Chân dung phụ nữ trưởng thành ở mặt ngoài xác ướp Hawara Portrait Mummy No. 4. Ảnh: Stuart Stock.

 

Các nhà khoa học sử dụng kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính (CT) để quan sát chi tiết một xác ướp Ai Cập trong Bảo tàng Nghệ thuật Block thuộc Đại học Northwestern. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Journal of the Royal Society Interface hôm nay.

Xác ướp mang tên Hawara Portrait Mummy No. 4, khai quật tại Hawara, Ai Cập, năm 1910-1911. Mummy No. 4 tồn tại từ thế kỷ 1, khi Ai Cập nằm dưới sự cai trị của La Mã. "Trong thời kỳ Ai Cập thuộc La Mã, người ta bắt đầu tạo xác ướp với tranh chân dung gắn ở mặt trước. Hàng nghìn xác ướp được làm theo cách này. Tuy nhiên, phần lớn xác ướp mà chúng tôi khai quật đã mất bức chân dung, có lẽ chỉ khoảng 100-150 trường hợp còn giữ được", giáo sư Stuart Stock tại Đại học Northwestern, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.

                     Ảnh chụp hé lộ cấu trúc bên trong xác ướp 2.000 năm tuổi Ảnh: Stuart Stock.

Đây là lần đầu tiên phương pháp nhiễu xạ tia X được sử dụng cho một xác ướp nguyên vẹn, theo Stock. Bức chân dung trên Mummy No. 4 là phụ nữ trưởng thành nhưng kích thước xác ướp lại nhỏ hơn nhiều. Kết quả nghiên cứu cho thấy đây là trẻ em, thậm chí chưa mọc chiếc răng vĩnh viễn nào.

Ảnh chụp CT răng và xương đùi hé lộ bé gái khoảng 5 tuổi, nhưng trên xương không có tổn thương nào giúp các nhà khoa học xác định nguyên nhân cái chết. Cơ thể bé gái dài 937 mm, tính từ đỉnh đầu đến bàn chân, các lớp bọc xung quanh khiến chiều dài tăng thêm 50 mm.

Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện 36 vật thể giống kim, 11 chiếc quanh đầu và cổ, 20 chiếc gần chân, 5 chiếc ở thân trên. Ảnh chụp tia X cho thấy chúng là những dây kim loại hoặc đinh ghim, có khả năng được thêm vào để cố định xác ướp trong thế kỷ trước.

Một phát hiện bất ngờ nữa là lớp chất cặn khác thường trong vỏ bọc của Mummy No. 4. Stock cho rằng có thể các thầy tế thời xưa đã dùng bùn để cố định các dải băng của xác ướp.

Nhóm chuyên gia cũng tìm thấy vật thể nhỏ hình elip dài khoảng 7 mm trong những lớp băng quanh bụng. Ảnh chụp tia X hé lộ nó được làm từ CaCO3. Đây có khả năng là một tấm bùa được thêm vào khi cơ thể bé gái bị thương trong quá trình làm xác ướp, Stock nhận định.

Khi tai nạn xảy ra, các thầy tế thường đặt bùa, ví dụ bùa bọ hung, lên phần cơ thể bị tổn hại để bảo vệ người chết ở thế giới bên kia. Khối CaCO3 mới phát hiện có kích thước và vị trí giống một chiếc bùa hình bọ hung, Stock giải thích. Tuy nhiên, độ phân giải của ảnh CT không đủ cao để thể hiện chi tiết những nét chạm khắc trên vật thể này nên nhóm nghiên cứu không thể kết luận chắc chắn.

Theo vnexpress