leftcenterrightdel
 Cô Nadia, một trong những nạn nhân của nạn 'đổi tình dục lấy điểm' - AFP

Mạng xã hội của Ma Rốc hiện tràn ngập những lời tố cáo của nhiều nữ sinh viên đại học, đánh dấu sự trỗi dậy của phong trào #MeToo ở quốc gia Bắc Phi.

“Cách đây một năm, tôi bị đuổi học với lý do gian lận trong kỳ thi”, Hãng tin AFP dẫn lời cô Nadia (không tiết lộ tên đầy đủ), 24 tuổi.

Cô Nadia nói rằng trên thực tế cô không được tiếp tục đi học vì từ chối lời đề nghị quan hệ tình dục của một trong các giáo sư.

Trường mà cô theo học là Đại học Hassan I ở thành phố Settat, gần trung tâm thương mại Casablanca của Ma Rốc. Cô đã được quay lại giảng đường trong lúc trường đại học này bị phanh phui bê bối “đổi tình dục lấy điểm” có liên quan đến 5 giáo sư.

Một giáo sư đã bị tuyên án 2 năm tù giam trong tháng 1, trong khi 4 người khác chuẩn bị ra tòa hôm 24.1.

“Tôi không phải là trường hợp cá biệt”, cô Nadia cho biết. “Các nữ sinh viên khác cũng đối mặt tình trạng tương tự, nhưng không ai lắng nghe chúng tôi”, cô chia sẻ.

Trong những năm gần đây, giới truyền thông địa phương đã đưa tin về một số trường hợp, nhưng mọi thứ nhanh chóng chìm vào quên lãng và không có ai bị xét xử.

Gần đây, chiến dịch trên mạng xã hội đã góp phần thu hút sự chú ý của dư luận đối với vấn nạn về đạo đức trong môi trường đại học Ma Rốc.

Một trong những tổ chức vận động cho chiến dịch trên là “7achak”, theo đó kêu gọi các nạn nhân hãy chia sẻ những câu chuyện của họ trên mạng.

“Ngay khi bắt đầu, chúng tôi nhận được phản hồi của nhiều nạn nhân. Các trường hợp có chứng cứ (ảnh chụp màn hình tin nhắn giáo sư dụ dỗ quan hệ tình dục) đều được tung lên mạng”, theo nhà sáng lập "7achak" là bà Sarah Benmoussa.

Và những người như cô Nadia đã quyết định đâm đơn kiện kẻ đã quấy rối tình dục mình.

Theo thanhnien