leftcenterrightdel
 Một nhóm biểu tình bên ngoài trụ sở cảnh sát Anh ở London

Gần đây, bà Patel đã khảo sát ý kiến của nhiều người dân Anh về hướng giải quyết nạn bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em gái ở nước này và đã nhận được phản hồi từ khoảng 180.000 người. Phần lớn những phản hồi này được đưa ra sau vụ án Sarah Everard - một phụ nữ 33 tuổi, đã bị cảnh sát bắt giữ, cưỡng hiếp và sát hại dã man vào tháng 3 năm nay - gây chấn động dư luận nước Anh. Nhiều người được lấy ý kiến đã cho biết họ thường xuyên bị quấy rối nơi công cộng mỗi ngày.

Theo một cuộc khảo sát do YouGov - một công ty nghiên cứu dữ liệu và phân tích thị trường dựa trên Internet của Anh - thực hiện ở nước này đầu năm nay, hơn một nửa số phụ nữ được hỏi cho biết đã từng bị quấy rối tình dục trên các phương tiện giao thông công cộng ở London. Hành vi phạm tội phổ biến nhất là bị một người lạ cố tình đụng chạm. Hàng chục ngàn vụ quấy rối trên xe buýt và tàu điện ngầm không được báo cáo.

Tuần trước, Thủ tướng Anh tuyên bố sẽ không ủng hộ bất kỳ đạo luật mới nào về giải quyết nạn bạo lực đối với phụ nữ, đồng thời khẳng định rằng các đạo luật hiện hành đã “rất nhiều” (đủ để chống lại các hành vi này). Điều này đã gây ra sự bất an trong Bộ Nội vụ.


Các nguồn tin cho rằng Thủ tướng Anh đã hoàn toàn không hiểu được sự phẫn nộ của công chúng sau vụ sát hại Everard và gần đây là Sabina Nessa, cả hai đã bị tấn công khi đi bộ trên phố ngay giữa thủ đô.

“Xử lý vấn nạn quấy rối và bạo hành phụ nữ theo kiểu “đánh trống bỏ dùi” đang thật sự là một vấn đề lớn. Nhưng chúng tôi sẽ theo đuổi cuộc đấu tranh này đến cùng. Nhiều người đã sẵn sàng dùng thế lực chính trị của mình để bảo vệ công lý và Bộ trưởng Nội vụ là một trong số đó”, một quan chức cao cấp của Bộ Nội vụ cho biết.

Bất chấp tuyên bố của Thủ tướng Anh, quan chức Bộ Nội vụ Anh hiện đang xem xét ở góc độ pháp luật đối với các hành vi quấy rối tình dục nơi công cộng.

“Chúng tôi đang xem xét kỹ lưỡng những kẽ hở có thể có trong luật hiện hành liên quan đến quấy rối tình dục nơi công cộng và tìm cách khắc phục những điểm này”, theo chiến lược của bà Patel nhằm giải quyết nạn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, được công bố vào tháng 7.

“Trong năm nay, hàng chục ngàn phụ nữ, trẻ em gái ở Anh đã báo với Bộ Nội vụ về việc đã bị quấy rối và bạo hành. Nhiều bé gái chỉ mới 10 tuổi đang bị quấy rối và cuộc sống của hàng triệu người trong số đó đang bị xáo trộn vì những hành vi này.

Quấy rối tình dục nơi công cộng đang ngày càng phổ biến, và phải được ngăn chặn. Bộ Nội vụ nhận thấy hiện đang có những lỗ hổng thực sự trong luật pháp, khiến cho trẻ em gái không được bảo vệ đầy đủ để tránh khỏi những hành vi này”, Georgina Laming, Giám đốc phụ trách các chiến dịch của Plan International UK - một tổ chức từ thiện vì quyền trẻ em, lên tiếng.

Nhiều nhóm phụ nữ ở Anh hiện cũng phản ảnh nạn quấy rối như một vấn đề liên quan đến phân biệt chủng tộc. “Dữ liệu của chúng tôi cho thấy phần lớn các cô gái da màu đã từng bị quấy rối tình dục nơi công cộng, và 1/6 những người này cho biết đã bị quấy rối do sắc tộc của mình. Quấy rối tình dục nơi công cộng đang là vấn đề hết sức nghiêm trọng. Khi các cô gái bị tiếp cận trong các không gian công cộng, họ có thể bị đe dọa, bạo hành và chịu đựng các hành vi kích dục”, bà Laming nói thêm.

Theo phunuonline