leftcenterrightdel
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Brazil và một số nước Nam Mỹ. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) 

Nhân chuyến thăm chính thức tới Brazil, tối 23/9 (giờ địa phương), tại thành phố São Paulo, Brazil, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Brazil và một số nước Nam Mỹ.

Tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng đã điểm lại những dấu mốc và thành tựu chính trong quan hệ Việt Nam và Brazil, đồng thời chia sẻ với bà con những nét chính về hình hình đất nước với những thành tựu quan trọng thời gian qua, những định hướng lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, văn hóa…

Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực của cộng đồng người Việt Nam tại Brazil trong việc ổn định cuộc sống, hòa nhập tốt vào xã hội sở tại, tập trung làm ăn, phát triển để đóng góp tích cực vào xã hội sở tại cũng như mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Hiện cộng đồng người Việt Nam trên thế giới có khoảng 6 triệu người, trong đó cộng đồng người Việt tại Brazil hình thành từ những năm 1970, hiện có khoảng 150 người.

Thủ tướng rất vui mừng trước những nỗ lực của bà con thời gian qua đã đoàn kết, phát huy truyền thống tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau để ổn định cuộc sống theo tinh thần người trước giúp người sau, trẻ giúp già, người có điều kiện giúp người khó khăn hơn; đồng thời với tinh thần "uống nước nhớ nguồn", luôn hướng về nguồn cội, quê hương. Đây là những nét đẹp truyền thống và quý báu của dân tộc Việt Nam chúng ta dù ở bất cứ nơi đâu trên thế giới.

Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và đồng bào ta ở Brazil nói riêng, "là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam". Những thành tựu trong phát triển đất nước ngày nay đều có sự đóng góp quan trọng của cộng đồng bà con người Việt Nam ở hơn 130 quốc gia trên thế giới, trong đó có cộng đồng tại Brazil.

Thủ tướng cho biết sẽ đề nghị Brazil tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người gốc Việt sinh sống, làm ăn ổn định, hợp pháp tại Brazil.

Thời gian tới, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, Thủ tướng đề nghị bà con tiếp tục phát huy tinh thần tương thân tương ái, tiếp tục nâng cao tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn và giới thiệu, tạo điều kiện cho người thân, người quen sang làm việc, sinh sống tại Brazil; nêu cao lòng tự hào dân tộc, nỗ lực phấn đấu vươn lên, hội nhập tích cực, tuân thủ pháp luật và đóng góp cho phát triển ở sở tại; luôn hướng về quê hương, đất nước và làm tốt vai trò cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam và Brazil.

Thủ tướng cũng đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Brazil tiếp tục quan tâm và làm tốt hơn nữa công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài để xây dựng cộng đồng người Việt tại Brazil đoàn kết, phát triển, luôn hướng về quê hương, đất nước.

Đối với những nguyện vọng, đề xuất của bà con, Thủ tướng chia sẻ, ghi nhận các ý kiến và sẽ đề nghị các bộ, ngành, cơ quan liên quan tập trung rà soát, nghiên cứu, sớm có giải pháp phù hợp trên tinh thần kịp thời, thấu đáo.

Theo báo điện tử Chính phủ, tại buổi gặp mặt, Thủ tướng cho biết chuyến thăm chính thức Brazil lần này đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam nhằm tạo động lực quan trọng để thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Brazil phát triển ngày càng sâu rộng và hiệu quả, hướng tới kỉ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Brazil (năm 2024), cũng như nâng cấp quan hệ hai nước lên một tầm cao mới.

Thủ tướng cho biết sẽ có hội đàm chính thức với Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva. Qua đó hai bên sẽ thông báo cho nhau về tình hình mỗi nước, thống nhất về các phương hướng và biện pháp cụ thể nhằm tiếp tục tăng cường quan hệ song phương cũng như trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

Thủ tướng cũng thông tin, đã chỉ đạo và các cơ quan chức năng đang thúc đẩy việc đàm phán hiệp định thương mại tự do với các nước Mỹ Latin, trong đó có Brazil. Trong trao đổi với lãnh đạo Brazil trong chuyến thăm, Thủ tướng sẽ tiếp tục đề cập nội dung này.

Cùng với đó, cần tiếp tục thúc đẩy giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân, thúc đẩy hợp tác giáo dục. Đây là nền tảng quan trọng để kéo gần khoảng cách của hai quốc gia, của hai dân tộc.

Theo thoidai