Chính phủ Italy hôm 9/3 ra lệnh phong tỏa toàn quốc và cấm hơn 60 triệu dân di chuyển giữa các thành phố nhằm ngăn Covid-19 lâu lan. Số ca nhiễm ở Italy hiện hơn 10.000, biến nước này thành vùng dịch lớn thứ hai trên thế giới.
"Những gì vừa xảy ra với chúng tôi giống như một quả bom phát nổ", giáo sư Giacomo Grasselli, người điều phối mạng lưới đơn vị chăm sóc đặc biệt ở vùng Lombardy, miền bắc Italy, nói về Covid-19 bùng phát ở nước này. "Tôi sẽ rất cẩn thận trong giai đoạn này bởi nó lây lan rất nhanh, như một đám cháy".
Trước dịch bệnh làm tê liệt Italy, cựu bác sĩ người Anh Adam Kat cảnh báo trong bài đăng Twitter rằng Anh sẽ chứng kiến tình hình như Italy hiện nay trong "hai tuần tới". Anh hiện mới ghi nhận gần 400 ca nhiễm nCoV.
"Quỹ đạo của dịch bệnh ở Anh gần như tương đương với miền bắc Italy, chỉ chậm hơn khoảng 2-3 tuần", Francis Balloux, giáo sư sinh học Đại học London, cảnh báo. Theo ông, trong chưa đầy một tháng tới, Anh có thể phải đối mặt với lệnh phong tỏa như những gì Italy đang áp dụng.
|
Bệnh nhân Covid-19 được đặt nằm sấp để dễ hô hấp hơntại bệnh viện Cremona ở miền bắc Italy hôm 9/3. Ảnh:Reuters. |
Sau khi các trường hợp nhiễm nCoV xuất hiện ở các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết thuộc miền bắc Italy, nhiều thị trấn ở khu vực này đã bị phong tỏa và sau đó là toàn bộ đất nước. Người dân Italy có thể bị kết án tù nếu cố tình vi phạm lệnh phong tỏa, các trường học bị đóng cửa, giải bóng đá chuyên nghiệp Serie A bị dừng, giao thông công cộng đình trệ, các bảo tàng cùng các sự kiện lớn giới hạn công chúng.
Anh cho đến nay không thực hiện bất kỳ biện pháp quyết liệt nào để ngăn virus lây lan, trong khi giới chức bày tỏ tin tưởng rằng họ có thể ngăn chặn dịch bệnh. Tuy nhiên, giáo sư Mark Handley thuộc Đại học London đã xây dựng một biểu đồ cho thấy Covid-19 ở Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Mỹ và Thụy Sĩ đều đang đi theo cùng một quỹ đạo như Italy. Các quốc gia này đều chứng kiến mức tăng ca nhiễm mới hàng ngày khoảng 33%.
Giáo sư Handley so sánh các nước này với Nhật Bản, nơi tốc độ tăng thấp hơn đáng kể và trường hợp được chẩn đoán lâu hơn. "Các nước khác sẽ giống Italy trong thời gian 9-14 ngày", ông nói.
Phó giám đốc Cơ quan Y tế Công cộng Anh Jenny Harries dự đoán hàng nghìn người sẽ bị nhiễm nCoV. Hầu hết mọi người chỉ bị nhẹ và không cần trợ giúp y tế, trong khi một số người khác có thể phải nhập viện và một tỷ lệ nhỏ sẽ bị viêm phổi, dẫn đến tử vong.
"Chúng ta hiện ghi nhận khá ít ca nhiễm, đó là lý do chúng ta vẫn trong giai đoạn ngăn chặn (bước đầu tiên trong kế hoạch hành động của chính phủ)", ông nói. "Nhưng rồi chúng ta sẽ có số ca nhiễm lớn chưa từng thấy, ngay cả với những người được đào tạo chuyên nghiệp như chúng tôi".
Ông cho rằng rất đông dân số Anh sẽ bị nhiễm vì họ không hiểu rõ về nCoV và chưa ai có kháng thể với loại virus này. "Chúng ta sẽ thấy hàng nghìn người bị nhiễm nCoV như đang thấy ở các quốc gia khác. Điều quan trọng là đảm bảo rằng chúng ta kiểm soát tốt các ca lây nhiễm đó".
Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 9/3 phải đối mặt với phản ứng dữ dội sau khi ông không quyết định nâng cấp phản ứng của chính phủ đối với Covid-19, bất chấp khuyến cáo Anh có thể đối mặt với một đợt bùng phát dịch đáng kể. Phát ngôn viên của Thủ tướng Anh cho rằng nước này vẫn đang trong giai đoạn ngăn chặn dịch, chưa chuyển sang giai đoạn ngăn ngừa lây nhiễm trong cộng đồng.
Người phát ngôn của Johnson nói rằng phản ứng của chính phủ Anh dựa trên các khuyến cáo khoa học. "Từ khi dịch bùng phát, tất cả các quyết định của chúng tôi đều dựa trên những thông tin khoa học tốt nhất hiện có và chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy", ông nói.
Tuy nhiên, cựu bộ trưởng Phát triển Quốc tế Anh Rory Stewart cho biết dựa trên tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc và dịch Ebola ở châu Phi mà ông từng trải nghiệm, Thủ tướng Johnson không thể chờ đợi thêm nữa. "Chính phủ cuối cùng cũng sẽ phải ra lệnh đóng cửa trường học. Chúng ta nên làm điều đó vào ngày mai", Stewart cho biết hôm 10/3.
Theo vnexpress