Rini Widiastuti (50 tuổi), giáo viên dạy múa cổ điển người Java, đã phản đối việc bắt buộc đội khăn hijab (khăn trùm đầu và ngực của phụ nữ Hồi giáo khi tiếp xúc với đàn ông) trong nhiều năm, theo SCMP.

Bản thân và gia đình theo đạo Hồi, Widiastuti vẫn lo lắng khi ngày càng nhiều phụ nữ đội kiểu khăn này do áp lực xã hội hoặc tự nguyện.

leftcenterrightdel
Học sinh tại một lớp học ở Indonesia. Ảnh: AFP 

Áp lực dai dẳng

Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), 75% phụ nữ Hồi giáo ở Indonesia đội hijab, con số này chỉ là 5% vào cuối những năm 1990, khi đạo Hồi lan rộng toàn quốc.

Việc xu hướng trên ảnh hưởng đến nữ sinh đã thúc đẩy Widiastuti chống lại chính quyền nhiều lần.

Năm 2014, bà bất bình vì trường tiểu học của cháu gái ép các bé mặc hijab. 5 năm sau, khi Widiastuti chuyển cháu đến trường học khác gần nhà, cô bé nhận được thư thông báo bắt buộc mặc hijab từ hiệu trưởng.

Để phản đối, Widiastuti chia sẻ lá thư lên mạng xã hội và nhận được sự chú ý rộng rãi. Phần thắng thuộc về Widiastuti khi cháu gái bà không phải đội hijab đến trường, nhưng bà vẫn bị chỉ trích bởi hàng xóm và nhiều phụ huynh khác.

Vấn đề kéo dài cho đến khi cháu gái Widiastuti học trung học cơ sở.

“Dù cả gia đình theo đạo Hồi, nhưng chúng tôi không coi hijab là một phần biểu hiện văn hóa của mình. Nếu tôi muốn cháu đội nó, tôi đã gửi cho bé đến trường học tôn giáo”, bà nói.

“Cháu tôi đã quyết tâm chỉ đeo hijab trong lớp học tôn giáo từ lúc học trung học cơ sở. Nhà trường nói với chúng tôi đó là điều tối thiểu. Nhưng con bé liên tục bị các bạn và giáo viên bắt nạt, nên cháu bắt đầu đeo nó thường xuyên hơn. Đến cuối tháng thứ 2, con bé đội hijab hàng ngày”, Widiastuti kể lại.

Cháu gái bà quyết định ở nhà vì không thể chịu được những vụ bắt nạt không ngừng ở trường.

leftcenterrightdel
 Rini Widiastuti đã đấu tranh chống lại các quy định bắt buộc về hijab trong nhiều năm. Ảnh: Handout

Câu chuyện của Widiastuti không phải trường hợp duy nhất.

Cuối tháng 7, mạng xã hội Indonesia tràn ngập tin tức về sự việc nữ sinh giấu tên ở Yogyakarta suy nhược thần kinh vì bị giáo viên ép đội hijab.

“Chính quyền tỉnh phải đảm bảo điều này sẽ không lặp lại. Mọi công dân đều có quyền tự do tôn giáo của mình”, Eko Suwanto, thành viên hội đồng khu vực Yogyakarta, lên án vụ việc.

Sau đó, chính quyền địa phương cảnh báo xử phạt các trường học buộc nữ sinh đội hijab.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng chính những luật lệ của khu vực là nguyên nhân thúc đẩy nhà trường đặt ra quy định này.

Andreas Harsono, nhà nghiên cứu tại HRW, cho biết hành động ép buộc trên vi phạm nhân quyền của nữ sinh.

Chờ đợi sự thay đổi

Đã có nhiều quy định khác nhau về đồng phục học sinh tại Indonesia trong 4 thập kỷ qua.

Năm 1982, Bộ trưởng Bộ Giáo dục (khi đó là) Daoed Joesoef ra nghị định cấm kiểu khăn này ở trường học. Năm 1991, Bộ trưởng Bộ Giáo dục (khi đó là) Fuad Hassan ban hành quy định mới cho phép học sinh Hồi giáo mặc trang phục tôn giáo lần đầu tiên.

Năm 2014, cựu Bộ trưởng Muhammad Nuh ban sắc lệnh chi tiết về “đồng phục học sinh Hồi giáo”. Cách diễn đạt mơ hồ khiến nhiều trường học coi đây là tín hiệu bắt buộc đội hijab.

Tuy nhiên, ông Nuh phủ nhận suy nghĩ trên vào năm 2019.

“Bất kỳ cô gái Hồi giáo nào cũng có quyền mặc jilbab hoặc không. Không có vấn đề gì nếu một nữ sinh Hồi giáo chọn không mặc đồng phục jilbab”, ông nói.

leftcenterrightdel
 Ngày càng nhiều phụ nữ cảm thấy áp lực khi phải mặc trang phục tôn giáo. Ảnh: Reuters

Đối với các nữ sinh Indonesia, câu nói của ông là sự lý giải muộn màng.

Tháng 1/2021, cư dân mạng lan truyền video ghi lại cảnh cha mẹ một nữ sinh theo đạo Thiên chúa ở thành phố Padang, tranh cãi với cô giáo. Giáo viên này khăng khăng cô gái phải đội hijab dù không theo đạo Hồi.

Tháng sau, trước phản ứng dữ dội của công chúng về vụ việc, chính quyền ban hành nghị định chung lên án hành vi ép buộc học sinh đội hijab.

Nghị định cho phép học sinh và giáo viên lựa chọn trang phục khi đến trường dù có hay không "tính chất tôn giáo".

Harsono nhận xét nghị định này không có hiệu quả do tồn tại ít nhất 2 quy định cấp quốc gia, khoảng 60 quy định cấp khu vực và hàng nghìn quy định các trường học trên toàn quốc ban hành ủng hộ việc đội hijab.

Theo ông, sự ép buộc này cũng tồn tại ở các cơ quan hành chính.

Ifa Hanifah Misbach, cựu giảng viên đại học cho biết vào năm 2004, rất nhiều đồng nghiệp đã áp lực cô về chuyện này, dù không có quy định nào.

“Tôi trở thành tâm điểm bàn tán của đồng nghiệp. Khi áo khoác của tôi vô tình bị lật lên một lần, mọi người bắt đầu lan truyền và nhìn tôi với ánh mắt khinh bỉ”, Misbach chia sẻ.

Cô nghỉ việc sau đó và chuyển đến một trường đại học tư thục.

leftcenterrightdel
 Học sinh trung học ở Indonesia trong giờ kiểm tra. Ảnh: AFP

HRW cho rằng phụ nữ làm việc trong cơ quan chính phủ và tổ chức nhà nước khác liên tục phải đối mặt với nguy cơ không được thăng chức hoặc sa thải nếu không đội hijab.

Sau phán quyết của Tòa án Tối cao, Harsono nhận định điều chính phủ nên làm hiện tại là bãi bỏ quy định tiền nhiệm năm 2014 và ban hành quy định mới rõ ràng, nhấn mạnh tính chất không bắt buộc của hijab dành cho nữ viên Hồi giáo.

Bên cạnh đó, nhà chức trách cần hủy bỏ các luật lệ khác liên quan đến việc bắt buộc hijab trên toàn quốc.

Widiastuti và nhiều phụ nữ khác đang chờ đợi chính quyền hành động.

“Là thành viên nhóm Hồi giáo thiểu số, tôi mong muốn bảo tồn di sản văn hóa người Java. Thật vui khi biết quyền lợi của chúng tôi được bảo vệ”, cô nói.

Theo Zing