Một y tá tại phòng chăm sóc đặc biệt ở Illinois được yêu cầu đeo chiếc khẩu trang y tế trong vòng 5 ngày. 

Một bác sĩ khoa cấp cứu ở California cho biết các đồng nghiệp của cô bắt đầu cất giữ khẩu trang bẩn trong hộp nhựa để tái sử dụng.

Một bác sĩ nhi ở bang Washington cố gắng tiết kiệm bằng cách khử trùng chúng bằng cồn và dùng lại đến khi bị hỏng.

Tất cả đều là những câu chuyện có thật, được nhân viên y tế Mỹ thuật lại khi Covid-19 leo thang.

"Tình hình thực sự tồi tệ. Tôi nghĩ chúng ta chưa đủ sẵn sàng", tiến sĩ Niran Al-Agba, bác sĩ nhi khoa 45 tuổi, người điều hành một phòng khám tư nhân tại thành phố Seattle, cho biết.

Al-Agba là một trong hàng trăm nhân viên y tế tìm kiếm sự giúp đỡ để đối mặt với dịch bệnh trong tuần này. Khi nguồn cung của bệnh viện cạn kiệt, nhiều người kêu gọi công chúng ngừng mua khẩu trang. Lời cảnh báo đưa ra: nếu y bác sĩ nhiễm bệnh, cơn khủng hoảng sẽ càng kéo dài. 

Một nhân viên y tế tại Bệnh viện Northridge ở California vệ sinh tấm bảo hộ vào đầu tháng này. Ảnh: NY Times

Một nhân viên y tế tại Bệnh viện Northridge ở California lau chùitấm bảo hộ vào đầu tháng này. Ảnh:NY Times

Tiến sĩ Al-Agba đã theo dõi sự lây lan của virus kể từ cuối tháng 2, khi một bệnh nhân mắc Covid-19 qua đời tại trung tâm dưỡng lão ở thành phố Kirkland, bang Washington. Vài ngày sau, cô đặt mua thêm quần áo bảo hộ và khẩu trang N95 từ nhà cung cấp thiết bị y tế cho phòng khám của mình, song tất cả đã cháy hàng. Một tổ chức phi lợi nhuận về chăm sóc sức khoẻ trong khu vực thông báo, cơ sở của cô sẽ không được cung cấp bất kỳ thiết bị y tế nào do không ở trên tuyến đầu dập dịch.

Al-Agba phải cầu cứu cộng đồng.

"Một người nào đó để hai hộp khẩu trang trước cửa nhà tôi. Tôi sẽ tiết kiệm chúng. Tôi xịt cồn khử trùng và sử dụng nhiều lần cho đến khi chúng bị hỏng. Đây là cách để ứng phó", cô nói. 

Nhiều tuần liền, cô tiến hành "thăm bệnh trên xe" cho những người bị sốt hoặc ho. Bệnh nhân thường đỗ lại trên vỉa hè cạnh văn phòng của Al-Agba trong khi cô đeo kính, mặc đồ bảo hộ, mang khẩu trang, găng tay và khám cho họ.

"Sau 20 năm hành nghề, là bác sĩ thế hệ thứ ba trong gia đình, tôi nghĩ đây là điều mới mẻ. Trước đây tôi chưa từng tưởng tượng mình sẽ phải đi làm và cảm thấy lo lắng về mạng sống của bản thân", cô nói.

Hashtag #GetMePPE (#Cung-cấp-đồ-bảo-hộ-cho-chúng-tôi) được lan truyền trên mạng xã hội. Các bài đăng đề cập đến việc thiếu hụt vật dụng như khẩu trang, quần áo bảo hộ, tấm che mặt, nhằm tác động đến nhà lãnh đạo, yêu cầu bổ sung thêm vật tư y tế cho các bệnh viện đang đương đầu với dịch.

Y bác sĩ cần số lượng lớn đồ bảo hộ bởi họ tiếp xúc với các ca bệnh hàng ngày và phải thay khẩu trang nhiều lần. 

Hướng dẫn của WHO cho biết nhân viên y tế chỉ cần sử dụng khẩu trang phẫu thuật loại thông thường. Song một số bệnh viện yêu cầu cung cấp khẩu trang N95 dày hơn, vừa khít quanh miệng, đủ che phủ mũi và có thể chặn được các hạt nhỏ hơn nhiều so với loại thông thường.

Một bác sĩ giấu tên tại khoa cấp cứu khu vực Bắc California cho biết nhiều nhân viên y tế tại bệnh viện của cô đã bị lây chéo virus khi điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 và phải tự cách ly tại nhà. 

Theo bác sĩ nhi khoa Vidya Ramanathan ở Michigan, nhu cầu thiết bị y tế là rất lớn. Bà cho hay một số cơ sở không có đủ khẩu trang, thậm chí khăn khử trùng để làm sạch tấm che mặt của y bác sĩ cũng khan hiếm. Bệnh viện nơi bà Ramanathan làm việc đã dựng nhiều lều điều trị ở bên ngoài, thành lập hệ thống phân loại các bệnh nhân và trả những người không cần chăm sóc đặc biệt về nhà tự cách ly. Điều này nhằm bảo vệ chính người bệnh và cả y bác sĩ giữa bối cảnh thiếu thốn thiết bị bảo hộ. 

"Các nhân viên y tế đang làm việc cật lực để ngăn chặn đại dịch lây lan mạnh hơn. Hy vọng mọi người đều coi trọng điều này như bản thân chúng tôi vậy. Chìa khoá để giúp sức là cách biệt cộng đồng và ở yên trong nhà", bà nói.

Bác sĩ Niran Al-Agba chụp ảnh khẩu trang được người dân đóng góp trước cửa nhà sau lời kêu gọi của cô qua Twitter. Ảnh: Niran Al-Agba MD

Bác sĩ Niran Al-Agba chụp ảnh khẩu trang được người dân đóng góp trước cửa nhà sau lời kêu gọi của cô qua Twitter. Ảnh:Niran Al-Agba MD

Tình trạng khan hiếm vật tư y tế chủ yếu xuất phát từ đợt dịch kéo dài ở Trung Quốc. Đây là nơi sản xuất một nửa nguồn cung cho thế giới, ngay cả trước khi nCoV xuất hiện. Virus quét qua, các công ty đại lục tăng sản lượng khẩu trang lên gấp 12 lần, nhưng trữ nội địa. Do vậy, tình trạng khan hiếm nổ ra khi đại dịch lan rộng đến hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tháng trước, bác sĩ phẫu thuật Mỹ Jerome M. Adams kêu gọi cộng đồng ngừng mua gom khẩu trang, để nhường lại cho các nhân viên y tế.

Các chuyên gia giải thích, virus có khả năng lây nhiễm nhanh chóng thông qua các bề mặt người bệnh từng đụng vào, hơn là các giọt bắn trong không khí. Việc chạm vào bên ngoài khẩu trang rồi đưa tay lên mặt thậm chí tiềm ẩn nhiều nguy cơ mắc bệnh hơn.

Kho dự trữ vật tư y tế chiến lược của chính phủ liên bang Mỹ hiện có 12 triệu chiếc khẩu trang N95 và 30 triệu khẩu trang y tế thông thường. Trong khi đó, theo ước tính của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, nước này sẽ cần tới 3,5 tỷ chiếc để sử dụng suốt một năm.

Trong những đợt dịch trước như SARS năm 2003, hàng loạt nhân viên y tế nhiễm bệnh và nhiều người tử vong. Giáo sư Lucy Wilson của Đại học Maryland Baltimore nhận định, bảo vệ y bác sĩ là điều tuyệt đối cần thiết trong công tác khống chế sự lây lan của virus. Thiếu hụt nhân lực sẽ tạo áp lực lớn cho hệ thống y tế vốn đã căng thẳng kể từ đầu dịch.

"Đây giống như chiến tranh thế giới vậy. Chúng ta cần làm hết sức, tiết kiệm nhiều nhất có thể", bác sĩ Al-Agba nói.

Theo vnexpress