|
Ký túc xá S11 ở Punggol biến thành cơ sở cách ly sau khi trở thành cụm dịch.Ảnh:Reuters. |
Những công nhân nam đang sống ở khu ký túc xá S11 và Westlite Toh Guan sẽ phải ở trong phòng 14 ngày theo lệnh cách ly. Chính quyền cung cấp 3 bữa ăn một ngày cho họ. Ký túc xá S11 ở Punggol có ít nhất 62 ca nhiễm. Con số này ở Westlite Toh Guan là 28. Nhiều nhóm hoạt động xã hội đang kêu gọi chính quyền cải thiện điều kiện sống của các công nhân ở đây khi họ phải sống trong không gian quá chật chội để thực hiện cách biệt xã hội.
Người lao động nước ngoài với mức lương thấp chiếm 1/6 trong tổng số 5,7 triệu dân số của Singapore. Các tổ chức phi chính phủ ước tính có khoảng 200.000 người sống trong các khu ký túc xá, 12 - 20 người sinh hoạt trong một phòng.
Tổ chức Transient Workers Count Too (TWC2) cho biết: "Khái niệm về cách biệt xã hội trong những căn phòng này thật nực cười. Việc họ cách ly với thế giới bên ngoài căn phòng cũng không có tác dụng gì".
Ngoài việc phải ngủ chung, các công nhân còn dùng chung toilet và ăn cùng hàng chục người khác, Luke Tan - Quản lý tại Tổ chức Nhân quyền vì Kinh tế nhập cư (HOME) cho biết.
Truyền thông địa phương nhấn mạnh điều kiện sống nghèo nàn trong một số khu ký túc xá, từ việc bếp đầy gián cho đến bồn cầu bị tràn. Một số người cho biết bồn cầu ở trong ký túc xá của họ không được dọn dẹp và rác không được đổ thường xuyên. Tan cho hay: "Những yếu tố này tạo nên điều kiện lý tưởng cho dịch bệnh lây lan trên diện rộng".
Singapore đang chiến đấu với số ca nhiễm bệnh tăng hàng loạt, chủ yếu từ những người dân từ nước ngoài trở về. Những ổ bệnh trong nước tăng từ 6 lên 30 trong vòng hơn một tháng. Từ 102 ca được ghi nhận vào ngày 29/2, số ca nhiễm trong tháng 3 tăng gần 10 lần. Trong số hơn 1.300 ca bệnh tính đến ngày 6/4, hơn 150 ca có liên quan đến 7 khu ký túc xá công nhân và 26 công trường khác. Trong đợt dịch đầu tiên, 5 ca từ một công trường ở Seletar Aerospace khiến cộng đồng công nhân nhập cư lo sợ.
|
Công nhân ở trong ký túc xá tồi tàn. Ảnh:Reuters. |
Vào ngày 5/4, chính quyền tuyên bố hai khu kí túc xá là S11 ở Punggol và Westlite Toh Guan là nơi cách ly, yêu cầu công nhân ở trong nhà trong 2 tuần. Ký túc xá S11 là nơi ở của 13.000 công nhân, trong khi ở Westlite Toh Guan là 6.800 người.
Bộ trưởng Phát triển quốc gia Lawrence Wong cho biết mục đích của việc giữ công nhân ở lại các khu ký túc xá để giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh cho cộng đồng. Các khu ký túc xá khác cũng hạn chế tiếp xúc giữa các công nhân sống ở đây, chỉ cho những người ở cùng tầng tiếp xúc với nhau. Những người cảm thấy không khỏe, ngay cả khi không nhiễm bệnh sẽ được chuyển đến khu cách ly riêng để hạn chế lây nhiễm cho những người khác.
Nhà ngoại giao Tommy Koh là một trong những người kêu gọi sự chú ý cho những công nhân này trên Facebook. Ông cho rằng cách họ được đối xử không giống như ở một nước phát triển mà như ở quốc gia kém phát triển. Koh cho biết: "Họ sống trong những khu kí túc xá quá đông người và bị xếp như cá hộp khi 12 người sống trong một phòng. Ký túc xá cũng không sạch sẽ. Những khu ký túc xá này như một quả bom hẹn giờ chực chờ phát nổ. Và chúng đã nổ rồi với rất nhiều công nhân nhiễm virus".
John Gee - thành viên ủy ban điều hành của TWC2 - cho biết công nhân muốn tự bảo vệ bản thân nhưng họ nhận được lời khuyên về cách ly với người khác với tâm trạng lẫn lộn. Gee nói: "Điều này hợp lý, nhưng điều kiện sống của họ khiến việc này rất khó thực hiện".
Một người sống ở khu S11 cho biết, anh phải dùng chung nhà tắm với 150 người khác. Anh nói: "Mỗi phòng có 12 người, cả 14 phòng phải dùng chung một toilet. Nếu một người nhiễm virus, chúng tôi có thể bị nhiễm sau khi đi vệ sinh. Toilet được cọ rửa hai lần một ngày nhưng tôi vẫn thấy không yên tâm".
Công nhân này tin rằng những người khác vẫn chưa được phổ biến về cách tự bảo vệ bản thân trước virus. "Chúng tôi cần được tư vấn và hướng dẫn cách phòng chống dịch bệnh. Tôi nghĩ điều này sẽ có ích", anh nói. Anh cho biết thêm, nhiều công nhân không chỉ lo lắng về điều kiện sống mà về việc bị giảm lương hay mất việc.
Khi được hỏi về điều kiện sống và mối lo của công nhân, Westlite cho biết họ đang tập trung vào sức khỏe, sự an toàn và ổn định của cư dân và không trả lời câu hỏi của báo chí.
Một người sống ở Westlite, Aayu (35 tuổi) cho biết ông và những người khác sống ở đây được cung cấp các suất ăn miễn phí, wifi và được cập nhật liên tục về tình hình bên ngoài. Tuy nhiên, ông lo lắng rằng mức lương 1.540 USD một tháng của ông sẽ bị giảm bớt. Aayu nói: "Mọi người đều lo lắng và chúng tôi luôn cố gắng chia sẻ tình hình với gia đình. Nếu lương của tôi bị giảm 10%, điều đó nghĩa là tôi phải tính toán lại chi phí cho những tháng sau. Tôi phải điều chỉnh tài chính cho gia đình. Chúng tôi được thông báo rằng lương cơ bản vẫn được phát, nhưng email chúng tôi nhận được nói rằng Bộ Nhân lực sẽ phải bàn bạc lại với các công ty về quyết định cuối cùng. Chúng tôi không thể chắc chắn về điều gì cho đến cuối tháng".
|
Công nhân Bangladesh và Ấn Độ đứng ở ban công tại Ký túc xá S11 vào ngày 6/4. Ảnh:Reuters. |
Dipa Swaminathan, người sáng lập tổ chức Raining Raincoats, một tổ chức phi lợi nhuận, cho biết bất kỳ cách giảm lương nào cũng sẽ tác động to lớn đến công nhân và gia đình họ. Bà cho biết: "Ngay cả vào thời điểm tốt nhất, công nhân nhập cư cũng có tranh chấp về lương. Họ không có kế hoạch B hay C cho những lúc khó khăn. Họ đang làm việc bên lề xã hội và chúng tôi không muốn đẩy họ ra xa hơn".
Bộ trưởng Bộ Nhân lực Josephine Teo nhận thức được rằng việc nâng cao mức sống ở các khu ký túc xá công nhân là rất quan trọng. Nhưng bà chỉ ra rằng bên tuyển dụng lo lắng hơn về chi phí sống của người lao động và liệu những người sử dụng dịch vụ có chấp nhận chịu thêm các chi phí này hay không. Bà viết trên Facebook: "Tôi hy vọng rằng thời kỳ Covid-19 cho các doanh nghiệp và xã hội thấy rằng nâng cao mức sống của công nhân ở các ký túc xá không chỉ là điều nên làm, mà còn vì lợi ích của chúng ta. Chúng ta nên sẵn sàng chấp nhận cái giá cao hơn sẽ đi kèm với tiêu chuẩn cao hơn".
Yeo Guat Kwang - Chủ tịch Trung tâm Lao động nhập cư - cho biết tổ chức đến hai ký túc xá để giải thích cho công nhân lý do họ phải thực hiện những biện pháp này và trấn an họ rằng chính phủ sẽ lo cho lương và phúc lợi của họ trong thời gian dịch bệnh. Yeo cho biết: "Vì sự an nguy của các công nhân trong những ký túc xá này, chúng tôi sẽ tiếp tục liên lạc với các đại sứ quán và sẽ phản hồi lập tức nếu họ có bất kỳ lo lắng nào hoặc yêu cầu chúng tôi hỗ trợ".
Các tổ chức hoạt động xã hội cũng tăng cường hỗ trợ các công nhân nhập cư. Họ tạo một trang Google Sheet để tập trung ghi lại sự ủng hộ từ các tổ chức và cộng đồng. Một trong các tổ chức Dự án Chulia Street sẽ phân phát 38.000 gói cứu trợ, bao gồm các nhu yếu phẩm như thẻ cào điện thoại và nước rửa tay đến các công nhân nhập cư...
Tan - Quản lý tại Tổ chức Nhân quyền vì Kinh tế nhập cư (HOME) hy vọng đại dịch Covid-19 sẽ khiến chính phủ thừa nhận vấn đề dai dẳng về chỗ ở của công nhân. Ông nói: "Singapore được hưởng lợi rất nhiều từ thành quả lao động của công nhân nhập cư trong khi mức lương của họ rất thấp. Chúng ta nợ họ và gia đình, do vậy chúng ta nên hết sức bảo vệ họ".
Theo ione