Bạo hành gia đình Singapore gia tăng thời Covid-19
Cập nhật lúc 11:17, Thứ sáu, 10/04/2020 (GMT+7)
Số vụ bạo hành gia đình ở Singapore tăng cao khi các vợ chồng phải ở gần nhau trong nhà suốt thời gian dài vì Covid-19.
Kristine Lam, nhân viên xã hội của dự án StART, cho biết trong một vụ mà cô xử lý, người vợ bắt đầu làm việc từ xa vài tuần trước và bắt đầu đối mặt với sự bạo hành bằng lời nói và hành động ngày càng tăng của chồng, người luôn làm việc ở nhà.
Xung đột giữa hai vợ chồng ngày càng tệ hơn khi họ cả ngày ở gần nhau. Đỉnh điểm là khi là người chồng trách mắng hai con nhỏ đã ngừng tới lớp mẫu giáo một thời gian vì Covid-19 bùng phát. Khi người mẹ cố gắng che chở con, người chồng trút giận lên cô và bắt đầu hành xử bạo lực.
Một vụ bạo hành gia đình ở Singapore. Ảnh minh họa: The Paper.
"Người chồng mắng nhiếc vợ là người mẹ tệ hại, không biết cách dạy con", Lam nói. "Anh ta đẩy vợ, đập đầu cô vào tường, đánh cô".
Người chồng vốn có xu hướng sử dụng bạo lực và thích kiểm soát, như thường xuyên kiểm tra điện thoại và máy tính xách tay của vợ. Tuy nhiên, tần suất anh này sử dụng biện pháp bạo lực tăng lên khi người vợ bắt đầu làm việc ở nhà.
Lam và các nhóm vận động về nữ quyền lo ngại bạo hành gia đình tăng lên khi các cặp vợ chồng buộc phải ở nhà trong thời gian dài vì dịch bùng phát.
Bộ trưởng Xã hội và Phát triển Gia đình Desmond Lee đã đưa vấn đề này ra quốc hội hôm 6/4, lưu ý về xu hướng "bạo hành gia đình, cãi vã và xích mích tăng cao" ở những quốc gia áp đặt lệnh hạn chế di chuyển. Ông cho biết đã thiết lập một đường dây nóng quốc gia để các chuyên gia tâm lý học, cố vấn hỗ trợ người dân.
Trung tâm Bạo hành Gia đình (FVSC) và Trung tâm Bảo vệ Trẻ em sẽ luôn hoạt động trong thời gian này vì đây là dịch vụ thiết yếu, ông Lee nói thêm.
Georgette Tan, chủ tịch tổ chức Đoàn kết Phụ nữ Singapore, cho hay những vụ bạo hành tương tự có thể tiếp tục gia tăng do những biện pháp hạn chế đi lại ngăn nCoV có thể vô tình kích hoạt bạo lực gia đình.
Phó giáo sư tâm lý học Andy Ho ở đại học công nghệ Nanyang lưu ý tình trạng cách ly cũng có thể khiến nạn nhân khó tìm được sự giúp đỡ hơn.
"Nạn nhân liên tục ở gần với kẻ lạm dụng. Điều này khiến họ có khả năng bị lạm dụng cao hơn", ông Ho nói. "Họ có thể không có đủ sự riêng tư cũng như không gian cá nhân để liên hệ với mạng lưới hỗ trợ xin giúp đỡ".
Căng thẳng gia tăng từ khủng hoảng Covid-19 cũng có thể khiến kẻ lạm dụng gia tăng hành vi, theo bà Hingorani. "Kẻ lạm dụng tấn công người xung quanh để tìm kiếm cảm giác nắm quyền kiểm soát bởi cuộc sống của họ trở nên bất ổn định".
Kristine Lam nhận thấy nhiều người từng bị yêu cầu cách ly hoặc ở nhà tái diễn hành vi bạo hành. Cô cũng cho rằng các nạn nhân đang bị cô lập nhiều hơn khỏi mạng lưới hỗ trợ, khi cố vấn và giáo viên nhà trường không thể theo dõi những học sinh có khả năng bị bạo hành bởi các em không tới trường.
Ông Ho nhấn mạnh cách ly vật lý không có nghĩa là cách ly về mặt xã hội. "Điều quan trọng là nạn nhân được hỗ trợ thường xuyên. Công nghệ có thể làm điều đó, nhưng chỉ khi họ ở một mình hoặc có quyền riêng tư".
Theo vnexpress