leftcenterrightdel
Trên toàn thế giới mỗi năm có gần 46.000 người trẻ từ 10 - 19 tuổi tự kết liễu cuộc đời mình 

Nỗi lo của các nước phát triển

Các vụ tự tử ở giới trẻ tiếp tục là một vấn đề nghiêm trọng của các quốc gia, đặc biệt là những nước phát triển. Theo thống kê ở Mỹ, tự tử là nguyên nhân thứ hai gây tử vong cho trẻ em, thanh thiếu niên từ 15 - 24 tuổi. Trong khi đó, theo một nghiên cứu của Trung Quốc, khoảng 1% sinh viên đại học ở nước này đã cố gắng tự tử. Trung bình mỗi năm, Trung Quốc đào tạo ra hơn 8 triệu cử nhân đại học. 

Khi nói về vấn đề tự tử, Hàn Quốc luôn là nước được nhắc đến đầu tiên. Trong hai thập niên qua, nước này có tỷ lệ tự tử cao nhất trong số các nước phát triển. Theo UNICEF, trung bình có 24,6 vụ tự tử/100.000 người ở Hàn Quốc vào năm 2019, so với 14,5/100.000 người ở Mỹ. Cơ quan Thống kê quốc gia Hàn Quốc cho biết, từ năm 2019, số lượng người Hàn Quốc dưới 40 tuổi tự kết liễu đời mình đã tăng 10%.

 
Theo đánh giá chung ở Mỹ và Hàn Quốc, cốt lõi của sự tuyệt vọng này là những khủng hoảng kinh tế, áp lực gia đình, xã hội, việc làm và điều này càng tồi tệ hơn bởi đại dịch. Năm 2021, Mỹ báo cáo số lượt khám tại khoa cấp cứu vì các cô gái tuổi teen cố gắng tự tử đã tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng y sĩ Mỹ, tiến sĩ Vivek Murthy nói: “Hàng triệu thanh niên Mỹ đang phải vật lộn với đại dịch sức khỏe tâm thần, vật lộn ở trường học, vật lộn để sống từ ngày này sang ngày khác. Đất nước có nguy cơ mất đi nhiều thế hệ nếu việc chăm sóc sức khỏe tâm thần không được giải quyết”.

Không chỉ là vấn đề y tế

Các chuyên gia từ lâu đã nhấn mạnh sự lo ngại về cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần ngày càng gia tăng trong giới trẻ chứ không chỉ là bùng phát từ đại dịch. Vì thế, cuộc chiến với căn bệnh này là một hành trình dài. “Hiện tại, chúng tôi đang thực hiện một thử nghiệm lớn đối với trẻ em, thu thập dữ liệu và quan sát biểu hiện của trẻ từ gia đình, trường học. Hành động của chúng tôi không chỉ là y tế, mà còn là đạo đức. Đó không chỉ là về việc cứu mạng sống, mà còn là lắng nghe những đứa trẻ đồng thời xây dựng văn hóa tử tế, hòa nhập và tôn trọng”, tiến sĩ Vivek Murthy cho biết.

Tại Trung Quốc, một số trường đại học đang giảng dạy các khóa học, giải thích quá trình sinh học của tình trạng tử vong như một cách giáo dục cho giới trẻ về cái chết. Theo giáo sư Sun Yingwei - Đại học Y Capital - vì ngày càng có nhiều người trẻ nói rằng họ không muốn tiếp tục sống trong sự lo lắng nữa nên khóa học này có thể giúp làm giảm sự sợ hãi và lo lắng. 

Riêng Hàn Quốc, vào cuối năm 2021, chính phủ nước này sử dụng công nghệ AI nhằm phát hiện nhanh để ngăn chặn những người muốn tự tử. Nhưng theo các chuyên gia, Hàn Quốc cũng nên đầu tư vào việc cải thiện sức khỏe tinh thần của giới trẻ. Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng có thể học hỏi từ Phần Lan, quốc gia đã giảm một nửa số vụ tự tử kể từ năm 1990 nhờ chiến dịch phòng, chống tự tử đầu tiên trên thế giới. 

Theo phunuonline