leftcenterrightdel
 

Theo một báo cáo của McKinsey dựa trên kết quả khảo sát 6.294 người Mỹ, khoảng 40% người lao động Mỹ đang cân nhắc từ bỏ công việc hiện tại của họ trong 3 đến 6 tháng tới. 

Bonnie Dowling, một trong những tác giả của báo cáo, cho biết: “Đây không chỉ là một xu hướng hay thay đổi liên quan đến đại dịch đối với thị trường lao động, vốn đã có một sự thay đổi cơ bản trong tâm lý của người lao động. Họ sẵn sàng ưu tiên những việc khác trong cuộc sống hơn công việc. Mọi thứ sẽ không bao giờ trở lại như năm 2019”. 

Nhiều nguyên nhân dẫn đến cuộc "Đại nhảy việc" của Mỹ

Cuộc “Đại nhảy việc” tại Mỹ xuất phát từ nhiều nguyên nhân, có thể kể đến như lương thực tế thấp trong bối cảnh lạm phát kỷ lục, cơ hội thăng tiến ít, lịch trình làm việc không linh hoạt.  

Kết luận trên được đưa ra sau khi McKinsey khảo sát hơn 2.800 người đã rời bỏ công việc của họ trong vòng 2 năm qua để tìm hiểu họ sẽ làm gì sau đó. Những người được khảo sát thuộc 6 quốc gia - Mỹ, Úc, Canada, Singapore, Ấn Độ và Vương quốc Anh. 

Gần một nửa chuyển đổi ngành nghề. Báo cáo cho thấy khoảng 48% người nghỉ việc đã theo đuổi các cơ hội mới trong các ngành khác nhau. Chuyên gia Dowling chỉ ra hai yếu tố thúc đẩy cuộc dịch chuyển công việc này, đó là: tình trạng kiệt sức do đại dịch gây ra và cơ hội tốt với mức lương cao trong thị trường lao động eo hẹp. Bà Dowling nói: “Rất nhiều người đã nhận ra ngành công nghiệp của họ biến động và thiếu an toàn như thế nào trong đại dịch, đặc biệt là những người ở tuyến đầu”. 

Đồng thời, thị trường việc làm tăng trưởng mạnh khi nhiều công ty vẫn đang đấu tranh để thu hút và giữ chân nhân viên. Bà Dowling cho biết thêm: “Ngày càng có nhiều nhà tuyển dụng mở rộng tầm nhìn để tìm cách lấp đầy khoảng trống nhân tài của công ty. Họ ưu tiên kỹ năng hơn nền tảng giáo dục hoặc kinh nghiệm làm việc trước đây. Sự thay đổi này tạo ra nhiều cơ hội hơn cho người tìm việc”.  

Mặc dù đây là vấn đề khiến các bộ phận nhân sự trên khắp nước Mỹ đau đầu, nhưng lại mở ra cánh cửa cho người tìm việc tận dụng các cơ hội mới vốn ngoài tầm với trước đại dịch. 

Ở các lĩnh vực khác nhau, tình trạng hao hụt nhân sự cũng không đồng đều. Đơn cử, hơn 70% người lao động bỏ việc trong lĩnh vực tiêu dùng - bán lẻ và tài chính - bảo hiểm chuyển ngành hoặc bỏ hẳn lực lượng lao động, cao hơn so với 54% người lao động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và giáo dục.

Ngoài ra, nhiều người bỏ việc để bắt đầu kinh doanh riêng hoặc theo đuổi công việc phi truyền thống. 

Báo cáo cũng lưu ý, trong số những người bỏ việc không tìm được việc mới, gần một nửa (47%) chọn quay trở lại lực lượng lao động, nhưng chỉ 29% quay lại công việc truyền thống, toàn thời gian. Tỷ lệ này là kết quả của cuộc khảo sát hồi tháng 3 của McKinsey với 600 người lao động Mỹ đã tự nguyện rời bỏ công việc không vì một công việc khác. 18% số người còn lại tìm thấy công việc tạm thời với số giờ làm ít hơn, bán thời gian hoặc kinh doanh riêng. 

Bà Dowling nói: “Mọi người không còn chấp nhận những chủ doanh nghiệp và những nền văn hóa độc hại nữa, vì họ có thể rời đi và tìm những cách khác để kiếm tiền mà không rơi vào tình huống tiêu cực. Với khả năng kết nối ngày càng tăng, có nhiều cơ hội làm việc hơn bao giờ hết.”

Nhà Trắng cho biết trong một thông cáo báo chí hồi tháng 4, ngày càng có nhiều người chọn làm ông chủ của chính họ. Trong suốt thời gian đại dịch, các ứng dụng kinh doanh mới đã tăng hơn 30%, với gần 5,4 triệu ứng dụng mới trong năm 2021.

Không chỉ riêng việc thoát khỏi môi trường làm việc độc hại, những hoạt động phi truyền thống cũng đáp ứng mong muốn ngày càng cao của người lao động về tính linh hoạt. Theo Dự án nghiên cứu WFH, sự tự do chọn thời gian và địa điểm làm việc là lợi ích được người lao động tìm kiếm nhiều nhất trong thời kỳ đại dịch. Tính linh hoạt được đánh giá ngang bằng với mức tăng lương 10%.  

Xu hướng không ngừng lại, đã đến lúc các công ty thay đổi? 

Các nghiên cứu cũng chỉ ra, tình trạng nhảy việc có thể tiếp tục đến năm 2022 cho đến khi các công ty thực hiện những thay đổi có ý nghĩa. Chuyên gia Dowling dự báo ngay cả khi có khả năng xảy ra suy thoái kinh tế, nhân sự sẽ tiếp tục thay đổi công việc với tỷ lệ cao trong những tháng tới. 

Bà nói: “Trong một thời gian dài, người lao động có xu hướng không rời bỏ công việc trừ khi có một công việc khác thay thế. Nhưng xu hướng này đã thay đổi trong 18 tháng qua. Giờ đây, thái độ của mọi người là: Tôi tin tưởng rằng khi tôi muốn làm việc, sẽ có việc cho tôi”. 

Thay vì than thở về tình trạng thiếu lao động đang diễn ra, các công ty cần nhìn vào bối cảnh kinh tế đang chuyển dịch ở Mỹ như một cơ hội để định hình lại cách chúng ta làm việc và xây dựng một mô hình tốt hơn, Dowling nói.

“Cần xem xét tính linh hoạt trong việc đánh giá lại nhân viên và cung cấp cho họ những nguồn lực cần thiết để thực hiện công việc. Tất cả nhà tuyển dụng đều có khả năng thực hiện những thay đổi có ý nghĩa này”, bà nói thêm, “Nhưng chúng tôi phải bắt đầu hành động, thay vì ngồi lại và hy vọng rằng những chuẩn mực sẽ trở lại như trước đại dịch”.

Theo doanhnhanvn