Mọi người tụ tập tập hôm 10-6 tại khu dân cư Capitol Hill, nơi người biểu tình lập ra một "khu tự trị" - Ảnh: New York Times
Trên những con phố ngay cạnh một đồn cảnh sát ở khu dân cư Capitol Hill của thành phố Seattle (bang Washington của Mỹ), người biểu tình và cảnh sát đã rơi vào thế bế tắc trong một tuần và đôi lúc đối đầu trong hơi cay, báo New York Times ngày 12-6 viết.
Tuy nhiên, đối diện với phản ứng dữ dội của người biểu tình sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd, Sở Cảnh sát Seattle tuần này đã đưa ra sự nhượng bộ: cảnh sát sẽ rời khỏi tòa nhà làm việc của họ, bịt kín cửa và để người biểu tình làm những gì mà họ muốn.
Và người biểu tình đã nắm bắt cơ hội này. Ngay tại khu dân cư vốn là trung tâm nghệ thuật và văn hóa của thành phố Seattle này, người biểu tình đã dựng rào chắn và đặt tên nơi đây là "Khu tự trị Capitol Hill".
"Không gian này giờ đây là tài sản của người dân Seattle" - một tấm biển đặt ở lối vào đồn cảnh sát giờ đây đã trống vắng viết. Toàn bộ khu vực này hiện là nơi để người ta trải nghiệm cuộc sống không có cảnh sát.
"Khu tự trị" Capitol Hill ở Seattle mà người biểu tình đang chiếm giữ. "Police precinct" là khu vực cảnh sát - Ảnh: FOX NEWS
Hàng trăm người đã tụ tập để nghe những bài phát biểu, nghe thơ, nghe nhạc. Tối 9-6 vừa qua, hàng chục người ngồi giữa một nút giao thông để xem bộ phim tài liệu "Tu chính án 13" của đạo diễn Ava DuVernay về xóa bỏ chế độ nô lệ vào năm 1865.
Bên trong "khu tự trị" này, khu vực hút thuốc và trạm y tế cũng được chỉ định. Tại một địa điểm có tên "Hợp tác xã không cảnh sát", người dân có thể lấy nước có ga hoặc đồ ăn vặt miễn phí. Không có loại tiền tệ nào được chấp nhận. Tuy nhiên, vẫn có một gian hàng bán xúc xích với giá 6 USD.
Tối 10-6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cố miêu tả khung cảnh trong thành phố này là thứ gì đó nguy hiểm hơn. Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo trong chính quyền mạnh tay hơn với người biểu tình và tuyên bố trên Twitter: "Những tên khủng bố nội địa đã chiếm giữ Seattle".
"Hãy lấy lại thành phố của các vị ngay bây giờ. Nếu các vị không làm điều đó thì tôi sẽ làm. Đây không phải là một trò đùa" - ông Trump viết trên Twitter, nhắm vào nữ thị trưởng Jenny Durkan của Seattle và Thống đốc Jay Inslee của bang Washington.
Sau đó, nữ thị trưởng Jenny Durkan phản pháo: "Hãy để tất cả chúng tôi an toàn. Quay trở lại hầm trú ẩn của ông đi!".
Một chướng ngại vật bên trong khu tự trị - Ảnh: New York Times
Trong một thông điệp qua video hôm 11-6, cảnh sát trưởng Carmen Best của Seattle nói rằng quyết định rút nhân viên khỏi đồn cảnh sát không phải là quyết định của bà và rằng bà giận dữ về những gì đã diễn ra.
Bà bày tỏ lo ngại - nhưng không cung cấp bằng chứng - về những vấn đề trong khu vực, như việc các doanh nghiệp được yêu cầu trả tiền để đổi lấy an toàn. Sau đó, bà cho biết chưa có báo cáo về vụ việc này và đây chỉ là tin đồn trên mạng xã hội.
Hiện nay các nhóm đưa ra những ưu tiên khác nhau tại "khu tự trị này". Chẳng hạn, một danh sách ba yêu cầu được đề nổi bật trên một bức tường, gồm: Cắt ngân sách sở cảnh sát, đầu tư vào quỹ y tế cộng đồng và hủy tất cả cáo buộc hình sự với người biểu tình. Nhưng trên một hàng rào gần đó lại viết 5 yêu cầu. Trên mạng thậm chí có danh sách tới 30 yêu cầu.
Tuy nhiên, một số người tham gia biểu tình vì vấn đề chủng tộc và chính sách cảnh sát đã bắt đầu lo lắng rằng những đòi hỏi rộng hơn có thể làm lu mờ mục tiêu chính của họ.
Hiện những người biểu tình cũng có ý kiến khác nhau về việc "khu tự trị" trên sẽ tồn tại bao lâu. Một số người tự hỏi liệu cảnh sát có cố gắng lấy lại khu vực hay không.
Số khác hi vọng các chướng ngại vật vẫn được duy trì vài tuần, cho đến khi các lãnh đạo bang và thành phố đáp ứng yêu cầu của họ.
Theo tuoitre