Nhà chức trách bắt đầu thiêu hủy gia cầm và kiểm soát chống lây lan cúm gia cầm tại các ổ bệnh - Ảnh: Sky News

Cúm gia cầm là tên dùng để chỉ một loạt các chủng virus lây nhiễm cho các loài gia cầm và chim. Bệnh xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2007, nhưng hiếm khi lây từ gia cầm sang người.

Chính phủ Anh xác nhận, cơ quan chức năng bắt đầu thiêu hủy gia cầm và kiểm soát chống lây lan cúm gia cầm tại các ổ bệnh mới phát hiện. Nhà chức trách cho biết họ đang thực hiện "hành động ngay lập tức và mạnh mẽ" sau khi phát hiện chủng cúm gia cầm H5N8 ở Herefordshire và Cheshire, còn ở Kent phát hiện chủng H5N2.

Đây là những chủng cúm gia cầm độc lực cao đã được báo cáo ở châu Âu trong vài tuần qua. Hai trường hợp cúm gia cầm H5N8 được xác nhận tại các trang trại ở bang Schleswig-Holstein của Đức và hôm 11/11, nhà chức trách y tế Hà Lan đã ra lệnh tiêu hủy 48.000 con gà sau một đợt bùng phát riêng biệt.


Các loài chim hoang dã được cho có thể là tác nhân lây lan bệnh. Việc kiểm tra ở Cheshire xác nhận ổ dịch ở đây thuộc "chủng virus độc lực cao" có liên quan đến virus hiện đang tồn tại ở lục địa châu Âu, điều đó dẫn đến quyết định tiêu hủy 13.000 con gia cầm tại địa phương.

Chính phủ Anh đã bắt tay vào điều tra nguồn gốc căn bệnh theo từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, nhà chức trách cũng cảnh báo tất cả các khu vực ở Vương quốc Anh đều có nguy cơ xảy ra dịch cúm gia cầm đối với các loài chim hoang dã.

Đợt bùng phát cúm gia cầm trước đó (làn sóng thứ hai) xảy ra ngày 10/12/2019 tại một trang trại nuôi gà thương mại ở quận Mid Suffolk.

Trước đó, chủng cúm gia cầm H5N6 đã được xác nhận trên 21 con chim hoang dã từ tháng 1 đến tháng 6/2018, nhưng chưa có trường hợp nào ở gia cầm.

Theo Cơ quan Y tế Quốc gia Anh Quốc (NHS), cho đến nay, chủng H5N8 chưa lây nhiễm cho bất kỳ người nào trên toàn thế giới, trong khi H5N6 chưa lây nhiễm cho bất kỳ ai ở Anh và không dễ lây lan từ người sang gia cầm.

Theo phunuonline.com.vn