnh hưởng nặng vì các biện pháp giãn cách xã hội, như chủ cửa hàng bán lẻ nhỏ và quầy hàng ẩm thực. "Mặt tích cực là cố gắng thúc đẩy nền kinh tế và sinh kế của mọi người", ông nói.
Các chuyên gia đánh giá nếu các quốc gia khác muốn học theo Singapore, họ cũng cần đạt được mức tiêm chủng cao mà nước này dự kiến vào tháng 8. Một số nơi có thể không làm được điều đó, bao gồm các nước láng giềng Đông Nam Á, vì vấn đề về nguồn cung và công chúng do dự với vaccine.
Kế hoạch mở cửa trở lại của Singapore đã khiến nhiều nền kinh tế ở châu Á ghen tỵ. Trên mạng xã hội, nhiều người Australia, Indonesia và Philippines chia sẻ video tuyên truyền "hãy xét nghiệm, hãy truy vết, hãy tiêm phòng" của Singapore với những bình luận kêu gọi chính phủ của họ học theo Singapore.
Erik Baekkeskov, giảng viên về chính sách công tại Đại học Melbourne, nói rằng nếu việc mở cửa trở lại của các quốc gia gây tác động đến tâm lý công chúng ở Australia, điều đó sẽ gây áp lực cho chính phủ hình thành kế hoạch thoát khỏi Covid-19. "Nhiều người Australia rất mong muốn trở lại bình thường", ông nói.
Nhà dịch tễ học Alexandra Martiniuk từ Đại học Y tế Công cộng Sydney cho biết Australia từng tính đến chuyện mở cửa khi chứng kiến những nơi như Anh, Mỹ, Canada và Israel dỡ bỏ hạn chế. Nhưng với tỷ lệ tiêm chủng thấp, họ sau đó lại tập trung vào dập dịch cho đến khi tỷ lệ tiêm chủng tăng lên.
Australia là một trong những quốc gia kiên trì với chính sách "không ca nhiễm" và chính phủ cam kết đóng cửa biên giới cho đến giữa năm 2022. Nhà lý luận chính trị Tim Soutphommasane từ Đại học Sydney mô tả chương trình triển khai vaccine của Australia là "thảm họa", nhấn mạnh rằng chỉ 9% dân số nước này được tiêm chủng đầy đủ. "Australia vẫn rất dễ bị tổn thương bởi nCoV vì nước này có tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 chậm nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Nhiều nền kinh tế khác ở trong tình trạng tương tự. Trong khi Malaysia đã tăng cường đáng kể tiêm chủng trong những ngày gần đây, với 400.000 mũi hàng ngày trong tuần này, họ mới chỉ tiêm được 11% trong tổng số 33 triệu dân. Tỷ lệ tiêm chủng của Indonesia cũng thấp, với chỉ 5,5% dân số được tiêm chủng.
Tại Đài Loan, 73.000 người đã được tiêm chủng đầy đủ trong tổng số hơn 23 triệu dân. Mặc dù Hong Kong đã triển khai tốt hơn, họ đã tiêm phòng đầy đủ cho khoảng 1/4 dân số 7,5 triệu dân và gần như không ghi nhận ca mới, giới chức thành phố vẫn giữ cách tiếp cận "không ca nhiễm".
Các nghị sĩ Hong Kong tuần trước kêu gọi hủy thỏa thuận đi lại không cách ly với Singapore, sau khi biết Singapore đang lên kế hoạch coi Covid-19 là dịch bệnh thông thường.
Để chuyển sang cách tiếp cận giống Singapore, các nhà hoạch định phải sẵn sàng chấp nhận rủi ro chính trị nếu chính sách thất bại. Tại Singapore, các nhà phân tích cho rằng quỹ đạo của chính sách đại dịch có thể liên quan đến sự chuyển đổi lãnh đạo sẽ diễn ra sau này.
Một số bộ trưởng, gồm Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong, Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung và Bộ trưởng Giáo dục Chan Chun Sing nằm trong số các ứng viên kế nhiệm Thủ tướng Lý Hiển Long.
Một số nhà bình luận cho rằng các ứng viên có thể có quan điểm khác nhau về việc tái mở cửa, những người làm về mảng kinh tế có thể mong muốn mở cửa nhanh hơn trong khi những người chuyên về lĩnh vực xã hội, y tế có thể nghiêng về phương án thận trọng.
Singh cho biết Thủ tướng Lý Hiển Long, 69 tuổi, sẽ rất muốn có di sản là đã lèo lái thành công đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng khó khăn nhất kể từ khi giành độc lập. Singh nhận định bài phát biểu sắp tới của ông Lý vào ngày Quốc khánh 22/8 sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về suy nghĩ của ông.
"Mỗi khi Singapore gặp khủng hoảng, PAP đều vượt qua. Đó là phương châm và cũng là câu chuyện họ muốn thể hiện", ông nói. "Thủ tướng sẽ cố gắng đạt được càng nhiều di sản càng tốt".
Ben Cowling, giáo sư dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng của Đại học Hong Kong, nhận định hầu hết các nơi trên thế giới sẽ sớm lên kế hoạch chung sống với virus, đồng thời dự đoán nhiều chính phủ sẽ bắt đầu nới lỏng các biện pháp như cách ly và giãn cách xã hội trong 6-12 tháng tới.
Giáo sư nói rằng mô hình của Singapore "rất hợp lý". "Họ có thể tăng ca nhiễm sau khi nới lỏng chính sách nhưng với tỷ lệ bao phủ vaccine cao, đặc biệt ở người lớn tuổi, sẽ không có lượng lớn người cần nhập viện hoặc tử vong do Covid-19", ông nhận xét.
Theo vnexpress