Cụ Đạo têm trầu. Nhai trầu là một sở thích của cụ - Ảnh: Khánh Hoan

Đông đủ cháu, chắt và 24 chít

Theo giấy căn cước được cấp năm 1972, cụ bà Phan Thị Hai (còn gọi là cụ Đạo) sinh năm 1906 ở xã Thanh Tân (nay là xã Võ Liệt, H.Thanh Chương, Nghệ An). Con trai đầu của cụ sinh năm 1925 (mất năm 1991) và con trai thứ hai sinh năm 1929 (mất năm 2012, thọ 83 tuổi).

Cụ Đạo là con thứ hai trong gia đình có 3 chị em nên có tên là Hai. Cụ Đạo lấy chồng ở xã Thanh Chi kề bên, sinh được 2 người con thì chồng mất. Theo phong tục địa phương, sau khi có con trai, tên cha mẹ được gọi theo tên con trai nên cụ có tên là Đạo. Năm 1948, cụ Đạo kết duyên với người khác ở cùng xã Thanh Chi và có thêm một người con chung sinh năm 1949 là ông Hoàng Văn Sửu. Năm 1973, người chồng cũng mất.

Hiện, cụ Đạo sống chung với vợ chồng con trai út là ông Hoàng Văn Sửu (71 tuổi) ở xóm 7, xã Thanh Chi. Cụ Đạo hiện có hàng chục cháu, chắt và 24 chít (thế hệ thứ 5), chít lớn nhất năm nay 8 tuổi.

Cụ Đạo vẫn tách hạt lạc (đậu phộng) và những công việc như thế này khiến cụ rất thích - Ảnh: Khánh Hoan

Giấy CMND và Thư chúc thọ 114 tuổi của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An

Người con dâu thứ hai của cụ Đạo là cụ Trịnh Thị Hường năm nay cũng đã 85 tuổi. Bà Hoàng Thị Phương (57 tuổi, cháu nội của cụ Đạo) kể hồi bà còn nhỏ, thường được bà nội ôm vào lòng ủ ấm để ngủ. “50 năm rồi, tui vẫn thấy bà như ngày xưa, chỉ già hơn một chút thôi”, bà Phương nói.

Tự giặt giũ, vệ sinh, xếp đồ

Bà Trần Thị Hương, con dâu út của cụ Đạo cho biết sức khỏe của cụ rất tốt. Cụ rất ít khi ốm vặt và cũng chỉ mới vài lần đi bệnh viện để mổ mắt và bó bột do bị ngã gãy tay. Bà Hương kể, năm 2012, cụ bị ngã gãy tay, con cháu đưa đến bệnh viện huyện để bó bột rồi được về nhà. 12 ngày sau, khó chịu với cánh tay bị bó, cụ tự tháo bột ra khiến con cháu hoảng hốt.

“Khi đưa đến bệnh viện kiểm tra thì bác sĩ ngạc nhiên vì xương đã liền lại”, bà Hương kể. Bị cảm sốt lặt vặt, cụ không hề dùng thuốc tây, chỉ dùng thuốc nam và dầu cù là để bôi ngoài da.

Cụ Đạo và người con dâu thứ hai, cụ Trịnh Thị Hường (85 tuổi) - Ảnh: Khánh Hoan


Cụ vẫn tự vệ sinh cá nhân, không phiền đến con cháu - Ảnh: Khánh Hoan

Dù ở tuổi quá hiếm... 114, cụ Đạo vẫn còn khỏe và minh mẫn. Cụ hoàn toàn tự lo vệ sinh cá nhân cho mình từ ăn uống, tắm, giặt, đi vệ sinh, thậm chí cụ vẫn thích lao động. Bà Hương kể, nhà có sắm máy giặt, nhưng cụ không chịu cho con cháu giặt bằng máy mà tự cụ giặt vì sợ hỏng áo.

Những đêm trời rét, con cháu mang bô cho cụ để ở chân giường để cụ vệ sinh nhưng cụ không chịu, vẫn cứ lọ mọ ra nhà vệ sinh. Hằng ngày, buổi sáng thức dậy, nếu sân chưa quét thì cụ lấy chổi quét, đồ đạc để lộn xộn, cụ tự sắp xếp lại gọn gàng.

Cụ Đạo đang trò chuyện với cháu, chắt qua điện thoại - Ảnh: Khánh Hoan

Cụ Đạo và con, cháu - Ảnh: Khánh Hoan


Thời trẻ, cuộc sống của cụ khó khăn khi chồng mất sớm, cụ đi thêm bước nữa và ngoài người con chung với chồng sau, cụ cùng chồng nuôi thêm 2 con riêng của chồng. Bà Hường kể hồi còn trẻ, cuộc sống khó khăn nên cụ có gì ăn nấy. Cụ thích ăn rau, củ, quả. Đặc biệt, cụ rất cần cù lao động và làm việc đồng áng gần như không biết mệt. Khi đã ngoài 80 tuổi, cụ Đạo vẫn ra đồng.

Tuổi tác đã khiến tai cụ bị lãng, nhưng hiện cụ vẫn còn rất minh mẫn. Cháu chắt sinh sống ở xa gọi điện về hỏi thăm, cụ vẫn nhận biết và trò chuyện. Cụ thích làm những việc nhẹ trong nhà và “khi đã làm thì con cháu không cản được”. Về già, mỗi ngày cụ ăn 4 lần: sáng, trưa, chiều và tối, mỗi lần một bát cơm. Bà Trần Thị Hương (con dâu út) cho rằng, có lẽ nhờ yêu thích lao động, sống lành mạnh và sinh hoạt ăn, ngủ điều độ giúp cụ sống trường thọ và khỏe mạnh.

Theo thanhnien