leftcenterrightdel
Một cô gái đến kỳ kinh nguyệt sớm nhưng không thể mua được băng vệ sinh trên tàu. Ảnh:Handout.  

Câu chuyện công ty đường sắt Trung Quốc từ chối bán băng vệ sinh cho phụ nữ trên tàu đã trở thành chủ đề tranh cãi gay gắt, nhiều ý kiến chỉ trích đó là hành động thiếu hợp lý, làm sâu sắc thêm sự kỳ thị kinh nguyệt vốn đã tồn tại từ lâu.

Theo Shine, vấn đề được khơi mào khi một nữ hành khách kể về trải nghiệm đến kỳ lúc đang đi tàu cao tốc. Do ngày đèn đỏ đến sớm hơn dự kiến, cô không mang theo băng vệ sinh. Cô thất vọng vì không tìm được bất kỳ sản phẩm hỗ trợ nào ở quầy hàng trên tàu.

Cô thấy may mắn khi được một nữ tiếp viên trên tàu cho một miếng băng vệ sinh, song chuyện không mua được món đồ cơ bản này khi đi tàu vẫn khiến cô gái có chút bất an.

"Tôi cho rằng trải nghiệm của mình không phải là cá biệt, dịch vụ có phần thiếu thân thiện với phụ nữ. Tôi đã gọi lên đường dây nóng của công ty đường sắt để chia sẻ vấn đề, người trực tổng đài cho biết sẽ báo cáo nó với cơ quan quản lý", cô gái viết trên Weibo.

Kỳ thị kinh nguyệt

Nội dung bài đăng có vẻ bình thường lại bất ngờ gây nên cuộc tranh cãi gay gắt khi một số blogger - tất cả là nam giới - chế nhạo nữ hành khách, họ khẳng định "có lý do chính đáng" nên băng vệ sinh mới không được bán trên tàu.

"Hôm nay cô ấy muốn băng vệ sinh, ngày mai chắc sẽ cần đồ lót", một nam blogger có 1,3 triệu người theo dõi viết. "Băng vệ sinh không phải sản phẩm có nhu cầu cao, cũng không phải vật tư khẩn cấp. Tại sao người ta phải bán một món hàng không có lãi?".

Một blogger khác có nửa triệu follower cũng viết: "Chỉ cần giữ một gói (băng vệ sinh) trong túi xách của bạn. Nếu băng vệ sinh được bán trên tàu, kích thước và nhãn hiệu lại bị xem xét, rồi bạn lại phàn nàn về giá cả cho mà xem".

leftcenterrightdel
Số liệu bán hàng cho thấy băng vệ sinh thực sự là mặt hàng có nhu cầu cao trên tàu hỏa.  

Những bài viết mang tính xúc phạm phụ nữ như vậy đã nhanh chóng tạo nên làn sóng phẫn nộ.

Chủ đề này lan truyền trên Weibo, có tới 210.000 bài đăng với hơn 830 triệu lượt truy cập.

Một số người đàn ông nghĩ rằng họ có quyền giảng giải cho phụ nữ về cách đối phó với kinh nguyệt, cho rằng nhu cầu cơ bản ấy của nữ giới là "không cần thiết" hay "nhu cầu không cao".

Tuy nhiên, số liệu thống kê đã chứng minh điều ngược lại. Băng vệ sinh có được bán trên các tuyến xe lửa do Đường sắt Côn Minh của tỉnh Vân Nam quản lý. Trang web chính thức của họ cho thấy hơn 12.000 gói vệ sinh phụ nữ đã được bán từ năm 2018.

Những phụ nữ bị bỏ quên

Cuộc tranh luận sôi nổi của dân mạng khiến nhà báo Lu Feiran của Shine nhớ đến cuốn sách có tựa đề "Invisible Women" (Những phụ nữ vô hình) của tác giả người Anh Caroline Perez.

Trong sách, Perez đã thông qua dữ liệu để cho thấy nhu cầu của phụ nữ bị bỏ quên trong một thế giới được thiết kế bởi nam giới và dành cho phái mạnh.

Ví dụ, phụ nữ phải xếp hàng chờ trong nhà vệ sinh công cộng nhiều hơn nam giới. Phụ nữ có nhiều khả năng bị thương trong các vụ tai nạn ôtô vì ôtô được thiết kế để vừa với cơ thể nam giới, và các hình nộm trong thử nghiệm va chạm dựa trên kích thước "nam giới trung bình".

leftcenterrightdel
 Khu vực chăm sóc trẻ em ở ga tàu lửa Thượng Hải được trang bị tốt. 

Yang Xiong, nhà nghiên cứu của Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, cho biết ý tưởng bán các sản phẩm vệ sinh trên tàu hỏa không nên là "vấn đề lớn", và thật nực cười khi mọi người lại làm ầm ĩ về nó như vậy.

"Chúng tôi đã làm nhiều điều khó khăn hơn để bảo vệ quyền phụ nữ ở Thượng Hải. Phòng vệ sinh của nữ bây giờ được trang bị số buồng nhiều gấp đôi của nam giới. Phòng thay đồ cho trẻ sơ sinh đã có sẵn ở các nhà ga và sân bay. Vậy có gì sai khi bán băng vệ sinh trên tàu?", ông nói.

Yang cho biết ông nghi ngờ những người đăng bài phản đối chuyện bán băng vệ sinh trên tàu chỉ nhằm kích động dư luận và "câu" tương tác, thu hút thêm người theo dõi.

"Nếu đó là một điều tốt và mang lại lợi ích cho hầu hết phụ nữ, chúng ta sẽ làm điều đó bất chấp những kẻ muốn gây chú ý có nói gì", Yang bày tỏ.

Theo zingnews