Phụ nữ, trẻ em và người khuyết tật bị ảnh hưởng lớn 

Năm nay, IDDRR diễn ra ngay sau đánh giá giữa kỳ của Khung hành động Sendai về giảm thiểu rủi ro thiên tai giai đoạn 2015-2030. Vào tháng 5/2023, Liên hiệp quốc (LHQ) đã thông qua tuyên bố nhằm đẩy nhanh hành động tăng cường khả năng phục hồi sau thảm họa.

leftcenterrightdel
 Phụ nữ, trẻ em và người khuyết tật là những người chịu ảnh hưởng lớn nhất từ các rủi ro thiên tai - Nguồn ảnh: UN

Theo đó, tình trạng bất bình đẳng và dễ bị tổn thương do thiên tai là 2 mặt của cùng một vấn đề. Khả năng tiếp cận các dịch vụ không đồng đều như tài chính, bảo hiểm… khiến những nhóm yếu thế có nguy cơ cao phải chịu hậu quả nặng nề hơn khi đối mặt với thiên tai. Tác động của thiên tai làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng và đẩy nhóm này vào cảnh nghèo đói. “Khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang diễn ra nhanh chóng, ảnh hưởng đến phụ nữ và trẻ em nhiều nhất” - Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nói.

Theo dự báo, đến năm 2030, thế giới sẽ phải đối mặt với khoảng 560 thảm họa mỗi năm, tức 1,5 thảm họa/ngày. Ước tính sẽ có thêm 37,6 triệu người phải sống trong điều kiện cực kỳ nghèo đói do tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai. Kịch bản “xấu nhất” về biến đổi khí hậu và thiên tai sẽ đẩy thêm 100,7 triệu người vào cảnh nghèo đói vào thời điểm đó.

Báo cáo đánh giá toàn cầu cho thấy, đa số các quốc gia đối mặt với rủi ro thiên tai cao đồng thời cũng là những quốc gia có tỉ lệ dân số sống dưới chuẩn nghèo cao nhất. LHQ cho hay, 91% số ca tử vong do các mối nguy hiểm về thời tiết, khí hậu xảy ra ở các nước đang phát triển trong khoảng thời gian từ 1970-2019. Theo Ngân hàng Thế giới, 82% số ca tử vong liên quan đến thảm họa xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Nghiên cứu gần nhất khẳng định, khoảng 75% các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt liên quan đến biến đổi khí hậu. Điều bất công là những đất nước chịu thiệt hại lớn nhất do thiên tai lại là những nơi có lượng khí thải ít nhất.

Tại mỗi quốc gia hay cộng đồng, sự bất bình đẳng cũng khiến những người yếu thế phải gánh chịu thảm họa nặng nề hơn. Người nghèo thường sống ở những khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi hiểm họa và ít có khả năng đầu tư cho các biện pháp giảm thiểu rủi ro. Họ thường có nhà ở chất lượng thấp, không an toàn. Việc thiếu các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giao thông công cộng, thông tin liên lạc, cơ sở hạ tầng càng làm tình hình thêm trầm trọng. Nhóm dân cư gồm phụ nữ, trẻ em và người khuyết tật bị ảnh hưởng nặng bởi tác động khác nhau của thiên tai. Ở Nepal, số lượng phụ nữ tiếp cận được với những cảnh báo về thiên tai thấp hơn nam giới khoảng 20%. Trong trận động đất lớn ở phía đông Nhật Bản năm 2011, người khuyết tật có nguy cơ tử vong cao gấp đôi so với người bình thường. 

Ưu tiên triển khai hệ thống cảnh báo sớm 

Mục tiêu phát triển bền vững của LHQ luôn nêu bật các công cụ xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên cần có nhiều nỗ lực hơn để giảm thiểu tình trạng dễ tổn thương và giải quyết bất bình đẳng. Khung hành động Sendai kêu gọi: “Cần tập trung giải quyết các nguyên nhân tiềm ẩn gây ra rủi ro thiên tai, chẳng hạn như nghèo đói và bất bình đẳng. Giảm thiểu rủi ro thiên tai đòi hỏi sự tham gia của toàn xã hội, tăng cường sự lãnh đạo của phụ nữ và thanh niên”.

Bà Mami Mizutori - Trưởng văn phòng Giảm thiểu rủi ro thiên tai của LHQ (UNDRR) - cho biết: ngay cả ở những quốc gia giàu có hơn, phần lớn nạn nhân của thảm họa thiên tai là những người nghèo nhất và những người đang phải đối mặt với tình trạng bất bình đẳng về kinh tế, xã hội. Kết quả khảo sát người khuyết tật cho thấy có đến 84% cảm thấy họ không được chuẩn bị để ứng phó trong trường hợp xảy ra thảm họa.

“Nghèo đói và bất bình đẳng buộc cộng đồng phải sống ở những khu vực nguy hiểm, có cơ sở hạ tầng và nhà ở yếu kém. Bất bình đẳng cản trở khả năng tiếp cận thông tin, dịch vụ cảnh báo và sau thảm họa, các cộng đồng dễ bị tổn thương phải mất nhiều thời gian hơn để phục hồi và người dân thường bị đẩy sâu vào cảnh nghèo đói. Chúng ta phải phá vỡ vòng lẩn quẩn này” - bà Mami Mizutori nói.

IDDRR 2023 kêu gọi các quốc gia phải khẩn trương triển khai các hệ thống cảnh báo sớm, toàn diện để mọi người, bất kể ở đâu, đều được bảo vệ và chuẩn bị sẵn sàng; tài trợ đầy đủ cho hoạt động giảm thiểu rủi ro thiên tai, dù đó là thông qua hỗ trợ quốc tế, đầu tư công hay tư nhân và giúp các nước đang phát triển tránh thảm họa. 

Theo phụ nữ TPHCM