Trong thời đại biến đổi khí hậu, phụ nữ vẫn chưa được quan tâm đúng mức
So với nam giới, nữ giới dễ bị tác động hơn nhiều bởi biến đổi khí hậu, do vấn nạn bất bình đẳng giới và những định kiến về vai trò, trách nhiệm của người phụ nữ. Khi thảm họa khí hậu xảy ra, phụ nữ có nguy cơ tử vong cao gấp 14 lần so với nam giới, đồng thời trong số những người phải di dời do biến đổi khí hậu, phụ nữ chiếm 80%.
|
Phụ nữ châu Phi phải chịu nhiều rủi ro từ biến đổi khí hậu hơn so với đàn ông - Ảnh: ISS Africa |
Cộng đồng quốc tế đã có những bước tiến trong quá trình công nhận rằng mọi hành động khí hậu đều phải tính đến yếu tố bình đẳng giới. Nhưng Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc năm nay (COP27) tiếp tục bỏ lỡ cơ hội để thúc đẩy sự tham gia về mặt thực chất của vấn đề giới tính.
Phụ nữ phải chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, nhưng trong các nhóm tham gia đàm phán COP27, tỉ lệ nữ giới chưa đến 34%. Trong số 110 nguyên thủ quốc gia tham dự hội nghị này, chỉ có 8 phụ nữ. Tại sự kiện COP26 năm ngoái, phụ nữ chiếm 38% số đại biểu (đây là tỉ lệ nữ giới tham gia COP cao nhất từ trước đến nay), nhưng chỉ chiếm 24% thời lượng phát biểu. Dù một bản kế hoạch hành động về giới đã được thảo luận tại COP27, văn bản cuối cùng đã bị rút ngắn, thiếu nguồn lực phù hợp và tiếp tục xem nhẹ quyền lợi của phụ nữ và bé gái.
Biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm tình trạng dễ bị tổn thương của phụ nữ và phơi bày sự phân biệt giới tính tiềm ẩn. Bất bình đẳng giới khiến phụ nữ và những người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới càng dễ bị tổn thương hơn trước tác động của biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu và bất bình đẳng giới đe dọa cuộc sống của phụ nữ châu Phi
Có 3 cơ chế liên kết tương thông khiến biến đổi khí hậu tác động đến phụ nữ theo cách không cân xứng, so với đàn ông. Thứ nhất, nó tạo thêm gánh nặng cho các gia đình, đe dọa các cơ hội kinh tế và làm tăng rủi ro về sức khỏe với phụ nữ. Thứ hai, phụ nữ thường không sở hữu đất đai, khiến họ mất đi lựa chọn di chuyển và trú ẩn. Thứ ba, khả năng tiếp cận nước của họ ngày càng giảm trong thời đại biến động môi trường.
Bất bình đẳng giới khiến phụ nữ nghèo hơn, ít cơ hội học tập hơn và gặp nhiều rủi ro về sức khỏe hơn so với nam giới. Các thị trường lao động thường phân biệt giới tính, phụ nữ chủ yếu được tuyển dụng để làm các công việc được trả lương thấp và không an toàn. Họ mang gánh nặng thu nhập và phụ thuộc nhiều hơn vào tài nguyên thiên nhiên, cũng như các lĩnh vực nhạy cảm với khí hậu để kiếm sống, hơn nam giới.
Ở khu vực châu Phi cận Sahara, phụ nữ chịu trách nhiệm sản xuất 80% lượng lương thực, hơn 60% số phụ nữ có việc làm hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Mặc dù có vai trò thiết yếu, nhưng phụ nữ ít khả năng sở hữu đất hoặc các tài sản sản xuất khác. Họ thường tiếp cận đất đai thông qua người thân là nam giới, với tư cách là lao động.
Khoảng 250 triệu người châu Phi đang sống dưới áp lực cực kỳ nghiêm trọng về nước. Phụ nữ bị ảnh hưởng nhiều nhất, vì việc tiếp cận nước là cốt lõi đối với công việc gia đình hằng ngày, bao gồm nấu ăn, giặt giũ và chăm sóc người thân.
Trên toàn cầu, phụ nữ và trẻ em gái dành gần 200 triệu giờ mỗi ngày để lấy nước. Trong hoàn cảnh khan hiếm nước, họ phải di chuyển xa hơn, hạn chế quyền được đảm bảo giáo dục, sinh kế và sự an toàn. Phụ nữ và trẻ em gái còn đối diện rủi ro bị bạo lực tình dục khi phải đi bộ một quãng đường dài để lấy nước, củi hoặc các nhiên liệu khác.
Trong gia đình, phụ nữ vẫn có ít quyền tự chủ hơn trong việc ra quyết định, bao gồm cả các lựa chọn di cư. Định kiến về giới và trách nhiệm gia đình khiến họ ít được tiếp cận với các nguồn lực và thông tin hơn nam giới để đưa ra các quyết định này. Hệ quả: phụ nữ ít được đại diện, hoặc bị loại khỏi các quá trình ra quyết định về di cư và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ở châu Phi, nguồn tài chính để ứng phó với biến đổi khí hậu có tính đến yếu tố bình đẳng giới đã tăng từ mức trung bình 80 triệu USD năm 2010 lên 1,6 tỉ USD trong năm 2019. Tuy nhiên, hơn 3/4 tổng nguồn tài chính liên quan đến vấn đề khí hậu ở châu Phi trong suốt thập kỷ vừa qua đã không xét đến vấn đề bình đẳng giới.
Theo phụ nữ TPHCM