Bé gái và phụ nữ là nạn nhân chính trong kiếp sống nô lệ thời hiện đại
Cập nhật lúc 21:09, Thứ ba, 13/09/2022 (GMT+7)
Trong số hơn 50 triệu người đang chịu kiếp sống nô lệ thời hiện đại, bé gái và phụ nữ là nạn nhân chiếm số đông.
|
|
Hơn 50 triệu người trên khắp thế giới đang chịu kiếp sống nô lệ thời hiện đại. (Ảnh minh họa) |
Trong 5 năm qua, những tác động của dịch bệnh Covid-19 và biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng lớn tới đời sống hàng ngày của người dân trên khắp thế giới. Nhiều nước báo cáo nền kinh tế sụt giảm nghiêm trọng, đẩy hàng triệu người vào kiếp sống nô lệ thời hiện đại.
CNN đưa tin, theo báo cáo mới được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thuộc Liên Hợp Quốc công bố hôm 12/9, ước tính 50 triệu người trên khắp thế giới đang là nạn nhân của tình trạng hôn nhân và lao động cưỡng bức, tăng 25% so với số liệu công bố vào năm 2016. Đây là kết quả từ cuộc điều tra của ILO tại hơn 180 quốc gia.
Nô lệ thời hiện đại ám chỉ tới vấn nạn hôn nhân và lao động cưỡng ép, khi nạn nhân không thể chạy trốn khỏi những mối đe dọa, bạo lực và sự lừa dối.
Cũng theo báo cáo của ILO, dịch bệnh Covid-19, xung đột vũ trang và khủng hoảng khí hậu đã “gây gián đoạn chưa từng có” đối với lĩnh vực việc làm và giáo dục, dẫn tới nghèo đói gia tăng, di dân mất an toàn và bạo lực giới. Tất cả những yếu tố này đang đẩy ngày càng nhiều người vào khiếp sống nô lệ thời hiện đại.
Báo cáo của ILO nhận định các nước cần có thêm những bộ luật để tăng cường bảo vệ và hỗ trợ cho phụ nữ, bé gái cũng như những đối tượng dễ bị tổn thương, để từ đó giảm đáng kể tình trạng và một ngày nào đó chấm dứt vấn nạn nô lệ thời hiện đại.
Bé gái và phụ nữ chiếm số đông
Số liệu trong báo cáo cho hay, 22 triệu người đang sống trong cuộc hôn nhân cưỡng bức. Con số này tăng 43% so với năm 2016. Hơn 2/3 nạn nhân bị ép cưới là phụ nữ và bé gái. Điều này dẫn tới nguy cơ lớn hơn đối với tình trạng tấn công và bạo lực tình dục.
Đáng nói, ngày càng nhiều người sống ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương bị ép cưới. Nhưng khi tính theo quy mô dân số, nạn nhân bị ép cưới phổ biến nhất lại là ở các nước Ả Rập.
“Dịch bệnh Covid-19 đẩy các yếu tố nằm trong hệ thống nô lệ thời hiện đại đều gia tăng bao gồm hôn nhân cưỡng bức”, báo cáo của ILO cho hay.
Tại một số quốc gia, quyết định phong tỏa đã ngăn những lao động kiếm thu nhập theo ngày không thể ra ngoài kiếm sống. Ngoài ra, phong tỏa khiến nhiều ngôi trường phải đóng cửa đẩy học sinh về nhà, và tạo gánh nặng cho bữa ăn của gia đình.
Trong số này, thủ đô Delhi của Ấn Độ là một trong những khu vực có thời gian đóng cửa trường học dài nhất trên thế giới để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, hơn 4 triệu trẻ đã không được đến trường trong hơn 600 ngày.
Ông Shaheen Mistri, nhà sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Teach For India, cho biết khoảng 10% học sinh theo học tại các trường công lập tại Delhi đã không được đi học, do tác động của dịch bệnh và gánh nặng tài chính đè nặng lên vai các gia đình nghèo.
“Tảo hôn gia tăng, bạo lực nhằm vào trẻ em cũng gia tăng, dinh dưỡng rơi vào cuộc khủng hoảng lớn, bởi nhiều học sinh trước nay phụ thuộc vào bữa ăn tại trường”, ông Mistri chia sẻ với CNN hồi tháng Một.
Báo cáo của ILO còn tiết lộ số lượng lao động cưỡng bức hiện là 28 triệu người, tăng 11% so với năm 2016. Trong đó, cứ 8 nạn nhân thì có 1 trẻ em và đây là vấn đề “đặc biệt đáng quan ngại”. Theo ILO, hơn 1/2 trẻ em là nạn nhân của bọn buôn người và bị ép bán dâm.
Xét về giới tính, lao động cưỡng bức đối với phụ nữ chủ yếu là làm việc nhà, trong khi nam giới bị đưa tới các công trường xây dựng.
Phụ nữ bị chủ lao động cưỡng ép phải làm việc thông qua hình thức lạm dụng và không trả tiền, còn nam giới bị đe dọa bạo lực và phạt trừ lương hoặc không trả lương.
Theo infonet.vietnamnet