“Tình thế lúc đó rất hiểm nghèo”, gia đình người phụ nữ 60 tuổi kể lại. “Chúng tôi buộc phải chuyển bà ấy đi ngay”.

Sự việc diễn ra vào tháng 4. Bệnh nhân đã di chuyển 32 km từ một bệnh viện ở Philadelphia để được chăm sóc y tế tốt hơn.

Sau khi trải qua 6 tuần điều trị ở bệnh viện mới và bình phục, người phụ nữ 60 tuổi trở về nhà và nhận được hóa đơn 52.112 USD từ đơn vị vận chuyển hàng không.

Dịch vụ cấp cứu hàng không thường rất đắt đỏ. Ảnh: New York Times.

Những loại chi phí phát sinh bất ngờ này vốn được Quốc hội Mỹ nỗ lực loại bỏ vào năm 2019.

Cả Nhà Trắng lẫn lưỡng đảng đều ủng hộ kế hoạch cấm các loại hóa đơn chi trả cho cơ sở vật chất và đội ngũ bác sĩ không nằm trong mạng lưới chăm sóc y tế của bệnh nhân.

Tuy nhiên, trong giai đoạn những dự luật ngăn chặn các loại chi phí phát sinh vẫn đang được thảo luận, đại dịch Covid-19 bất ngờ ập đến khiến kế hoạch của Quốc hội Mỹ buộc phải bỏ ngỏ.

“Tôi sẽ làm cách nào để chi trả toàn bộ số tiền này đây?”
Dịch vụ cấp cứu hàng không đưa người phụ nữ chuyển viện vốn không có hợp đồng với chương trình bảo hiểm của bà. Tuy nhiên, bệnh nhân 60 tuổi không thể nắm được thông tin này, đặc biệt là khi bà đang chống chọi với cơn bạo bệnh mang tên Covid-19.

Các loại viện phí phát sinh từng bị xem xét loại bỏ. Ảnh: Getty.

Ban đầu, công ty bảo hiểm của nữ bệnh nhân, Independence Blue Cross, cho biết sẽ chi trả 7.539 USD tiền hóa đơn từ phía đơn vị vận chuyển hàng không.

Nhưng công ty này sau đó đã hủy bỏ khoản chi, khiến người phụ nữ 60 tuổi phải chịu trách nhiệm chi trả toàn bộ số tiền 52.112 USD.

“Bà ấy đã được đặt nội khí quản và thở máy khi các bác sĩ đề nghị chuyển viện, bà ấy không có quyền lựa chọn”, Leslie Pierce làm việc tại Sở Bảo hiểm Pennsylvania cho biết.

Chi phí chăm sóc y tế


Khoảng 450.000 người Mỹ đã phải nhập viện để điều trị Covid-19. Theo khảo sát do tờ New York Times tiến hành, một số bệnh nhân cảm thấy choáng ngợp trước loạt hóa đơn mà họ nhận được khi trở về nhà.

Theo một nghiên cứu mới được công bố, hơn 30% bệnh nhân Covid-19 cho biết trạng thái sức khỏe tâm thần của họ đã thay đổi sau khi mắc bệnh, đặc biệt là khi những bệnh nhân này phải chật vật để chi trả những khoản viện phí phát sinh bất ngờ.

Nhiều bệnh nhân Covid-19 chật vật vì hóa đơn viện phí khổng lồ. Ảnh: AFP.

Những khoản viện phí bất ngờ thường phát sinh khi bệnh nhân sử dụng dịch vụ từ một nhà cung cấp nằm ngoài mạng lưới bảo hiểm của họ.

Tờ New York Times dẫn nguồn một nghiên cứu cho biết 71% các chuyến xe cấp cứu có thể gây phát sinh chi phí ngoài luồng.

“Chúng tôi rất bất ngờ khi phát hiện điều này”, tiến sĩ Karan Chhabra tại Bệnh viện Brigham and Women cho biết.

Khoảng trống trong các biện pháp hỗ trợ y tế mùa đại dịch


Quốc hội Mỹ đã thiết lập quỹ cứu trợ trị giá 175 tỷ USD để hỗ trợ các bệnh viện trong việc điều trị Covid-19. Đổi lại, các nhà cung cấp dịch vụ y tế buộc phải cam kết không gửi hóa đơn viện phí cho bệnh nhân và yêu cầu họ chi trả.

Nhiều công ty bảo hiểm cũng hứa sẽ đài thọ toàn bộ chi phí điều trị Covid-19 cho những khách hàng sử dụng dịch vụ của họ.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại những lỗ hổng đáng kể trong các biện pháp hỗ trợ bệnh nhân chống chọi với đại dịch.

Một số nhà cung cấp dịch vụ y tế như các phòng thí nghiệm và đơn vị vận chuyển bệnh nhân cấp cứu không nhận được tiền hỗ trợ từ chính phủ, do đó họ có thể tùy ý lập hóa đơn và yêu cầu bệnh nhân chi trả mà không vấp phải bất kỳ rào cản pháp lý nào.

Các chuyến xe cấp cứu thường là nguyên nhân gây phát sinh viện phí bất ngờ. Ảnh: Valley Ambulance.

Trong khi đó, chính sách hỗ trợ của các công ty bảo hiểm thường chỉ áp dụng cho thời gian khách hàng nằm viện để chữa Covid-19, không bao gồm thời gian chuyển viện hay chăm sóc và theo dõi để điều trị các triệu chứng lâu dài.

Chi phí chuyển viện được cho là loại hóa đơn y tế phát sinh đắt đỏ nhất. Tiến sĩ Chhabra cho biết khoản phí loại này thường lên đến hơn 38.000 USD, khiến bệnh nhân phải chi trả khoảng 21.000 USD sau bảo hiểm.

Hóa đơn khổng lồ


Nữ bệnh nhân 60 tuổi bị yêu cầu trả 52.112 USD phí chuyển viện đã được vận chuyển bằng trực thăng Conemaugh Medstar thuộc sở hữu của hãng Air Methods.

Air Methods là một trong những dịch vụ cấp cứu hàng không lớn nhất ở Mỹ. Hãng này hiện phải đối mặt với 6 vụ kiện khác nhau tại tòa án liên bang.

Các bệnh nhân cho biết khoản phí mà Air Methods yêu cầu chi trả thường rất đắt đỏ. Bên cạnh đó, hãng này còn bị cáo buộc sử dụng phương thức đòi nợ hung hãn.

“Các nhân viên thu hồi nợ của chúng tôi thường làm việc chặt chẽ với bệnh nhân để hướng dẫn họ tận tình về cách thức và quy trình chi trả hóa đơn”, phát ngôn viên của Air Methods cho biết.

Trực thăng cấp cứu của hãng Air Methods. Ảnh: Air Methods.

Về phần công ty bảo hiểm của nữ bệnh nhân Covid-19, ban đầu Independence Blue Cross gửi một thông báo đến khách hàng của mình, ghi rõ: “Bạn có trách nhiệm chi trả toàn bộ số tiền mà nhà cung cấp dịch vụ y tế yêu cầu”.

Sau khi người phụ nữ 60 tuổi gửi khiếu nại lên Ủy viên bảo hiểm bang Pennsylvania, Jessica Altman, nhân viên của bà đã liên hệ với công ty bảo hiểm để tiến hành xem xét.

Ngay sau cuộc điều tra của cơ quan quản lý, Independence Blue Cross cho biết sẽ chi trả toàn bộ số tiền ghi trong hóa đơn.

 

Theo  Zing