Các bác sĩ điều trị bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện ở bang California, Mỹ - ẢNH: REUTERS
Các lãnh đạo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm qua 2.3 cho biết số ca nhiễm mới Covid-19 trên toàn cầu trong tuần qua (từ ngày 22 - 28.2) đã tăng lên so với tuần trước đó, lần tăng đầu tiên trong 7 tuần. Tính đến tối qua, thế giới có 114,4 triệu ca nhiễm Covid-19 với hơn 2,5 triệu ca tử vong. Theo AFP, số ca nhiễm mới tăng trở lại ở tất cả các khu vực ngoại trừ châu Phi và tây Thái Bình Dương.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng đây là diễn biến “đáng thất vọng nhưng không gây ngạc nhiên” vì nhiều nơi nới lỏng các biện pháp y tế công cộng, người dân mất cảnh giác và các biến thể mới của SARS-CoV-2 vẫn lây lan. Vì thế, các chuyên gia WHO cảnh báo rằng đại dịch Covid-19 sẽ bùng phát mạnh nếu tiếp tục lơ là, chủ quan.
“Vắc xin sẽ giúp cứu mạng người nhưng nếu các nước chỉ dựa vào vắc xin, họ đang mắc sai lầm. Các biện pháp y tế công cộng vẫn là nền tảng trong việc ứng phó”, ông Tedros nhấn mạnh.
Tại Mỹ, tổng số ca nhiễm trong tuần trước là hơn 470.000 ca, mức tăng mạnh hơn so với các tuần trước đó. Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ Rochelle Walensky tỏ ra cực kỳ lo ngại về sự chuyển biến của đại dịch qua những số liệu mới. “Chúng ta có thể mất hoàn toàn những thành quả mà chúng ta đã khó khăn để giành được”, bà Walensky cảnh báo.
Tại Brazil, đại dịch bị cho là tồi tệ hơn bao giờ hết với số ca tử vong trung bình mỗi ngày trong tuần trước là 1.208 ca. Tính đến nay, quốc gia Nam Mỹ có gần 10,6 triệu ca nhiễm với hơn 255.000 ca tử vong trong khi các bệnh viện công đang chịu cảnh quá tải, theo tờ The Washington Post.
Chưa thể sớm thoát dịch
Diễn biến mới của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu diễn ra theo hướng tiêu cực dù nhiều nước đã triển khai chương trình tiêm chủng. Các lãnh đạo WHO cho biết lô vắc xin cuối cùng trong đợt phân phối vắc xin đầu tiên theo chương trình COVAX sẽ được gửi đi vào ngày 3.3.
COVAX là chương trình nhằm chia sẻ vắc xin công bằng giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. WHO đặt mục tiêu rằng chương trình tiêm chủng sẽ được triển khai tại tất cả các nước trong 100 ngày đầu tiên của năm 2021. Dự kiến, tổng cộng 237 triệu liều vắc xin sẽ được phân phối cho 142 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia COVAX từ nay đến cuối tháng 5.
Ông Michael Ryan, Giám đốc chương trình khẩn cấp của WHO, cho rằng những dự báo về việc chấm dứt đại dịch Covid-19 vào cuối năm 2021 là “điều phi thực tế” nhưng thế giới có thể giảm bớt số ca tử vong và ca bệnh điều trị tại bệnh viện.
Mặt khác, tổ chuyên gia chuyên phát triển hướng dẫn y tế của WHO hôm qua khuyến cáo các nước không nên sử dụng thuốc trị sốt rét hydroxychloroquine để điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Liên quan nghiên cứu về vắc xin, Cơ quan Y tế công cộng Anh (PHE) cho biết với chỉ một mũi tiêm, vắc xin của Pfizer/BioNTech và AstraZeneca hiệu quả đến hơn 80% trong việc ngăn chặn nguy cơ phải nhập viện của các bệnh nhân trên 80 tuổi. Nghiên cứu này được coi là tin tốt lành khi một số nước như Canada, Pháp và Đức e dè trong việc cho phép người trên 65 tuổi tiêm vắc xin của AstraZeneca do lo ngại về độ hiệu quả.
Chuyên gia Trung Quốc kêu gọi Mỹ hợp tác Phát biểu tại một hội nghị của Viện Brookings (Mỹ), ông Cao Phúc, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc và ông Chung Nam Sơn, chuyên gia hàng đầu về bệnh hô hấp của Trung Quốc, kêu gọi Mỹ và Trung Quốc nên hợp tác sản xuất và phân phối vắc xin để giúp thế giới nhanh đạt miễn dịch cộng đồng. Hai chuyên gia cho rằng Mỹ và Trung Quốc nên hợp tác về mặt khoa học để tìm ra nguồn gốc SARS-CoV-2, theo tờ South China Morning Post. Lời kêu gọi được đưa ra sau khi nhóm chuyên gia của WHO kết thúc chuyến điều tra tại Trung Quốc hồi tháng 2 và kết luận rằng khó có khả năng vi rút thoát ra từ phòng thí nghiệm. Phía Mỹ không công nhận báo cáo này và chỉ trích Trung Quốc thiếu minh bạch. |
Theo thanhnien