(Ảnh: THX/TTXVN)


Việc Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đạt đồng thuận về tăng tốc phân phối vaccine ngừa COVID-19, coi đây như một trong những biện pháp chủ chốt để phục hồi kinh tế trong bối cảnh đại dịch, có thể xem là một bước chuyển cần thiết trong chiến lược chống dịch của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Từng dẫn đầu thế giới trong kiểm soát đại dịch COVID-19 vào năm ngoái, nhưng hiện nhiều nền kinh tế châu Á đang phải hứng chịu những làn sóng lây nhiễm mới với số ca mắc mới hằng ngày cao gấp đôi so với các khu vực khác.

Ngoài sự xuất hiện ngày càng nhiều của các biến thể nguy hiểm trong khi người dân dần chủ quan, lơ là phòng dịch, thì nhiều chuyên gia chỉ ra rằng chính việc triển khai chậm trễ chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở phần lớn các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này.

Các chuyên gia nhận định có nhiều yếu tố khiến châu Á "chậm chân" hơn Mỹ và châu Âu  Nguồn cung thiếu thốn là vấn đề lớn nhất, đặc biệt khi Ấn Độ, nhà sản xuất vaccine ngừa COVID-19 lớn nhất thế giới, chao đảo trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh trầm trọng, phải hạn chế xuất khẩu song vẫn không thể đảm bảo nhu cầu cho chính mình.

Ngay cả các nước giàu có ở châu Âu từng phải đối mặt với tình trạng thiếu vaccine. Quá trình phân phối vaccine COVID-19, mà Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus gọi là “bất công một cách bê bối” khi 10 quốc gia giàu có đã sử dụng tới 75% lượng vaccine COVID-19 toàn thế giới, càng làm trầm trọng thêm tình trạng mất cân đối này.

Trong khi đó, nhiều quốc gia châu Á với nguồn lực tài chính hạn chế khó có thể "chạy đua" tìm kiếm vaccine, đồng thời cũng chưa phát triển ngay được vaccine trong nước, khiến chương trình tiêm chủng trở nên phụ thuộc và bị động.

Đó là lý do Mỹ và châu Âu có thể khởi động chiến dịch tiêm chủng đại trà từ cuối năm ngoái, trong khi phần lớn khu vực châu Á phải từ cuối tháng 2/2021 mới triển khai tiêm vaccine cho các lực lượng tuyến đầu, hay như Thái Lan, ngày 7/6 mới bắt đầu chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, Giáo sư Michael Toole, nhà dịch tễ học, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Burnet ở Melbourne (Australia), cho rằng lý do dẫn đến việc triển khai tiêm chủng chậm là bởi các quốc gia châu Á phần lớn đã thoát khỏi giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch hồi năm ngoái, nên thiếu động lực tìm kiếm nguồn cung cấp vaccine vốn rất khan hiếm.

Tới đầu năm 2021, nhiều quốc gia châu Á vẫn chưa phê chuẩn loại vaccine nào. Không ít người dân dường như cũng không có cảm giác phải khẩn cấp tiêm phòng, trong khi tâm lý e dè, lo ngại ban đầu  đối với các loại vaccine mới cũng cản trở việc triển khai chương trình tiêm chủng.

Đến đầu tháng 5, trong số các nền kinh tế tiên tiến, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia vẫn là các nước triển khai tiêm chủng chậm trễ.

Nhật Bản mới chỉ tiêm 6,3 liều vaccine/100 người, so với tỉ lệ 90 liều/100 người tại Anh. Ấn Độ, quốc gia có năng lực sản xuất vaccine rất lớn, cũng mới chỉ đạt tỷ lệ tiêm chủng 14 liều/100 người.

Ở Đông Nam Á, ngoại trừ Singapore đạt tỷ lệ 40% dân số được tiêm mũi đầu tiên, 9 nước thành viên còn lại của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đều chưa tiến hành tiêm chủng rộng rãi do thiếu nguồn cung, trong đó 7 nước tỷ lệ tiêm đạt dưới 10% dân số. 
Việc Mỹ, Israel hay một số nước châu Âu nhờ triển khai sớm và nhanh chóng chiến dịch tiêm chủng đại trà, nay đã có thể mở cửa trở lại, khiến các nước châu Á phải thay đổi quan điểm.

Tuyên bố chung của Hội nghị bộ trưởng thương mại APEC, diễn ra cuối tuần trước theo hình trực tuyến nêu rõ: "Nhận thức được vai trò của tiêm chủng mở rộng ngừa COVID-19 như một lợi ích công cộng toàn cầu, chúng ta cần khẩn cấp đẩy nhanh việc sản xuất và phân phối vaccine ngừa COVID-19 một cách an toàn, hiệu quả, đảm bảo chất lượng và giá cả phải chăng."

Vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca/Oxford. (Ảnh: AFP/TTXVN)

 

21 nền kinh tế thành viên APEC cũng cam kết đẩy mạnh sự lưu thông và vận chuyển của mọi loại vaccine cùng các hàng hóa liên quan, thông qua các cảng trên biển, trên bộ và cảng hàng không.

Các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương đã bắt đầu đồng loạt đẩy mạnh tìm kiếm nguồn cung vaccine và tăng tốc chiến dịch tiêm chủng cho người dân.

Ngoài số vaccine được nhận theo cơ chế COVAX của WHO, nhằm đa dạng hóa nguồn cung, các nước châu Á một mặt thúc đẩy đàm phán để mua vaccine, mặt khác kêu gọi các nước giàu chia sẻ lượng vaccine dư thừa và phê chuẩn sử dụng khẩn cấp các loại vaccine ngừa COVID-19 khác nhau.

Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng qua, khu vực châu Á đã chứng kiến Hàn Quốc cấp phép sử dụng loại vaccine ngừa COVID-19 thứ tư là vaccine của Moderna, sau các vaccine của AstraZeneca (Anh/Thụy Điển), Pfizer (Mỹ)/BioNTech (Đức) và Johnson&Johnson (Mỹ).

Nhật Bản chính thức phê duyệt vaccine của AstraZeneca và Moderna, đồng thời "bật đèn xanh" sử dụng vaccine Pfizer cho trẻ từ 12 tuổi trở lên. Thái Lan vừa cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine Sinopharm của Trung Quốc.

Hiện Thái Lan đã đặt hàng 61 triệu liều vaccine từ AstraZeneca và khoảng 10-15 triệu liều từ hãng Sinovac, đồng thời đang đàm phán để mua thêm 20 triệu liều vaccine của hãng Pfizer và 5 triệu liều của hãng Johnson & Johnson.

Tới nay Indonesia đã nhận được tổng cộng 6,7 triệu liều vaccine AstraZeneca, 1 triệu liều vaccine của Sinopharm, 3 triệu liều vaccine của Sinovac. Malaysia thông báo sẽ mua thêm 12,8 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech, nâng tổng số vaccine Pfizer/BioNTech mà nước này sở hữu lên 44,8 triệu liều, đủ để tiêm cho 70% dân số.

Nhiều công ty ở châu Á đã đạt được thỏa thuận sản xuất vaccine ngừa COVID-19 cho các hãng dược phẩm châu  Âu và Mỹ. Cuối tháng 5, Công ty Samsung Biologics của Hàn Quốc ký thỏa thuận sản xuất vaccine Moderna ngay tại "xứ kim chi."

Các loại vaccine của AstraZeneca, Novavax (Mỹ) và Sputnik V (Nga) cũng đã được sản xuất tại Hàn Quốc. Việc cấp giấy phép sản xuất vaccine tự nguyện cũng đã áp dụng với vaccine của AstraZeneca tại Ấn Độ, Thái Lan...

Giữa tháng 5, hãng BioNTech cũng thông báo sẽ xây dựng một cơ sở sản xuất vaccine COVID-19 công nghệ mRNA và các loại vaccine khác trị bệnh truyền nhiễm và ung thư tại Singapore. Indonesia cũng đã tiếp nhận nguyên liệu để sản xuất 81,5 triệu liều vaccine của Sinovac.

Cùng với nguồn nhập khẩu, Nhật Bản đã thông qua chiến lược dài hạn về phát triển và sản xuất vaccine nội địa, với mục tiêu bắt kịp Mỹ và châu Âu trong lĩnh vực này.

Thái Lan cũng đang nỗ lực để có thể sớm đưa 3 loại vaccine nước này tự nghiên cứu phát triển vào sử dụng. Ấn Độ ngày 2/6 thông báo đã ký kết một thỏa thuận trị giá 15 tỷ rupee (205,62 triệu USD) với nhà sản xuất vaccine trong nước Biological-E để sản xuất 300 triệu liều vaccine ngừa COVID-19. 

Nhiều nước châu Á cũng đã điều chỉnh chiến lược tiêm chủng vaccine cho phù hợp với điều kiện của mình, đồng thời đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ, khuyến khích người dân đi tiêm chủng, nhờ đó mức độ bao phủ vaccine COVID-19 của châu Á đã được cải thiện đáng kể.

Chỉ trong vòng 5 ngày cuối của tháng 5, Trung Quốc đã tiêm 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho người dân. Tính đến ngày 2/6, Trung Quốc đã thực hiện tiêm chủng 704 triệu liều vaccine, gần một nửa trong số đó được thực hiện trong tháng 5. Tại thủ đô Bắc Kinh, 87% dân số đã được tiêm chủng ít nhất một liều.

Hàn Quốc đặt mục tiêu hoàn thành việc tiêm chủng cho khoảng 14 triệu người vào cuối tháng 6, nhiều hơn 1 triệu người so với mục tiêu đưa ra hồi đầu tháng này. Tới nay hơn 14% dân số Hàn Quốc đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19.

Tại Đông Nam Á, Malaysia đặt mục tiêu tiêm 150.000 mũi vaccine/ngày trong tháng 6 trước khi tăng lên 200.000 mũi vào tháng 7. Tới nay hơn 7,2 dân số nước này đã được tiêm ít nhất 1 mũi. Với việc triển khai chiến dịch tiêm vaccine đại trà từ ngày 7/6, Chính phủ Thái Lan hy vọng đến cuối tháng 12 tới sẽ có 50 triệu người, tức 70% dân số, được tiêm chủng. 

Trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm trên quy mô toàn cầu, Việt Nam, hiện mới tiêm chủng được cho hơn 1% dân số, cũng đang tập trung nỗ lực để tìm kiếm, đàm phán nhằm sớm tiếp cận thêm các nguồn vaccine, tăng độ bao phủ tiêm chủng cho người dân.

Hơn 200 cuộc trao đổi, làm việc, đàm phán với các tổ chức, nhà sản xuất vaccine được bền bỉ thực hiện từ giữa năm 2020 đến nay đã giúp Việt Nam đặt hàng được 130 khoảng triệu liều vaccine trong năm 2021. Bộ Y tế vẫn đang tiếp tục trao đổi nhằm đạt mục tiêu 150 triệu liều để tạo miễn dịch cộng đồng trong năm 2021. Chính phủ cũng quyết định thành lập Quỹ vaccine COVID-19 để tăng nguồn kinh phí mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất và sử dụng vaccine tại Việt Nam.

Ngoài ra, để chủ động trong cuộc chiến lâu dài chống đại dịch, Việt Nam cũng đang nỗ lực đẩy mạnh nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine Nano Covax với mục tiêu Việt Nam sẽ có vaccine ngừa COVID-19 tự sản xuất đầu tiên vào cuối năm nay.

Có thể nói việc khu vực châu Á điều chỉnh chiến lược vaccine, tăng tốc chiến dịch tiêm chủng đã mang lại những kết quả bước đầu. Thống kê mới nhất công bố ngày 7/6 cho thấy tỷ lệ tiêm chủng ở châu Á hiện đạt 26 liều/100 người (xếp sau Bắc Mỹ là 63, châu Âu 51 và Nam Mỹ 31).

Với bước đi đúng hướng này, châu Á hy vọng một lần nữa sẽ vượt qua đợt bùng phát dịch bệnh để đưa cuộc sống trở lại bình thường.

Theo Vietnamplus