Nguyễn Trọng Phúc (áo xanh rêu) cùng với nhóm - Ảnh: NVCC

Phần mềm chăm sóc cây trồng

Từ chiếc điện thoại thông minh người dùng có thể biết được tình trạng bệnh của cây trồng, từ đó đưa ra những cách chăm sóc cây phù hợp theo từng giai đoạn... Đó là những ứng dụng có trên Mifinn - nền tảng đám mây hỗ trợ người chăm sóc cây trồng - của nhóm bạn trẻ đến từ các trường ĐH trên địa bàn TP.HCM.

Giao diện khá đơn giản của ứng dụng Mifinn

Là sinh viên năm 2 ngành Công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, Nguyễn Đình Thiên Phúc, 20 tuổi, thành viên nhóm, cho biết: “Ý tưởng khởi nghiệp của nhóm mình bắt nguồn từ những chuyến đi về nông thôn khi thấy những cô chú sản xuất sản phẩm nông nghiệp như rau quả, cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả... gặp rất nhiều khó khăn về việc chăm sóc cây trồng vì phải dựa vào phương pháp cảm tính, đánh giá tình trạng cây trồng còn dựa trên kinh nghiệm, đặc tính sinh hoạt và mùa vụ...”.

Nguyễn Đình Thiên Phúc thuyết trình ứng dụng của nhóm tại một cuộc thi khởi nghiệp

Ứng dụng Mifinn có giao diện khá đơn giản với 3 phần: Xử lý ảnh, thông tin giao dịch, cung cấp thông tin cây trồng. “Phần mềm trên điện thoại thông minh có chức năng hỗ trợ người chăm sóc cây trồng giúp chẩn đoán bệnh trên cây trồng một cách nhanh nhất. Người trồng sẽ sử dụng phần mềm chụp các vị trí hư hỏng, vùng bệnh trên lá, cây, thân, quả của cây. Sau đó phần mềm sẽ đánh giá và đưa ra các mức độ bệnh của cây, đồng thời đưa ra phương hướng chữa trị, chăm sóc hợp lý như cung cấp thông tin thuốc, giải pháp chữa bệnh… Phần mềm này được liên kết với cảm biến, từ đó hệ thống sẽ tự động hóa phục vụ cho việc chăm sóc cây trồng”, Thiên Phúc chia sẻ.

Hiện tại ứng dụng chỉ xử lý được một số loại cây nổi bật với sản lượng xuất khẩu cao như: Lúa, cà phê, hồ tiêu, chè... “Những dữ liệu phân tích bệnh của cây hay những thông tin trị bệnh của cây chúng mình dựa trên cơ sở dữ liệu của Bộ NN-PTNT", Thiên Phúc cho biết.

Được biết, Mifinn - nền tảng đám mây hỗ trợ người chăm sóc cây trồng - vừa đạt giải khuyến khích tại cuộc thi Người nhân văn khởi nghiệp do Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM tổ chức.

Bản đồ “xanh”

Bản đồ “xanh” Green Beli là ý tưởng khởi nghiệp của nhóm bạn đến từ Đà Nẵng với mong muốn người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm những địa điểm “xanh” xung quanh vị trí của mình.

Anh Nguyễn Trọng Phúc (25 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH Đại Nam) thành viên nhóm, cho biết: “Trong quá trình tham gia các cộng đồng yêu môi trường, mình thấy những câu hỏi như: ăn gì, uống gì, mua gì ở đâu cho xanh, sạch, chất lượng..., xuất hiện ngày càng nhiều trong cộng đồng nhưng hầu như chưa có câu trả lời thỏa đáng. Từ đó, chúng mình nhận thấy việc có một bản đồ giới thiệu các địa điểm ăn uống thân thiện với môi trường và tốt cho sức khỏe là hết sức cần thiết. Và Green Beli ra đời từ ý tưởng đó”.

Người dùng có thể đánh giá những địa điểm mình đến có “xanh” hay  không

Được biết, bản đồ “xanh” dựa trên nền tảng của Google Maps. Theo đó, người sử dụng có thể vào App Store hoặc CH Play để tải ứng dụng về điện thoại của mình. “Sau khi tải về, mình đăng ký tài khoản bằng Email, Facebook, hoặc số điện thoại. Chỉ cần bật định vị trên điện thoại, ứng dụng sẽ tự động định vị được vị trí của bạn và những địa điểm 'xanh' xung quanh bạn. Sau khi sử dụng dịch vụ, bạn có thể để lại đánh giá trên ứng dụng”, Phúc cho biết.

Anh Nguyễn Trọng Phúc cho biết ứng dụng hoàn toàn miễn phí, rất thân thiện và dễ sử dụng. Người dùng không khó khi tìm thấy một quán xanh, tạo cuộc hẹn cùng bạn bè và các chiến dịch bảo vệ môi trường trên hệ thống...

Ứng dụng Bản đồ “xanh” vinh dự được ghi nhận là Én xanh 2019. Chương trình Én xanh 2019 vừa được tổ chức vào hôm 28.10 với chủ đề "Tìm kiếm và tôn vinh sáng kiến kinh doanh vì cộng đồng".

Theo thanhnien